Cần siết chặt quản lý dịch vụ tư vấn du học

Bài, ảnh: Thu Anh
24/10/2024 - 14:26
Cần siết chặt quản lý dịch vụ tư vấn du học

Nhu cầu du học đang tăng ở nhiều thị trường như Đài Loan (Trung Quốc), Úc, Hàn Quốc…

Dịch vụ tư vấn du học ở Việt Nam đang phát triển nhanh chóng về số lượng. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ lại đang đặt ra nhiều vấn đề, đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước phải có cơ chế quản lý giám sát chặt chẽ để bảo đảm quyền lợi của người học.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, dịch vụ tư vấn du học phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua thu hút sự quan tâm của không chỉ phụ huynh mà toàn xã hội khi đáp ứng nhu cầu đi du học ngày càng tăng của người dân.

Thống kê từ Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT) cho thấy, số du học sinh được tư vấn đi học thành công tính đến giữa tháng 9/2024 là 1.361 trường hợp. Trong đó, những thị trường dẫn đầu số du học sinh Việt Nam theo học gồm: Nhật Bản (836 người), Hàn Quốc (276 người), Đài Loan (Trung Quốc) là 68 người, Úc (54 người). 

Một trong những thị trường có số du học sinh tăng là Úc, với 32.948 du học sinh Việt Nam trong năm 2023 (tăng hơn 46% so với năm trước đó).

Theo Viện Phát triển giáo dục Hàn Quốc (KEDI), trong vòng 12 tháng tính đến tháng 4/2023, Việt Nam có 43.361 người du học Hàn Quốc (các năm gần đây dao động trong khoảng 35.000-38.000 người). 

Năm 2023, cơ quan giáo dục Đài Loan (Trung Quốc) ghi nhận 27.491 người Việt đến học (tăng 3.763 người so với năm 2022).

Nhu cầu gia tăng nên dịch vụ tư vấn du học ngày càng phát triển và trở nên quan trọng trong việc kết nối các trường học, chương trình đào tạo quốc tế với học sinh, sinh viên Việt Nam.

Không chỉ cung cấp thông tin ngành học, các dịch vụ tư vấn du học còn hỗ trợ quá trình chuẩn bị học tập ở nước ngoài, lựa chọn trường học, xin visa, thích nghi với môi trường học tập quốc tế cho học sinh, sinh viên.

Sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu tư vấn viên

"Thực tế, thời gian qua đã có một số vụ việc trung tâm tư vấn du học cung cấp thông tin sai lệch, có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Điều này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người học, tác động xấu đến hình ảnh của các tổ chức giáo dục quốc tế cũng như uy tín của hệ thống giáo dục Việt Nam.

Sự phát triển nhanh chóng của thị trường dịch vụ tư vấn du học đặt ra yêu cầu cần có giải pháp quản lý mới, phù hợp thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ này", Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết.

Theo Cục Hợp tác quốc tế, số lượng các công ty công khai báo cáo trên trang web tư vấn du học của Bộ GD&ĐT còn hạn chế. Nhiều đơn vị chỉ làm báo cáo khi đến kỳ gia hạn giấy phép hoạt động dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý nhà nước và giám sát chất lượng dịch vụ. 

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng đơn vị hoạt động không có giấy phép, tư vấn không minh bạch, gây thiệt hại cho học sinh và phụ huynh; có các vi phạm về thu phí không đúng quy định hoặc thu phí mà không thực hiện tư vấn rồi bỏ trốn; các chương trình du học trá hình, đưa người ra nước ngoài trái phép...

Một trong những bất cập của công tác quản lý hiện nay là các địa phương chưa có đội ngũ nhân sự đủ mạnh để giám sát các doanh nghiệp trên địa bàn. Nhiều địa phương gặp khó khăn khi các công ty tư vấn du học thành lập ở nơi khác nhưng tổ chức quảng cáo tuyển sinh trên địa bàn thông qua các đại lý ủy quyền hoặc thông qua mạng xã hội.

Thực tế tại TPHCM, có khoảng 3.000 tổ chức được Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố cấp mã ngành du học, song Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM chỉ mới cấp phép kinh doanh tư vấn du học cho khoảng 615 đơn vị, tức chỉ bằng 1/5 so với thực tế. 

Trước thực trạng này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM Lê Thụy Mỵ Châu cho rằng, ngành giáo dục và đào tạo sẽ chủ động tham mưu UBND TPHCM các chủ trương, chính sách để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học. 

"Thị trường tư vấn du học của TPHCM nói riêng, cả nước nói chung, còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Để công tác quản lý nhà nước hiệu quả, nỗ lực của Sở Giáo dục và Đào tạo thôi chưa đủ mà cần có sự phối hợp với các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương các cấp và ý thức kinh doanh của chính đơn vị tư vấn", bà Lê Thụy Mỵ Châu bày tỏ.

Về phía Bộ GD&ĐT, lãnh đạo Cục Hợp tác quốc tế cho biết đang nghiên cứu, xem xét quản lý các tư vấn viên theo chứng chỉ tư vấn du học đã cấp. 

Cụ thể, Bộ sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu có đầy đủ thông tin của tư vấn viên và cập nhật chất lượng hoạt động của đội ngũ này tại các công ty du học, cũng như các vi phạm nếu có. Điều này sẽ góp phần hạn chế những hành vi thiếu đạo đức xuất phát từ chính tư vấn viên.

Đến nay, số lượng tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học trên cả nước là 3.423 và tính đến ngày 15/9/2024, mới có 203 tổ chức được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học. Trong đó, Hà Nội và TPHCM là 2 địa phương có số lượng tổ chức tư vấn du học lớn nhất, với 1.304 tổ chức tại Hà Nội và 513 tổ chức tại TPHCM. Bên cạnh đó, các địa phương như Nghệ An, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hải Dương và Hà Tĩnh cũng là những nơi có hoạt động tư vấn du học sôi động.

Nguồn: Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD&ĐT

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm