Cần sớm gỡ "nút thắt" phát triển nhà ở xã hội

Hưng Long
24/03/2021 - 10:00
Cần sớm gỡ "nút thắt" phát triển nhà ở xã hội

Dự án tổ hợp chung cư nhà ở xã hội HQC Plaza. Ảnh minh họa

Thủ tục hành chính còn phức tạp và tốn nhiều thời gian, bất cập trong thực hiện các chính sách ưu đãi… khiến nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nhà ở xã hội phải chùn bước. Nếu không sớm có những giải pháp tháo gỡ vướng mắc thì "bài toán" an cư của những người có thu nhập thấp vẫn sẽ bị bỏ ngỏ.
Vướng mắc thủ tục hành chính

Chia sẻ với PNVN, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Lê Thành (sau đây gọi tắt là Công ty Lê Thành), cho biết, vướng mắc chính hiện nay là quy trình và thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến thực hiện dự án còn quá chậm. Một dự án kéo dài nhiều năm, có dự án đến 20 năm mà vẫn chưa thể thực hiện do vướng thủ tục hành chính. Công ty Lê Thành từng trình hồ sơ dự án lên UBND TPHCM để chờ phê duyệt nhưng đợi hơn 2 tháng chưa có câu trả lời. Chỉ với bước đầu tiên mà doanh nghiệp đã mất thời gian như vậy thì những bước sau không biết sẽ thế nào.

Lấy minh chứng từ một dự án của Công ty Lê Thành từng gặp vướng mắc do sự bất hợp lý về các thông số kỹ thuật trong đồ án quy hoạch, ông Lê Hữu Nghĩa cho biết, Công ty Lê Thành từng xin lập dự án nhà ở xã hội được thiết kế 15 tầng. Trong khi đó, chỉ tiêu quy hoạch của khu đất có nhà cao 15 tầng, mật độ xây dựng 30% nhưng hệ số sử dụng đất chỉ có 2.0. Hệ số sử dụng đất này chỉ dành cho khu nhà thấp tầng, không phù hợp với khu đất được quy hoạch nhà cao tầng. Đó là chưa kể mật độ xây dựng tối đa của nhà ở xã hội được phép tăng 50%. Khi tăng mật độ xây dựng thì phải tăng hệ số sử dụng đất. Nếu cơ quan chức năng không cho tăng hệ số sử dụng đất thì doanh nghiệp không thể triển khai dự án được.

Ông Lê Hữu Nghĩa băn khoăn, nếu doanh nghiệp tăng diện tích sàn để làm nhà ở thì không đủ diện tích công trình công cộng trong dự án, không đủ hệ thống thiết kế liên quan đến các bài toán kỹ thuật...

Cần sớm gỡ "nút thắt" phát triển nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Cần có quỹ đất dành cho dự án nhà ở xã hội

Với hàng loạt vướng mắc mà các doanh nghiệp đang gặp phải, không khó hiểu vì sao nhiều dự án nhà ở xã hội lại bị chậm triển khai như vậy. Dù thời gian qua, nhà nước đưa ra nhiều chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc thị trường nhà ở xã hội nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Theo chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân, để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ thì phải có cơ chế rút ngắn thời gian cấp phép.

Một yếu tố quyết định khác là quỹ đất dành cho các doanh nghiệp khi triển khai. Cần phải có quy hoạch quỹ đất dành riêng cho dự án nhà ở xã hội. Những khu nhà ở này phải có giá trị cộng hưởng, giá trị kết nối đến khu trung tâm. Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân đưa ra ví dụ về những khu tái định cư, căn hộ được bán với giá khá "mềm" nhưng người dân không đến ở. Nguyên nhân là do một số khu điện nước chưa hoàn chỉnh, không có các công trình phụ trợ như trường học, bệnh viện, chợ... Nhà ở giá rẻ không đồng nghĩa với việc cắt giảm các công trình phụ trợ để giảm giá thành.

Tiến sĩ Trần Nguyên Đán, giảng viên trường Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng doanh nghiệp đầu tư vào bất kỳ lĩnh vực nào luôn kỳ vọng khả năng thu hồi vốn nhanh và lợi nhuận cao. Để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào thị trường vốn kém hấp dẫn về thương mại này, cần lưu tâm đến kỳ vọng của họ. Nếu doanh nghiệp nhà nước không "mặn mà" với các dự án nhà ở giá rẻ thì khó có thể một doanh nghiệp tư nhân chấp nhận triển khai nếu chưa thỏa mãn được các kỳ vọng để đầu tư.

Đề xuất nhà ở xã hội bố trí gần các ga metro

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, đã có những đề xuất liên quan đến vấn đề quy hoạch các khu vực phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp. Theo đó, Hiệp hội đề nghị UBND thành phố, Sở Quy hoạch Kiến trúc nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM, có định hướng quy hoạch các khu vực phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp ở gần hoặc tương đối gần các ga metro tại một số quận, huyện ngoại thành.

Việc quy hoạch được thực hiện kể cả một số khu vực thuộc TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi. Có thể quy hoạch các dự án như thành phố đã phê duyệt dự án nhà ở xã hội Láng Le 30ha (huyện Bình Chánh).

Ông Lê Hoàng Châu đề nghị UBND thành phố, Sở Xây dựng xem xét kiến nghị của một số chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại cao cấp, có quy mô trên 10ha (có dự án trên dưới 200ha) xin được thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội tại địa điểm khác. Hiệp hội Bất động sản TPHCM nhận thấy, thẩm quyền xem xét, giải quyết đề xuất này thuộc về UBND thành phố và Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Khoản 3, Điều 5 Nghị định 100/2015/NĐ-CP.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm