pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cần sự phối hợp đa ngành để phòng ngừa bạo lực với phụ nữ, trẻ em

Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, phát biểu
Ngày 6/12 đã diễn ra "Hội nghị bàn tròn về bạo lực đối với Phụ nữ và Trẻ em tại Việt Nam" do UNFPA, UNICEF và UN WOMEN với sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Australia tổ chức. Sự kiện nhằm hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, cho biết, theo thống kê, trên toàn cầu, 650 triệu phụ nữ và trẻ em gái và 530 triệu nam giới và trẻ em trai đã phải chịu đựng bạo lực khi còn nhỏ. Cứ 3 trẻ em thì có 2 trẻ em phải đối mặt với kỷ luật bạo lực tại nhà. Tại Việt Nam, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 người phải chịu bạo lực do bạn tình gây ra, hơn 90% người bị bạo lực không bao giờ lên tiếng. Đằng sau những con số này là một cuộc sống thực, nơi gia đình và cộng đồng bị chia cắt bởi những tổn thương.
Hội nghị nhấn mạnh những nỗ lực của Việt Nam trong việc giải quyết bạo lực thông qua hợp tác đa ngành, các chính sách và các dịch vụ lấy người bị bạo lực làm trung tâm. Đại diện đến từ Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và các đơn vị đã giới thiệu các sáng kiến Thành phố an toàn và Thành phố thân thiện với trẻ em và hiệu quả của những mô hình này.

Hội nghị bàn tròn về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam diễn ra sáng 6/12
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết, trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em. Chính phủ đã tăng cường các chính sách như Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em và triển khai những chương trình quốc gia để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Việt Nam đã có cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả, kết nối các cơ quan đại điện từ các Bộ, ngành, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ và chính quyền trong việc tạo ra sự thay đổi về phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em.
"Chúng tôi khuyến nghị chính quyền các cấp cần có sự phân bổ hợp lý về nguồn lực, nhân lực để các biện pháp can thiệp, phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái có hiệu quả rõ rệt và bền vững hơn. Những nỗ lực của các chính quyền địa phương, các tổ chức quốc tế sẽ giúp Việt Nam đi đầu, tiên phong về đích các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu về xoá bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em", ông Đặng Hoa Nam nói.
Bà Pauline Tamesis ghi nhận, Việt Nam đang nỗ lực tăng cường luật pháp, chính sách và chương trình để giải quyết những vấn đề này. Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cũng đưa ra những gợi ý để nâng cao nỗ lực trong việc hạn chế, chấm dứt tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam. Khi giải quyết bạo lực đòi hỏi sự phối hợp giữa các lĩnh vực phúc lợi xã hội, y tế, tư pháp, cảnh sát và giáo dục; các dịch vụ đa ngành, tích hợp có vai trò cần thiết. Bên cạnh đó là xây dựng lòng tin và các cơ chế hỗ trợ cộng đồng; cải thiện dữ liệu và thu thập bằng chứng, bởi dữ liệu tốt cho phép đưa ra những phản ứng có mục tiêu, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của những người bị ảnh hưởng bởi bạo lực.
Tuy nhiên, cần có các biện pháp can thiệp phù hợp cho thanh thiếu niên; lắng nghe tiếng nói của những người có kinh nghiệm, người bị bạo lực. Việt Nam có thể áp dụng phương pháp tiếp cận lấy người bị bạo lực làm trung tâm để đảm bảo các chính sách và chương trình đáp ứng nhu cầu của họ. Đồng thời, nâng cao năng lực của những cán bộ, nhân viên làm việc trong lĩnh vực chấm dứt bạo lực và củng cố các hệ thống… "Sự hợp tác giữa các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia và các đối tác quốc tế là rất quan trọng để chấm dứt bạo lực" - Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh.

Hội nghị nhấn mạnh những nỗ lực của Việt Nam trong việc giải quyết bạo lực thông qua hợp tác đa ngành, các chính sách và các dịch vụ lấy người bị bạo lực làm trung tâm
Tham gia hội nghị bàn tròn, bà Micaela Cronin, Chủ nhiệm Ủy ban phòng chống Bạo hành Gia đình và Lạm dụng Tình dục của Chính phủ Australia, đã chia sẻ những bài học từ nỗ lực của Australia trong việc chống lại bạo lực trên cơ sở giới: "Tại Australia, chúng tôi đã học được rằng các phương pháp tiếp cận lấy người bị bạo lực là trọng tâm và các dịch vụ phối hợp là chìa khóa để tạo nên sự khác biệt. Các chiến lược tích hợp của Việt Nam rất hứa hẹn và chúng tôi cam kết hỗ trợ Việt Nam trên hành trình này".