pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cần tăng cường tuyên truyền để thêm nhiều người trẻ yêu thích hát Then
Hát Then là nét văn hoá tín ngưỡng của người Tày ở các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn
Hát Then là nét văn hoá tín ngưỡng của người Tày ở các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn… Thời gian qua, Hà Giang đã đưa ra các biện pháp để bảo tồn, lưu giữ nét văn hoá này. Tuy nhiên, số học viên tham gia không nhiều vì giới trẻ ngày nay vẫn yêu thích loại hình nhạc trẻ hơn. Ngoài ra, giới nghệ nhân truyền nghề cũng ngày càng ít đi.
Những năm qua, xã Phương Độ, TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang, đã có nhiều hoạt động nhằm gìn giữ nét văn hoá hát Then, trong đó đặc biệt chú ý đến việc truyền dạy hát Then cho thế hệ trẻ.
Hàng năm, xã Phương Độ đều tổ chức Lễ Lẩu Then, tổ chức lớp học dành cho những người thích đàn Tính, hát Then. Lớp học thu hút nhiều học viên là chị em phụ nữ từ trẻ tới già tham gia.
Bà Nguyễn Thị Thuyền, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang, cho biết, trước kia bà thích hát Then nhưng không biết hát. Từ khi có các nghệ nhân hát Then về trực tiếp dạy, bà Thuyền đã đi học. Sau 1 tuần học, bà đã tự hát và đàn được 3-4 bài mình yêu thích. Bản thân bà thấy rất vui vì mình được trực tiếp đàn, hát. Vậy là ở tuổi già, bà và nhiều người khác vẫn có niềm vui văn nghệ.
Chị Nguyễn Thị Luyến, dân tộc Tày, Hà Giang, chia sẻ, chị học hát Then từ năm 2018. Khi hát Then, đánh đàn Tính, chị Luyến muốn trau dồi kiến thức cho bản thân và đặc biệt muốn giữ gìn một phần bản sắc văn hoá của dân tộc đang có nguy cơ mai một. Chị hy vọng, trong thời gian tới, khi du lịch văn hoá cộng đồng phát triển, chị có thể tự mình truyền cho du khách vẻ đẹp ý nghĩa của hát Then, đàn Tính của người Tày.
Chị Nguyễn Thị Mai, dân tộc Tày, thôn Hạ Thành, Phương Độ, TP Hà Giang, chia sẻ, ban ngày chị đi làm, tối đến chị em lại phấn khởi rủ nhau đi tập đàn, tập hát. Chị em phụ nữ được hát những giai điệu truyền thống của quê hương, góp sức vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc. Hiện nay trong thôn, hầu như ai cũng biết một vài câu hát Then.
Không chỉ người lớn, học sinh cũng yêu thích hát Then. Em Nguyễn Hà Anh (học sinh lớp 8, dân tộc Tày, quê ở Chiêm Hoá, Tuyên Quang) theo bố mẹ lên TP Hà Giang làm việc. Ngoài đi học ở trường, Hà Anh còn tham gia học hát Then. Em muốn dùng ngôn ngữ lời Then để gìn giữ nét văn hoá của dân tộc mình. Đặc biệt, trong mỗi bài Then, em tìm thấy nhiều ý nghĩa sống cho mình như các lời ca ngợi làng bản quê hương, răn dạy đạo lý làm người.
Giờ đây, hát Then đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu sau mỗi ngày đi làm vất vả của chị em nơi đây. Đặc biệt, nhiều homestay, các điểm du lịch văn hoá cộng đồng trong vùng cũng mời mọi người về biểu diễn hát Then - đàn Tính cho du khách thưởng thức. Việc làm này cũng giúp chị em có thêm một phần thu nhập từ hát Then, đàn Tính.
Anh Nguyễn Xuân Hữu, xã Quang Minh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, là một nghệ nhân dạy hát Then, đàn Tính. Anh cho biết đã đi nhiều nơi biểu diễn và dạy hát Then. Cứ nơi nào có người Tày muốn hát Then là anh đến truyền dạy. Tuy nhiên, hiện nay số học viên còn ít. Anh Hữu cho rằng, cần có nhiều chính sách cho nghệ nhân hát Then hơn và tăng cường tuyên truyền để thế hệ trẻ yêu thích, duy trì nền văn hoá bản địa của người dân tộc Tày.
Hát Then đi liền với đàn Tính, là nghệ thuật diễn xướng đi đôi với tâm linh. Then nghĩa là trời nên người hát Then là đại diện cho cộng đồng giao tiếp với thần linh. Hát Then có nhiều loại Then cầu phúc, cầu tài, Then giải hạn. Then buồn, vui mang âm hưởng dịu dàng ấm cúng, chất chứa tâm sự của người hát.
Khi thực hành nghi lễ, người hát Then sử dụng các nhạc cụ, trong đó đàn Tính được coi là nhạc cụ "hồn cốt", là cầu nối giữa con người với thế giới tâm linh. Đồng bào dùng tiếng đàn tính để thay lời muốn nói, bày tỏ nỗi niềm... thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan và bản sắc văn hóa của đồng bào.