pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cần tạo điều kiện thuận lợi để các hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân
Đại biểu Trần Văn Tuấn, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, thảo luận tại hội trường. Ảnh: quochoi.vn
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 4, sáng 28/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Quan tâm vấn đề nhà ở của công nhân, đại biểu Trần Văn Tuấn, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, cho biết: Thực trạng hiện nay, nhà ở cho công nhân còn thiếu trầm trọng; nguồn cung chưa đáp ứng cả về số lượng và chất lượng. Để giải quyết tình trạng này, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã và đang rất quan tâm tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến nhà ở xã hội, song nhìn chung vẫn còn những khó khăn.
Theo đó, đại biểu Tuấn kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần có cơ chế chính sách đặc thù về nhà ở cho công nhân. Hiện nay, đối tượng công nhân có những đặc thù riêng nhưng các quy định hiện hành lại chưa có chế định riêng về nhà ở phù hợp với đối tượng này.
Trên thực tế, nhiều công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thuộc đối tượng gia đình, hộ nghèo thu nhập thấp; mặc dù họ đã có nhà đất ở quê nên sẽ không thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội nhưng do điều kiện đi làm ăn xa, ở nhà thuê chật chội, trong khi họ lại không thuộc đối tượng được xét mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Vì vậy, đại biểu Tuấn đề nghị cần được xem xét, giải quyết hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội cho nhóm đối tượng này. Theo đại biểu, đây là một trong những vướng mắc bất cập, đòi hỏi cần phải có sự tách bạch, có chế định riêng về nhà ở cho công nhân.
Ngoài ra, đại biểu Tuấn đề nghị tạo điều kiện thuận lợi nhất để các hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân. Tại thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ số 242 tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, công nhân, người thu nhập thấp ngày 1/8/2022, mục tiêu trong giai đoạn 2021-2030 cần đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp. Để thực hiện mục tiêu, theo đại biểu Tuấn, đòi hỏi phải có nguồn lực và cần khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia, bao gồm cả doanh nghiệp và các hộ dân ở gần các khu công nghiệp, có nguồn lực về đất đai để phát triển nhà ở cho công nhân.
Trong đó, đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan tiếp tục cụ thể hóa triển khai thực hiện cơ chế hỗ trợ ưu đãi nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút doanh nghiệp, đặc biệt là thu hút các hộ gia đình, các cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê.
Đồng thời chú trọng triển khai cơ chế các hộ gia đình, cá nhân được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê; qua đó huy động có hiệu quả các nguồn lực, thu hút các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp và đặc biệt là các hộ gia đình, cá nhân cùng tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân thuê, góp phần đa dạng hóa nguồn cung đáp ứng nhu cầu thuê nhà ở của công nhân.
Còn đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh, cũng bày tỏ sự quan tâm tới những vấn đề an sinh xã hội, trong đó đề xuất có Nghị quyết cải cách tiền lương và thu nhập của cán bộ, công viên chức theo nguyên tắc lương, thu nhập phải đủ để người lao động tái sản xuất, mở rộng sức lao động, chăm lo một phần cho gia đình. Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ nhà ở cho công nhân, thu hút và huy động các nguồn lực phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thu nhập thấp.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng nêu ý kiến về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, giải vốn đầu tư công, vấn đề đời sống cán bộ, công chức viên chức ngành y tế, giáo dục, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế…