pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cần tập trung chăm sóc sức khỏe tâm thần trong và sau đại dịch Covid-19
Tiến sỹ tâm lý Lê Minh Công - Phó trưởng khoa Công tác xã hội - Trường ĐH KHXH&NV TPHCM chia sẻ tại hội thảo
Tại hội thảo "Bảo vệ sức khỏe, thích ứng an toàn với dịch Covid-19" được tố chức sáng ngày 24/11, tiến sỹ tâm lý Lê Minh Công - Phó trưởng khoa Công tác xã hội - Trường ĐH KHXH&NV TPHCM cho biết, dịch Covid-19 là khủng hoảng toàn cầu, dẫn tới gia tăng các vấn đề sức khoẻ tâm thần của người dân. Ước tính khoảng 10-60% dân số có các triệu chứng rối loạn tâm thần, cao gấp 3 lần so với trước dịch Covid-19. Tuy vậy, các quốc gia vẫn chưa quan tâm hoặc chú ý đến sức khoẻ tâm thần của người dân.
Có 5 nhóm dễ tổn thương sức khoẻ tâm thần gồm nhân viên y tế, nhân viên tuyến đầu; trẻ em, nhất là các nhóm trẻ có nhu cầu đặc biệt; công nhân (lao động di cư), lao động phi chính thức; người có vấn đề tâm thần hoặc bệnh nền trước đó; người khuyết tật.
Theo TS Công, để chăm sóc sức khỏe tâm thần tốt nhất cho người dân thì cần duy trì, đầu tư, hỗ trợ các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần trên cơ sở hiện có và mở rộng. Đẩy mạnh mô hình chăm sóc sức khoẻ tâm thần từ xa. Cho phép mở cửa lại các trung tâm chăm sóc, điều trị tâm thần; các trung tâm giáo dục, phục hồi chức năng cho người khuyết tật, trẻ em khuyết tật.
BS Đinh Quang Thanh - Cố vấn chuyên môn Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng TPHCM cho biết, khi dịch giảm xuống thì bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân điều trị hậu Covid-19. Theo bác sĩ Thanh, việc điều trị, phục hồi chức năng cần được thực hiện khi bệnh nhân ngay từ khi ở mức độ nhẹ, trung bình, cần lưu ý đến các vấn đề về tâm lý cho bệnh nhân ngay từ đầu.
Cũng theo bác sĩ Thanh, thực tế đã có bệnh nhân chỉ hơn 30 tuổi nhưng đã tự tử do bị tâm lý sau khi mắc Covid-19, hay thậm chí có trường hợp chồng chích điện vợ rồi sau đó cũng tự chích điện để tử tự.
"Những sang chấn tâm lý này có thể được phòng tránh. Phục hồi chức năng thật ra hết sức đơn giản nếu được chú trọng tại các cơ sở y tế ngay từ đầu. Những vấn đề phục hồi chức năng, theo dõi cho bệnh nhân hậu Covid-19, nhất là nhóm bệnh nhân nặng, nguy kịch sau khi họ sống sót cần được tầm soát, thực hiện một cách bài bản", bác sĩ Thanh nhấn mạnh.
BS Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch Thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM, Cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho rằng, dù đến nay dịch đã tạm thời được kiểm soát nhưng cần phải nói đến những điều chưa làm được, để tránh trở thành lối mòn. Trong đợt dịch vừa qua đã có quá nhiều chỉ số được đặt ra, nhưng theo bác sĩ Khanh, một trong những chỉ số quan trọng nhất là người bệnh được chăm sóc tinh thần, thoải mái, được điều trị sớm nhất chứ không phải được đi bệnh viện lớn nhất và quan trọng nhất là người bệnh được cứu sống.
PGS.TS.BS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết, nhiệm vụ số một trong giai đoạn hiện nay là cần phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, tuân thủ 5K, tuyệt đối không thể lơ là. Việc chủ quan, lơ là sẽ dẫn đến nguy cơ có thể xuất hiện làn sóng dịch lần thứ 5. Đây là vấn đề được các nhà khoa học trên thế giới nêu lên và hiện hữu.
Theo ông Khuê, để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 cần có ý thức từ mỗi tế bào của xã hội, người dân cần chấp hành nghiêm các hướng dẫn chuyên môn, sẵn sàng tâm thế chiến đấu với dịch nếu dịch có thể tiếp tục bùng phát. Bên cạnh, các vấn đề khác như tiêm chủng, cập nhật các phương pháp điều trị, các cơ sở khám chữa bệnh cũng được quan tâm để đạt mục tiêu tỉ lệ tử vong ở mức thấp nhất.
"Một trong những quan tâm của Chính phủ và Bộ Y tế là nâng cao năng lực của các tuyến, đặc biệt là y tế cơ sở, dự phòng nhưng cũng không quên hệ thống cấp cứu, điều trị ban đầu. Đặc biệt, Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận điều trị 4 tại chỗ, 40% các bệnh viện phải lắp hệ thống oxy, bệnh viện tách đôi; từ các bệnh viện huyện đến các bệnh viện chuyên khoa, tuyến trung ương. Các thầy thuốc được tập huấn về hồi sức cấp cứu, cấp cứu", ông Khuê nhấn mạnh.