Cần tháo gỡ bất cập trong giám định xâm hại tình dục khi sửa luật

20/11/2019 - 07:00
Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp tại phiên thảo luận tổ chiều 19/11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đề nghị mở rộng phạm vi sửa đổi, có thêm các điều khoản quy định về giám định tư pháp phù hợp với tính chất các vụ án xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn Bắc Giang) thể hiện sự đồng tình về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp lần này nhằm tháo gỡ những bất cập trong công tác giám định tư pháp phục vụ giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế. Tuy nhiên, phạm vi sửa đổi này theo bà Thu Hà là chưa đủ. Bởi một trong những vấn đề nổi cộm cần được quan tâm tháo gỡ hiện nay là công tác giám định các vụ án xâm hại tình dục, đặc biệt là xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà góp ý Dự thảo Luật Giám định tư pháp chiều 19/11. Ảnh: D.H

Bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, số lượng trẻ em bị xâm hại tình dục không có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, việc thu thập chứng cứ luôn gặp không ít khó khăn bởi các vụ xâm hại tình dục trẻ em thường diễn ra ở nơi vắng vẻ, đối tượng bị hại nhỏ tuổi. Vì vậy công tác khám nghiệm hiện trường, thu thập các dấu vết như mẫu tinh dịch, mẫu ADN... để lại trên người và quần áo của nạn nhân thường gặp khó khăn.   

“Vấn đề này được đề cập trong các báo cáo của Tòa án Nhân dân tối cao, của Ủy ban Tư pháp Quốc hội. Đặc biệt trong đợt giám sát vừa qua của Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật trong phòng, chống xâm hại trẻ em cho thấy việc thu thập chứng cứ đối với tội phạm này gặp nhiều khó khăn” – bà Hà phát biểu.

Bên cạnh đó, quy định của luật hiện hành về thực hiện công tác giám định đối với loại tội phạm này còn có khá bất cập, cụ thể là sau khi cơ quan chức năng từ chối giám định thì người yêu cầu giám định mới được đề nghị giám định. “Hãy thử hình dung sau 7 ngày cơ quan chức năng không đồng ý giám định thì người yêu cầu mới được phép yêu cầu thực hiện giám định. 7 ngày thì không còn gì là dấu vết trong các vụ án xâm hại tình dục!” – bà Hà nói.

Trước các bất cập trên, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị Ban soạn thảo dự thảo Luật cần quan tâm mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung các điều khoản quy định về giám định tư pháp phù hợp với tính chất các vụ án xâm hại tình dục. Một số điều trong dự thảo Luật cần phải nghiên cứu chỉnh sửa cho phù hợp như quyền và nghĩa vụ của giám định viên tư pháp, quyền và nghĩa vụ của người trưng cầu giám định, về công nhận và đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc….

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm