Cần thêm nhà máy để phụ nữ miền núi có nhiều việc làm

Minh Châu
05/05/2025 - 15:57
Cần thêm nhà máy để phụ nữ miền núi có nhiều việc làm

Nghề “phu keo” rất vất vả nhưng hàng trăm phụ nữ Thái, Khơ Mú vẫn chọn nghề này

Theo báo cáo kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số (DTTS) của Tổng cục Thống kê, năm 2019 cả nước có 7,9 triệu lao động DTTS có việc làm, chiếm 82,1% tổng số người DTTS từ 15 tuổi trở lên.

Đa số lao động có việc làm cư trú ở nông thôn. Điều đáng nói là chất lượng lao động vùng DTTS và miền núi khá thấp khi có khoảng 90% lao động DTTS không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Nhóm nghề "lao động giản đơn" thu hút nhiều lao động DTTS nhất với tỷ lệ 68,6% trong tổng số lao động DTTS.

Theo ông Đoàn Hữu Minh, Cán bộ Phòng Phát triển Bao trùm, Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), có 3 rào cản chính liên quan đến việc phát triển kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số, đó là mức độ phát triển kinh tế ở các vùng dân tộc thiểu số bao giờ cũng thấp hơn so với các vùng khác; 

Trình độ học vấn của phụ nữ dân tộc thiểu số cũng còn thấp hơn so với mặt bằng chung dẫn đến thu nhập của họ, việc làm của họ bị hạn chế và điều kiện địa lý, ở các vùng miền xa xôi hẻo lánh, giao thông đi lại khó khăn khiến việc tham gia thị trường như bán hàng, sản xuất thương mại… gặp rất nhiều khó khăn.

Bà Lô Thị Thuận, Chủ tịch hội LHPN xã Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương, Nghệ An), cho biết, trên địa bàn xã hiện có khoảng 400 người làm nghề "phu keo" (công việc đốn hạ và vận chuyển cây keo trên rừng). Có nhiều gia đình gồm vợ chồng, anh, chị em ruột, bố, mẹ… đều làm nghề này. 

"Đất sản xuất ít, chăn nuôi cũng nhỏ lẻ, người dân không có nghề phụ nên "phu keo" trở thành nghề chính trong những năm gần đây. Ngoài ra, do trình độ dân trí còn thấp, việc đi xa làm công nhân cũng gặp trở ngại nên người dân phải chọn nghề "phu keo". Dù vất vả nhưng thu nhập cũng khá tốt so với đời sống ở đây", bà Thuận chia sẻ.

Tương tự xã Ngọc Lâm, theo bà Dặm Thị Sáu, Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Sơn, trên địa bàn xã hiện có trên 300 lao động làm nghề "phu keo". Không chỉ trong huyện, các tổ "phu keo" còn làm thuê ở nhiều huyện lân cận như Anh Sơn, Tân Kỳ. 

Nghề "phu keo" trở thành nghề mang lại thu nhập chính của nhiều gia đình. "Vùng nguyên liệu keo ở Nghệ An lớn giúp người dân có thêm việc làm. Tuy nhiên, điều này cũng khiến lãnh đạo địa phương có nhiều trăn trở. 

Nhiều lao động và các hộ gia đình, họ chỉ thích đi làm "phu keo" vì… có tiền ngay. Trong khi đó, muốn họ phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt mang tính ổn định lâu dài họ không mặn mà", bà Sáu chia sẻ.

Bà Sáu, bà Thuận vẫn mong muốn, trên địa bàn sẽ có thêm nhiều nhà máy, xí nghiệp để người dân tìm được việc làm ổn định. Bởi nghề "phu keo" quá vất vả và nhiều rủi ro. "Phụ nữ cực chẳng đã nên phải chọn nghề lao lực này, nhưng ở thời điểm hiện tại khó có sự lựa chọn nào tốt hơn", bà Sáu nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm