pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cần vào cuộc tích cực hơn nữa để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia
Ảnh minh họa
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia được tổ chức ngày 26/9/2022.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, qua 9 tháng năm 2022, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, mới đạt 46,7%; chưa có nhiều chuyển biến tích cực; còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, chưa phát huy tốt vai trò động lực quan trọng của đầu tư công, nhất là trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và hoàn thành các mục tiêu kế hoạch năm 2022 đã đề ra.
Về tình hình thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 tại các địa phương, đến ngày 23/9/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 23/9, đã có 47/52 địa phương hoàn thành việc giao kế hoạch vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia cho các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc.
3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 là: Giảm nghèo bền vững, Xây dựng nông thôn mới và Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Trong đó, 29/52 địa phương đã phân bổ, giao 100% kế hoạch vốn được giao, 10/52 địa phương giao trên 90% kế hoạch, còn lại giao được trên 70% kế hoạch; 5/52 địa phương mới giao kế hoạch vốn đầu tư, chưa giao kinh phí sự nghiệp cho các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc; 1/52 địa phương (tỉnh Bạc Liêu) chưa hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch cho các cơ quan, đơn vị và cấp trực thuộc.
Như vậy, công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia tại một số địa phương chưa đảm bảo thời hạn theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
"Dự kiến sẽ khó hoàn thành mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao trong năm 2022 theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 09/8/2022", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết.
Yêu cầu kịp thời tháo gỡ vướng mắc
Thời gian qua, cùng với việc đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ cũng đốc thúc việc triển khai và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Vào cuối tháng 5/2022, Chính phủ đã giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, vẫn còn 4 văn bản hướng dẫn thực hiện một số dự án thành phần, nội dung thành phần thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia: phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới chưa được ban hành.
Để chỉ đạo sát sao, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM và phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, tại Hội nghị, Thủ tướng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các đại biểu tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc, nút thắt, điểm nghẽn; nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ các dự án chậm, triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia chậm; đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cơ chế, chính sách, khâu chuẩn bị, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, thanh toán, quyết toán; làm rõ trách nhiệm để chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành, cơ quan, địa phương; chia sẻ những mô hình, các làm hay, sáng tạo; đề ra định hướng, giải pháp và nhiệm vụ cụ thể từ nay đến hết năm 2022 bảo đảm tổ chức thực hiện thiết thực, hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc.
Thủ tướng nhấn mạnh thêm: Nhân dân hết sức mong đợi việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia dành cho những người nghèo, người yếu thế, vùng dân tộc thiểu số, khu vực nông thôn, các địa phương cần phải cố gắng hơn nữa, các bộ, ngành, cơ quan phải tích cực vào cuộc hơn nữa.