pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cảnh báo "kỷ nguyên muỗi": Sinh sôi nhanh hơn, sống lâu hơn và lây bệnh nhiều hơn
TS Nguyễn Văn Dũng trong khu nuôi muỗi trưởng thành. Ảnh: N.M
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo rằng 5 năm tới, gần như chắc chắn sẽ có thời tiết nóng kỷ lục do biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết El Nino.
Các nhà khoa học cũng đưa ra dự báo rằng cuộc khủng hoảng khí hậu trên toàn cầu sẽ giúp cho muỗi có điều kiện sinh sôi phát triển.
Nhiệt độ tăng cho phép muỗi phát triển nhanh hơn và sống lâu hơn. Trong khi trước kia chúng sẽ chết trong mùa đông khắc nghiệt ở nhiều nơi, thì giờ đây chúng có cơ hội sống sót cao hơn và có nhiều thời gian hơn để xây dựng quần thể. Nhiệt độ cũng đẩy nhanh thời gian cần thiết để ký sinh trùng hoặc virus trưởng thành bên trong muỗi.
Tại Việt Nam, El Nino cũng khiến cho khí hậu trở nên khắc nghiệt hơn, dự báo dịch bệnh sẽ gia tăng, trong đó có dịch sốt xuất huyết. Thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi giúp cho muỗi aedes (gây bệnh sốt xuất huyết) phát triển.
TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho hay, theo nghiên cứu của các nhà khoa học, những năm có El Nino thì số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tăng. Nguyên nhân là do thời tiết cực đoan, nắng nóng, mưa nhiều khiến cho vòng đời sinh sản của muỗi rút ngắn hơn bình thường.
Thời gian phát triển từ trứng đến khi trưởng thành sẽ rút ngắn lại, khoảng 7-9 ngày. Vòng đời ngắn lại sẽ tăng mật độ tiếp xúc với con người. Chỉ cần nguồn bệnh là sẽ bùng phát.
"Bình thường, chúng tôi thả trứng vào nước phải mất khoảng 2 tuần mới trở thành muỗi thì nay khi thả trứng vào nước, chúng chỉ khoảng 7 ngày đã phát triển thành muỗi", TS Nguyễn Văn Dũng nói.
Trung bình một con muỗi aedes sống 33 ngày và đẻ 3 lần. Một lần sinh sản của muỗi cái đẻ ra trung bình 60-70, có con đẻ 150 quả trứng. Tuy nhiên, có những con muỗi aedes có tuổi đời tới 3 tháng.
Dự báo "điểm nóng" của dịch sốt xuất huyết
Nếu như trước đây dịch sốt xuất huyết ở nước ta diễn biến theo chu kỳ 4-5 năm thì hiện nay, quy luật này đang có dấu hiệu bị phá vỡ.
"Thông thường dịch sốt xuất huyết sẽ bắt đầu tăng dần từ tháng 4 và lên đến đỉnh vào tháng 10, 11 (trùng với thời điểm mùa mưa). Ở thời điểm này năm 2022, dịch sốt xuất huyết dengue có dấu hiệu tăng dần.
Dịch sốt xuất huyết hiện cũng đang có dấu hiệu "đảo chiều" so với năm 2022. Miền Nam có số lượng ca mắc giảm hơn một nửa so với năm ngoái. Trong khi đó, miền Bắc lại có dấu hiệu gia tăng", TS. Dũng nói.
Điều này cho thấy diễn biến dịch sốt xuất huyết bây giờ diễn biến tùy từng vùng, tùy từng miền, không theo một chu kỳ nào cả.
Theo TS Dũng, dự báo Hà Nội sẽ là "điểm nóng" về sốt xuất huyết. Tính tới thời điểm này, số ca mắc tại Hà Nội đã tăng 65%.
"Nguyên nhân là do thời tiết thay đổi quá nhiều, mùa đông ở miền Bắc không quá lạnh, mùa hè thì quá nóng, mưa nhiều. Đây là cơ hội để muỗi gây bệnh sốt xuất huyết phát triển. Mưa nhiều sẽ tạo ra các ổ nước cho ổ bọ gậy phát triển, mật độ muỗi cao dẫn đến khả năng truyền bệnh cho con người cũng tăng lên", TS Dũng phân tích.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể tạo thành dịch do virus dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
1. Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.
2. Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...
3. Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.
4. Ngủ màn, phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.
5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
6. Khi bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.