Hiếm gặp: 3 trẻ sơ sinh mắc sốt xuất huyết

Linh Trần
22/11/2022 - 16:03
Hiếm gặp: 3 trẻ sơ sinh mắc sốt xuất huyết

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang chăm sóc cho trẻ sơ sinh mắc sốt xuất huyết

Theo bác sĩ Vũ Thị Thu Nga, sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh rất hiếm gặp trên thế giới.

Bé 4 ngày tuổi mắc sốt xuất huyết

Ngày 22/11, bác sĩ Vũ Thị Thu Nga, Trưởng khoa Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội, cho biết, các bác sĩ của Bệnh viện vừa tiếp nhận 3 bệnh nhi sơ sinh mắc sốt xuất huyết (SXH). Trong đó, một bé 16 ngày tuổi, một bé 7 ngày tuổi và một trẻ 4 ngày tuổi. Đây là lần đầu tiên bệnh viện ghi nhận trẻ sơ sinh mắc bệnh này. Trong đó, em bé 4 ngày tuổi là trường hợp nhỏ tuổi nhất Việt Nam mắc SXH được ghi nhận đến nay.

Theo bác sĩ Nga, bệnh nhi 4 ngày tuổi nhập viện do bị vàng da. Sau đó 24 giờ, trẻ có dấu hiệu sốt, nhiệt độ cao nhất là 38,5 độ C. Kết quả xét nghiệm tầm soát, loại trừ được các căn nguyên cúm, nhiễm khuẩn. Sau 3 ngày theo dõi tại viện, em bé bị hạ tiểu cầu và được xác định mắc SXH. Gia đình đã xin chuyển lên tuyến trên điều trị.

Còn em bé 7 ngày tuổi nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, tím tái, sau đó mới bị sốt, xét nghiệm SXH cho kết quả dương tính. Do em bé sinh ở tuần 37, nặng chỉ 2,6 kg, có nhiễm khuẩn sơ sinh nên phải điều trị hồi sức tích cực 4 ngày.

Theo bác sĩ Nga, SXH ở trẻ sơ sinh hiếm gặp trên thế giới. Do đó, đặc điểm bệnh ít được biết đến, triệu chứng lâm sàng không đặc trưng, dễ dẫn đến nhầm lẫn và bỏ sót.

Hiếm gặp: 3 trẻ sơ sinh mắc sốt xuất huyết - Ảnh 1.

Nhân viên y tế ở Hà Nội chăm sóc cho bệnh nhân mắc SXH

Ba ca bệnh ghi nhận tại viện chưa cung cấp đủ bằng chứng để bác sĩ rút ra những kết luận về diễn biến bệnh trên trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, biểu hiện ở nhóm trẻ này tương tự với nhóm lớn hơn như sốt hoặc hạ nhiệt độ, sốt kéo dài 3-4 ngày; trẻ có thể bị da tái, phát ban, xuất huyết rải rác hoặc vàng da sớm; trẻ bỏ bú, bụng chướng, nôn, gan to, tiêu chảy, giảm tiểu cầu, men gan tăng... Sốt và bú kém là hai biểu hiện sớm và thường gặp.

Các bác sĩ cũng cho biết, hiện nay Hà Nội đang trong đỉnh SXH. Do đó, khi gặp trẻ sơ sinh bị sốt trong cao điểm dịch, gia đình và cơ sở y tế nên nghĩ tới SXH để làm xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Sốt xuất huyết tại Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần (từ ngày 11-18/11), thành phố ghi nhận 1.378 ca mắc mắc SXH (tăng 2,6% so với tuần trước), trong đó, có 2 ca tử vong. Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 13.437 ca mắc SXH (số mắc tăng gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm 2021); trong đó có 16 ca tử vong (trong khi cùng kỳ năm 2021 không có ca tử vong). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; Tuýp virus Dengue lưu hành đã xác định được là: DENV1 và DENV2, DENV4.

Trong tuần, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cũng ghi nhận thêm 31 ổ dịch mới tại 14 quận, huyện. Trong đó, đơn vị ghi nhận nhiều ổ dịch nhất trong tuần là quận Hai Bà Trưng với 7 ổ dịch, tiếp đến là quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì mỗi nơi có 4 ổ dịch.

Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, hiện đang là thời gian cao điểm của dịch SXH tại Hà Nội. Dự báo, dịch có thể tiếp tục gia tăng trong tháng 11 và sẽ giảm vào tháng 12.

Trước tình hình dịch SXH có diễn biến phức tạp, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các quận huyện trên địa bàn tăng cường công tác truyền thông đến tận từng hộ gia đình; Truyền thông đến các hộ gia đình và học sinh trong trường học về các biện pháp đơn giản loại trừ nơi sinh sản của muỗi, bọ gậy ở nhà cũng như ở trường học, truyền thông về triệu chứng của bệnh, các dấu hiệu nhận biết bệnh nặng, sự cần thiết của điều trị kịp thời để giảm tử vong.

Đồng thời, các đơn vị thực hiện giám sát chặt chẽ tại cộng đồng, tại các cơ sở khám chữa bệnh, giám sát phát hiện sớm, giám sát véc tơ (muỗi/loăng quăng, bọ gậy) để đưa ra các biện pháp thực hiện cụ thể, phát hiện sớm người bệnh, ổ dịch để xử lý kịp thời.

Các bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện phân tầng, phân tuyến điều trị tùy theo mức độ nặng, nhẹ của người bệnh, chuyển tuyến an toàn. Chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc, đặc biệt là các dung dịch cao phân tử, máu… để điều trị kịp thời cho người bệnh.

Để phòng bệnh SXH, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:

1. Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.

2. Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...

3. Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.

4. Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.

5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm