Người nhiễm cúm B và sốt xuất huyết gia tăng, làm thế nào để phân biệt bệnh?

Vân Anh
08/11/2022 - 11:52
Người nhiễm cúm B và sốt xuất huyết gia tăng, làm thế nào để phân biệt bệnh?

Ảnh minh họa

Cúm B và sốt xuất huyết có các triệu chứng khá giống nhau nên dễ gây nhầm lẫn. Vậy làm thế nào để phân biệt hai bệnh này?

Sốt xuất huyết và cúm B đang có diễn biến phức tạp, gây bùng dịch ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, cả hai bệnh đều có những triệu chứng dễ gây nhầm lẫn. Vậy làm thế nào để phân biệt cúm B và sốt xuất huyết?

1. Số người nhiễm cúm B và sốt xuất huyết gia tăng nhanh

Về tình hình dịch sốt xuất huyết: Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 292.439 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 112 ca tử vong.

So với tuần 43, số ca mắc sốt xuất huyết tuần này tăng khoảng hơn 10.000 ca, số tử vong tăng 2 ca. So với cùng kỳ năm 2021 (56.240/21) số mắc sốt xuất huyết tăng 4,8 lần, số tử vong tăng 91 trường hợp.

Người nhiễm cúm B và sốt xuất huyết gia tăng, làm thế nào để phân biệt bệnh? - Ảnh 1.

Người bị cúm B và sốt xuất huyết gia tăng nhanh (Ảnh: Internet)

Về tình hình cúm B: So với các năm trước, năm nay dịch cúm B có sự gia tăng bất thường. Theo các chuyên gia, năm nay cúm B có diễn biến phức tạp có thể do theo chu kỳ gây bệnh của virus, cứ tầm 2 đến 5 năm sẽ có một chu kỳ virus gây bệnh và bùng phát mạnh.

Hơn nữa, thời điểm giao mùa thu đông là điều kiện thuận lợi để các loại virus phát triển nên dễ gây bệnh ở con người. Ngoài ra, có thể do sau đại dịch Covid-19, hệ miễn dịch của con người suy giảm mạnh nên cũng dễ mắc bệnh hơn.

2. Làm thế nào để phân biệt cúm B và sốt xuất huyết

Cúm B và sốt xuất huyết đều có những triệu chứng khá giống nhau như:

- Sốt

- Hắt hơi

- Sổ mũi

- Đau họng

- Ớn lạnh

- Đau mỏi người

Vì vậy, người bệnh thường có những chẩn đoán ban đầu dễ bị nhầm lẫn, dẫn tới việc điều trị không phù hợp, bệnh diễn ra dai dẳng.

Người nhiễm cúm B và sốt xuất huyết gia tăng, làm thế nào để phân biệt bệnh? - Ảnh 2.

Khi bị cúm B, xu hướng bạn sẽ bị long đờm đường hô hấp, triệu chứng này ít phổ biến ở người bệnh sốt xuất huyết (Ảnh: Internet)

Theo các bác sĩ, để chẩn đoán chính xác nhất cần làm xét nghiệm. Tuy nhiên, các bạn có thể phân biệt qua một số đặc trưng của bệnh như:

- Nếu bị sốt xuất huyết, người bệnh thường sốt cao hơn từ 39 đến 40 độ C nhưng người già có thể sốt với nhiệt độ thấp hơn so với người trẻ. Thời gian sốt sẽ kéo dài hơn so với cúm B, thậm chí có người sốt đến 5-7 ngày. 

Thể trạng của người bị sốt xuất huyết thường đau nhức, mệt lả, li bì. Sau vài ngày có thể bị xuất huyết dưới da, nổi các chấm đỏ dưới da, giống như bị phát ban.

- Đối với cúm B, thường sẽ sốt ở mức 38,5 đến 39 độ, có trường hợp đến 40 độ nhưng không phổ biến bằng sốt xuất huyết. Nếu chăm sóc tốt, người bệnh sẽ hồi phục nhanh chóng, các triệu chứng có thể thuyên giảm sau 2 đến 3 ngày.

Khi bị cúm B, xu hướng bạn sẽ bị long đờm đường hô hấp. Sốt xuất huyết có thể có triệu chứng này nhưng không phổ biến, chỉ khi người bệnh bị mắc đồng thời sốt xuất huyết và viêm đường hô hấp trên hoặc cúm.

Mặc dù có thể đưa ra những chẩn đoán dựa vào triệu chứng, nhưng để chính xác và có hướng điều trị phù hợp, mọi người nên đến các cơ sở y tế thăm khám và làm xét nghiệm.

3. Cách chăm sóc người bệnh bị cúm B và sốt xuất huyết

Người bị cúm B và sốt xuất huyết có thể hồi phục nhanh chóng và không để lại biến chứng nếu điều trị kịp thời, đúng cách. Ngược lại, nếu chăm sóc và điều trị không phù hợp, người bệnh có thể trở nặng và gặp nhiều biến chứng như:

- Nhiễm trùng tai, viêm phổi, viêm xoang, viêm phế quản, gây trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh hen suyễn, COPD (phổi tắc nghẽn mãn tính) đối với người bị cúm B.

- Suy tim, suy thận, sốc do mất máu, xuất huyết não, tràn dịch màng phổi, sinh non ở phụ nữ mang thai đối với người bị sốt xuất huyết.

Vì vậy, mọi người nên có chế độ chăm sóc phù hợp cho người bệnh, chẳng hạn:

- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng với các nhóm chất như chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Đặc biệt, nên bổ sung nhiều thực phẩm chứa vitamin C, D, Kẽm, Sắt, Magie như cá, trứng, sữa, thịt, rau xanh, hoa quả họ cam quýt…

Ngoài ra, để người bệnh dễ ăn, dễ tiêu hoá nên lựa chọn các loại đồ ăn như cháo, súp, canh hầm, hoặc băm nhỏ, làm mềm thức ăn.

- Nghỉ ngơi hợp lý. Lúc này người bệnh nên nghỉ ngơi nhiều, tránh căng thẳng hoặc vận động nhiều. Nếu đau nhức cơ thể, người bệnh chỉ nên đi lại nhẹ nhàng và hít thở không khí trong lành.

Người nhiễm cúm B và sốt xuất huyết gia tăng, làm thế nào để phân biệt bệnh? - Ảnh 3.

Để người bệnh nhanh hồi phục nên nghỉ ngơi, bổ sung dinh dưỡng và dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ (Ảnh: Internet)

- Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Đối với người bị cúm B, mọi người có thể dùng hạ sốt, giảm đau, giảm tiết dịch, cần lưu ý tránh dùng những thuốc có chứa thành phần Salicylate như Aspirin vì có khả năng gây nên hội chứng Reye vô cùng nguy hiểm ở trẻ em.

Đối với người bị sốt xuất huyết, có thể dùng hạ sốt, bù dịch, thuốc kháng viêm không chứa steroid, kháng sinh. Tuy nhiên, người bệnh không được dùng Aspirin, vì thuốc này có thể làm cho người bệnh tăng chảy máu và không cầm được máu. Trường hợp bệnh trở nặng, người bệnh có thể được truyền máu, truyền tiểu cầu.

Để đảm bảo an toàn, người bệnh cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý dùng.

- Bù nước, bù dịch, đặc biệt khi người bệnh bị sốt cao.

- Lưu ý, người bị cúm B và sốt xuất huyết vẫn có thể tắm nhưng nên tắm bằng nước nóng, trong phòng kín, tắm nhanh, đối với người bị sốt xuất huyết không nên cọ sát mạnh vì có thể gây xuất huyết dưới da. Tuy nhiên, trong thời gian đầu của bệnh, khi các triệu chứng còn nặng các bạn chỉ nên lau người, đến khi các triệu chứng thuyên giảm có thể tắm, gội bình thường.

- Mọi người nên theo dõi sát sao người bệnh, nếu có các triệu chứng bất thường như nôn ói, đau bụng, chảy máu, li bì nhiều ngày… nên đưa người bệnh đến bệnh viện nhanh chóng.

Cúm B và sốt xuất huyết có thể phòng ngừa bằng một số biện pháp như đối với cúm B: tiêm phòng, tăng cường miễn dịch, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang. Đối với người bị sốt xuất huyết: tăng cường sức đề kháng, ngủ mắc màn, phun thuốc diệt muỗi, loại bỏ những yếu tố giúp muỗi phát triển như bụi rậm, vại nước... 

Nguồn: Medicalnewstoday.com
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm