pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cảnh giác nạn mua bán người qua mạng: Bài 3 - Tiếng kêu cứu từ "miền đất hứa" Dubai
Đối tượng lừa đảo buôn bán người sang Dubai Huỳnh Thị Ngọc Lê tại Cơ quan điều tra
Câu chuyện bị sập bẫy lừa đảo thời gian qua đang diễn ra khá phổ biến trên mạng xã hội, nếu như trước kia những kẻ buôn người thường lừa đảo đưa người lao động đi bán ở các nước lân cận, thì nay, chúng có thể đưa người lao động đi bán ở nhiều nơi trên thế giới.
Câu chuyện của bà P, ở Đà Nẵng chia sẻ với phóng viên Báo PNVN là một trong những trường hợp như vậy, theo đó, người thân nhà bà P muốn đi lao động để thay đổi cuộc sống. Anh ta đã tìm được thông tin tuyển dụng đi lao động ở Dubai trên mạng xã hội, với mức chi phí khá hấp dẫn, chỉ hơn 50 triệu đồng.
Người đứng ra nhận tổ chức đưa người đi lao động ở Dubai là một phụ nữ có tên là Huỳnh Thị Ngọc Lê, ở quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, Lê quen biết với một người phụ nữ tên H, (quê ở Hà Tĩnh, hiện đang sinh sống tại Dubai) H đã kết nối với Lê để bàn chuyện tìm người đưa sang Dubai làm việc, với mức lương cao. Đưa một người đi thì H thu của Lê 1.000 usd, còn Lê thu của người lao động bao nhiêu thì tùy Lê làm việc với họ.
Hình ảnh ghi lại bằng điện thoại được cho là nạn nhân tội phạm mua bán người bị hành hạ khi không thực hiện yêu cầu của chủ.
Trước những viễn cảnh làm việc ở môi trường hiện đại, thu nhập cao do Lê vẽ ra, từ tháng 6/2023, đã có 5 người đưa cho Lê số tiền hơn 260 triệu và được Lê đưa sang Dubai qua sân bay Nội Bài, Hà Nội.
Khi đến Dubai, những người lao động này được H đón, và đưa thẳng đến công ty do những người Trung Quốc làm chủ, tại đây, những người xuất khẩu lao động với mộng đổi đời đã vỡ mộng. Khi họ bị cưỡng bức làm các công việc lừa đảo trên không gian mạng, đối tượng để lừa đảo lại chính là những người Việt Nam ở trong nước.
Khi biết bị lừa, những người này đã liên tục tìm cách gửi thông tin cầu cứu về trong nước cho người thân, bà P đã tìm gặp Lê để yêu cầu Lê đưa người thân của mình về nước, nhưng lúc này sự việc đã vượt tầm kiểm soát của Lê.
Bằng nhiều cách, gia đình bà P đã tổ chức đưa được 2 người về nước, còn lại 3 người hiện nay không rõ tung tích ở đâu, rất có thể họ đã bị bán cho các công ty lừa đảo khác.
Anh Nguyễn Anh Thái, một người làm công ty môi giới xuất khẩu lao động ở Đài Loan, Trung Quốc, chia sẻ: “Trong trường hợp này, rất có thể nhân vật H (người kết nối với Lê) cũng chính là nạn nhân đã bị sập bẫy lừa đảo mua bán người trước đó. Sau đó, H đã bị ép buộc làm công việc liên hệ tìm người ở trong nước đi xuất khẩu lao động rồi rơi vào bẫy mua bán người theo chỉ đạo của những tổ chức tội phạm buôn bán người. Nếu không làm theo, những người này sẽ bị bỏ đói, đánh đập tra tấn một cách dã man. Trường hợp những nạn nhân khi đã bị đưa vào các công ty lừa đảo này, nếu không làm theo yêu cầu của chúng, cũng sẽ bị tra tấn đánh đập, hoặc bị bán đi cho các công ty lừa đảo khác. Nếu gia đình nào liên hệ được thì phải bỏ tiền ra chuộc người, số tiền này cũng không hề nhỏ, có thể lên tới vài trăm triệu đồng theo yêu cầu của các công ty tội phạm kia”.
Sau khi cứu được người thân về nước, gia đình bà P đã trình báo tới cơ quan chức năng, ngày 20/12/2023, Cơ quan an ninh điều tra Công an Đà Nẵng đã khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Huỳnh Thị Ngọc Lê (trú quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) về tội mua bán người. Hiện cơ quan An ninh điều tra, Công an TP Đà Nẵng tiếp tục mở rộng điều tra vụ án.
Người thân của các nạn nhân còn lại thì vẫn đau đáu ngóng tin con em mình, hiện giờ không rõ tung tích của họ ra sao ở miền đất hứa Dubai.
Thời gian qua, vấn nạn buôn bán người có xu hướng gia tăng, với những phương thức vô cùng tinh vi, vì vậy người dân cần hết sức đề cao cảnh giác, không tin theo những lời quảng cáo tuyển người đi lao động xuất khẩu trên không gian mạng, để tránh bị lừa vào những cạm bẫy mua bán người.
(Còn nữa)