Cảnh giác với mời đầu tư trả lãi cao - Bài cuối: Đừng tự biến mình thành “gà” để bị “lùa”

Nhóm PV
29/09/2023 - 14:00
Cảnh giác với mời đầu tư trả lãi cao - Bài cuối: Đừng tự biến mình thành “gà” để bị “lùa”

Các nhà đầu tư cầm trên tay hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh của Antech Group

Đã từng có nhiều bài học cay đắng cho hàng vạn nhà đầu tư khi tham lợi nhuận cao đến khó tin. Những năm qua, các công ty huy động vốn theo mô hình Ponzi (lấy của người sau trả cho người trước) bị đổ bể, nhà đầu tư rơi vào cảnh tay trắng.
Chưa ai kiểm chứng được hoạt động kinh doanh của Antech Group

Ông Nguyễn Văn S. (ở Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội) cho biết: "Nhân viên Công ty Antech Group liên tục chào mời tôi tham gia đầu tư. Để thuyết phục, họ còn đưa ra nhiều gói ưu đãi, nào là chiết khấu, nào là tặng vé du lịch VIP. 

Nhưng cái cần là thông tin hoạt động kinh doanh của họ hiệu quả như thế nào thì lại không đưa ra. Họ liên tục cho rằng đơn vị mình làm ăn kinh doanh đàng hoàng, có hiệu quả cao nhưng lại không đưa ra được những minh chứng cụ thể, thì làm sao mà tôi dám đầu tư".

Trong vai nhà đầu tư cần tìm hiểu hoạt động kinh doanh của Công ty Antech Group, phóng viên Báo PNVN cũng chỉ nhận được những thông tin do nhân viên đơn vị này khoe khoang về nhiều mảng, nhiều lĩnh vực. 

Khi chúng tôi yêu cầu đưa ra những minh chứng bằng tài liệu và con số cụ thể, thì những nhân viên này lại im lặng. Cho đến nay, thông tin về báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hàng năm của Công ty Antech Group vẫn là một ẩn số, chưa có bất kỳ nhà đầu tư nào được nhìn thấy nó, kiểm chứng nó.

Cảnh giác với mời đầu tư trả lãi cao Bài cuối:  Đừng tự biến mình thành “gà” để bị “lùa”  - Ảnh 1.

Phiếu thu tiền cọc của nhà đầu tư

Chị Trần Thị Phương, ở thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết: "Không thể chạy theo những kiểu huy động vốn như thế này được, bởi nếu họ làm ăn sinh ra nhiều lợi nhuận như thế, thì họ đã tự đi vay ngân hàng, với lãi suất thấp hơn nhiều lần rồi. Việc gì họ phải huy động tiền của nhà đầu tư rồi phải bỏ ra số tiền lớn để chi trả lợi nhuận lên tới 48%/năm như vậy?

 Tôi cho rằng chẳng có cái gì dễ ăn đến thế, đến như mấy doanh nghiệp lớn, họ làm ăn quy mô bài bản, mà lợi nhuận cả năm chỉ được 15% -17% đã là thành công lắm rồi. Nên người dân cần cẩn trọng, đừng tự biến mình thành "gà" để bị "lùa" như vậy".

Bài học từ Công ty bất động sản Nhật Nam

Huy động vốn của cộng đồng rồi chi trả lãi suất cao theo ngày, mô hình của Antech Group đang phát triển cho thấy dáng dấp giống như Công ty cổ phần thương mại bất động sản Nhật Nam (Công ty Nhật Nam) từng mời gọi đầu tư trong thời gian qua. 

Theo đó, từ năm 2020, Công ty Nhật Nam đưa ra nhiều chiêu trò huy động vốn theo hình thức hợp tác đầu tư kinh doanh, sau đó huy động vốn của hơn 10.000 nhà đầu tư trên cả nước, với số tiền gần 4 nghìn tỷ đồng. Nhật Nam cam kết phân chia lợi nhuận và chi trả theo ngày vào tài khoản của các nhà đầu tư. 

Đến cuối năm 2022, đơn vị này bắt đầu dừng chi trả theo cam kết, dẫn đến việc nhà đầu tư đi biểu tình đòi quyền lợi nhưng sau tất cả, nhà đầu tư đều không thể lấy được tiền.

Đến ngày 31/8/2023, Cơ quan CSĐT - Công an Hà Nội đã ra Thông báo tạm giữ khẩn cấp bà Vũ Thị Thúy, Tổng giám đốc Công ty Nhật Nam, về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". 

Cảnh giác với mời đầu tư trả lãi cao Bài cuối:  Đừng tự biến mình thành “gà” để bị “lùa”  - Ảnh 2.

Bảng phân chia lợi nhuận của Công ty Antech Group

Ngày 8/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an Thành phố Hà Nội ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, Lệnh tạm giam đối với bà Vũ Thị Thúy về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", quy định tại Điều 74 Bộ luật Hình sự.

So sánh bảng cam kết phân chia lợi nhuận giữa Công ty Nhật Nam và Công ty Antech Group cho thấy sự tương đồng trong mức lãi suất chi trả và cả việc chi trả theo ngày, đều rất giống nhau. 

Ông Lê Thành Nam, một nhà đầu tư thương mại bất động sản ở Hà Nội, cho biết: "Nhìn vào cách thức mời gọi huy động vốn và phân chia lợi nhuận của 2 đơn vị này rất giống nhau. Có thể nói nó như anh em sinh đôi. Việc phân chia lợi nhuận theo ngày, theo quan điểm cá nhân của tôi, bất kỳ công ty kinh doanh nào cũng đề cao vấn đề vốn và quản lý vốn hiệu quả. 

Không có một đơn vị nào làm ăn kinh doanh nghiêm túc lại quản lý theo kiểu chi trả hàng ngày, để dòng tiền vốn bị chảy ra hàng ngày như thế. Chỉ có thu tiền của người này trả cho người kia thì mới làm ăn theo kiểu chi trả lợi nhuận hàng ngày. Bài học từ Công ty Nhật Nam rất đáng để các nhà đầu tư lấy làm kinh nghiệm, đừng chạy theo những miếng mồi lợi nhuận phi lý, để rồi rước họa vào thân".

Từ khoảng chục năm trở lại đây, có hàng loạt công ty hoạt động huy động vốn trả lãi suất cao, theo mô hình Ponzi lần lượt ra đời và một thời gian sau thì đổ sập như: Liên Kết Việt; Công ty địa ốc Alibaba; Công ty Gold time và gần nhất là Công ty Nhật Nam. 

Mỗi khi có một công ty huy động vốn trả lãi cao bị đổ bể, thì luôn kéo theo hàng vạn người dân rơi vào cảnh tay trắng, cùng cực và kiệt quệ, cùng với số tiền đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Việc các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc thanh, kiểm tra các hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp là rất cần thiết. 

Tuy nhiên, bản thân các nhà đầu tư phải tỉnh táo và thận trọng khi quyết định bỏ tiền đầu tư mà không biết nơi mình rót vốn làm ăn thế nào.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm