pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cảnh giác nạn mua bán người qua mạng: Bài cuối - Kỹ năng tự bảo vệ mình
Tuyên truyền nâng cao kỹ năng về phòng, chống buôn bán người cho người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số.
Theo cơ quan công an, trước kia phụ nữ và nhất là các cô gái luôn là đối tượng những kẻ mua bán người nhắm đến, thế nhưng hiện nay, các nạn nhân bị mua bán bao gồm cả nam lẫn nữ. Bất kể là ai cũng đều có thể rơi vào bẫy của những kẻ buôn người táng tận lương tâm.
Các nạn nhân hiện nay cũng rất đa dạng, không chỉ là những người có hoàn cảnh khó khăn, hạn chế nhận thức, mà ngay cả những người có trình độ chuyên môn, có bằng cấp cũng có thể trở thành nạn nhân của tội phạm buôn người.
Bởi chúng luôn giăng ra những cái bẫy đưa người đi lao động xuất khẩu, đi làm việc ở những công ty, những tập đoàn lớn. Nên nạn nhân thiếu cảnh giác sẽ bị rơi vào những bẫy lừa hết sức tinh vi.
Khi đã trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, thì đa phần những nạn nhân sập bẫy lừa đảo buôn bán người đều phải trải qua cuộc sống đau khổ, bị cưỡng bức lao động, bị bỏ đói, đánh đập hành hạ một cách tàn nhẫn. Những người may mắn được giải cứu thì cũng phải trải qua nhiều va đập về mặt tâm lý, dẫn đến những hệ lụy xấu cho cuộc đời của họ.
Bộ Công an khuyến cáo tránh sập bẫy buôn bán người
Mới đây, Bộ Công an đã đưa ra những khuyến cáo cho người dân, để tự đề cao cảnh giác, tự bảo vệ bản thân mình trước hoạt động tội phạm buôn bán người đang có xu hướng gia tăng, đồng thời cũng là góp phần ngăn chặn loại tội phạm nguy hiểm này.
Theo đó, để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua, bán người, người dân cần cảnh giác, cân nhắc kỹ trước những lời mời chào đi lao động, làm việc ở nước ngoài:
- Trước khi muốn đi xuất khẩu lao động ở nước nào phải tìm hiểu kỹ thị trường và những công ty, trung tâm xuất khẩu lao động của Nhà nước hoặc tư nhân được cấp phép đưa người đi lao động ở nước ngoài để được đảm bảo quyền lợi, tránh những trường hợp đăng ký ở những công ty, trung tâm chưa được cấp phép dẫn đến tiền mất, nhưng vẫn không được xuất cảnh đi lao động.
- Trong thời gian xuất khẩu lao động ở nước ngoài phải chấp hành nghiêm pháp luật nước sở tại và những điều đã ký kết trong hợp đồng, hết hạn hợp đồng phải về nước theo quy định, tránh trường hợp trốn ở lại, những trường hợp trốn ở lại nếu bị cơ quan chức năng phát hiện thì sẽ bị trục xuất về nước và bị cấm nhập cảnh trong khoảng thời gian nhất định tùy theo pháp luật mỗi nước.
- Nếu trong quá trình lao động có vấn đề gì phát sinh, thì người lao động phải liên hệ với công ty, trung tâm chủ quản đưa mình đi để giải quyết.
- Khi đi xuất khẩu lao động, nếu chẳng may vướng vào các đường dây đưa người đi lao động “chui” ở nước ngoài và bị cơ quan nước ngoài bắt giữ, trước hết cần liên hệ ngay về gia đình để họ trình báo với cơ quan chức năng, tìm cách liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam để tiến hành các thủ tục bảo hộ công dân về nước. Sau khi về nước thì người lao động phải trình báo sự việc với cơ quan chức năng địa phương để có hướng giải quyết tùy vào tính chất vụ việc.
- Đề nghị người dân khi phát hiện dấu hiệu hoạt động của tội phạm mua, bán người thì báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ.