pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cao Bằng: Phụ nữ xã Đàm Thủy ứng dụng văn hóa truyền thống để phát triển du lịch
Việc lồng ghép bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong triển khai thực hiện Dự án 8 được người dân địa phương đồng tình ủng hộ
Hàng tuần, phụ nữ ở các thôn trong xã Đàm Thủy đều tích cực tập luyện các làn điệu dân ca, âm nhạc và cả những màn dân vũ được kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, thành những sản phẩm văn hóa, văn nghệ để ứng dụng vào phát triển du lịch.
Chị Mạc Thị Khon, thành viên Câu lạc bộ Văn nghệ thôn Khuổi Ky, cho biết: “Từ vài năm trở lại đây, khi du lịch phát triển mạnh, Hội LHPN xã đã tuyên truyền vận động chị em tham gia đội văn nghệ để tập luyện và biểu diễn phục vụ khách du lịch. Ban đầu chị em còn e ngại, nhưng được sự vận động của cán bộ Hội LHPN xã, nên mọi người cũng tự tin và tích cực tham gia. Bây giờ, tuần nào chị em cũng tổ chức tập luyện và biểu diễn rất tự nhiên”.
Cho đến nay, hầu hết các thôn bản trong xã Đàm Thủy đều có các Câu lạc bộ văn nghệ của phụ nữ, với tần suất tập luyện biểu diễn đều đặn hàng tuần. Để có được phong trào phục dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa văn nghệ truyền thống một cách sôi động và hiệu quả như hôm nay, là có sự đóng góp rất lớn của Hội LHPN xã Đàm Thủy.
Bà Triệu Thị Huệ, Chủ tịch Hội LHPN xã Đàm Thủy, chia sẻ: “Việc xây dựng các Câu lạc bộ văn nghệ ở các thôn bản để phụ nữ có sân chơi riêng, cũng là một trong những chương trình kết hợp đan xen thực hiện Dự án 8 của Hội LHPN xã chúng tôi. Khi nhận thấy tiềm năng có thể ứng dụng văn hóa văn nghệ truyền thống thành sản phẩm phát triển du lịch, tạo thêm việc làm và thu nhập cho chị em. Hội LHPN xã đã đề xuất với lãnh đạo xã thành lập Câu lạc bộ văn nghệ với các tiết mục dân ca, dân vũ, hát then, đàn tính ở các thôn bản trong xã. Từ đó Hội LHPN xã tích cực động viên đốc thúc các chị em tham gia tập luyện, xây dựng thành phong trào hoạt động đều đặn hàng tuần, hàng tháng như hiện nay”.
Với hướng phát triển đúng đắn, cho đến nay, các Câu lạc bộ văn nghệ ở xã Đàm Thủy đều phát triển rất ổn định, mỗi buổi tối tham gia biểu diễn văn nghệ phục vụ nhu cầu của khách du lịch, mỗi chị em có thu nhập từ 150 đến 200 nghìn đồng/buổi. Vào thời điểm khách du lịch đến nhiều, hầu như các Câu lạc bộ đều kín lịch biểu diễn trong tuần, nên nguồn thu nhập cũng khá hơn rất nhiều.
Các Câu lạc bộ văn nghệ không chỉ hoạt động phong trào mà còn góp phần tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo để phát triển du lịch địa phương, nâng cao thu nhập
Bà Triệu Thị Ngọn, ở thôn Bản Giốc, cho biết: "Chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng của việc gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc và đây cũng là cách để có sản phẩm phát triển du lịch. Hiểu được điều đó nên phụ nữ trong thôn cũng đồng tình ủng hộ và tham gia tập luyện. Hiện tại, đội văn nghệ của thôn cũng làm tốt, thường xuyên biểu diễn cho khách du lịch xem và mọi người đều rất thích".
Hiện nay, trong các Câu lạc bộ văn nghệ ở các thôn bản đều có sự góp mặt của nhiều thế hệ, ai cũng tích cực tham gia hoạt động, từ đó duy trì được sự bền vững của các mô hình này.
Từ những mô hình Câu lạc bộ văn nghệ ở xã Đàm Thủy cho thấy, các phương pháp lồng ghép triển khai thực hiện dự án 8 một cách chủ động, sáng tạo,không chỉ tạo ra sự thành công mà còn góp phần tạo ra những bài học kinh nghiệm hữu ích cho các địa phương khác tham khảo và học theo.