Cặp vợ chồng cùng nhau vượt qua bi kịch bại liệt

26/02/2019 - 19:47
Nếu lỡ bị khuyết tật từ khi mới sinh, cuộc sống có thể nói là rất bấp bênh, bấp bênh theo từng nhịp bước chân khập khiễng. Mà khuyết tật, lại còn đối mặt với đời nghèo thì khó khăn nó lại nhân đôi, nhân ba, nhân lên rất nhiều lần.

Chị Nguyễn Thị Hồng Tri, năm nay 29 tuổi, sinh ra ở làng quê nghèo Vạn Phước, tỉnh Ninh Thuận. Chồng chị, anh Trần Ngọc Khương, sinh năm 1987 quê ở đảo Ninh Vân, tỉnh Khánh Hòa. Hai người đều bị sốt bại liệt từ nhỏ. Rồi duyên số run rủi, hai anh chị gặp nhau tại một xí nghiệp may dành cho người khuyết tật ở tỉnh Khánh Hòa. Đồng cảm với số phận, hai anh chị yêu nhau, sau đó quyết định cưới nhau rồi về sống tại quê của chị Tri.

Đó dường như là một mở đầu rất đẹp cho câu chuyện tình cũng đẹp không kém của những thân phận chân thấp chân cao giữa đời. Thế nhưng, cuộc sống của hai anh chị để đạt được hạnh phúc, quả thật quá tả tơi và không thiếu những đắng cay.

 

dsc08459-1.JPG
Gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Tri

Trước đây, anh chị đi xe lắc bán vé số kiếm sống qua ngày. Bản thân là người khuyết tật, cuộc sống vốn gặp rất nhiều khó khăn. Đến khi có 2 đứa con thì khó lại chồng thêm khó. Anh chị còn cưu mang người chị ruột của chị Tri là chị Nguyễn Thị Kim Tiền, năm nay 42 tuổi, bị bệnh tâm thần, chăm lo cho chị Tiền bằng tình yêu thương, bằng sự ấm nồng, bằng nụ cười luôn túc trực trên môi. 

Hiện để chăm lo cho gia đình, anh Khương đi xe lắc bán vé số khắp nơi. Nhiều khi Ninh Thuận khó khăn quá, bán không được, anh đón xe đi đến tận Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, rồi xuôi Nam về Đồng Nai, Sài Gòn, để mà mong bán được nhiều, để mà tìm đường sống, tìm đường sinh tồn cho gia đình. Còn chị Tri thì ở nhà lo cho hai đứa con nhỏ, trai đầu học lớp 2, gái sau 3 tuổi, đang học mẫu giáo.

Thấy chồng cực nhọc quá mà thương, nên mấy tháng trước, khi gởi được con gái học mẫu giáo, chị ra chợ bán trái cây. Nhưng vốn liếng chị có được bao nhiêu đâu, nên tiền lời hàng ngày chỉ khoảng vài chục ngàn đồng.

Độ rày, việc buôn bán trái cây ế ẩm, rồi giá vốn tăng cao, không kham nổi, nên chị đã vay mượn tiền mua mấy thứ lặt vặt, như tăm xỉa răng, hột quẹt, đồ chà xoong chảo để bán, kiếm vài đồng tiền lời.

Hai anh chị tàn tật nhưng không xem thường chính bản thân mình, không lấy cái bi kịch đời mình ra để than vãn trách móc, mà anh chị luôn cố gắng đối mặt với khó khăn, đi cùng khó khăn và tìm cách vượt qua khó khăn.

Cái gánh nặng nội tâm về một thân phận tàn tật nó lớn lắm, nó nặng lắm. Nhưng anh chị đã tìm được ở nhau chỗ dựa và cố gắng vượt qua để sống tốt hơn, sống một cuộc sống đáng sống hơn. Và cách mà anh chị đối mặt với khó khăn chính là minh chứng rõ ràng nhất cho câu nói ”Tàn mà không phế”.

Chia sẻ xin gửi về: Gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Tri – Địa chỉ: thôn Vạn Phước, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận - hoặc BTC chương trình Khát Vọng Sống: Công ty Cổ phần Quảng cáo Nhất – 82 Nguyễn Phi Khanh, P. Tân Định, Q.1 – TP HCM. Điện thoại (84.028) 38.207.084.

Thông tin về chương trình và tấm lòng vàng xin vui lòng truy cập: www.khatvongsong.uniad.com.vn.

***Chương trình do Báo Phụ nữ Việt Nam bảo trợ thông tin.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm