Câu chuyện xúc động của chàng trai nửa đêm thú nhận: "Mẹ ơi, thật ra con thích con trai"

Diệp Nguyễn
06/10/2022 - 17:38
Câu chuyện xúc động của chàng trai nửa đêm thú nhận: "Mẹ ơi, thật ra con thích con trai"
Câu chuyện của Tạ Quốc Kỳ Nam không chỉ là một câu chuyện công khai của một người trẻ LGBT, mà còn là trăn trở để các thế hệ trong gia đình có thể gỡ bỏ định kiến và xích lại gần nhau.

Tạ Quốc Kỳ Nam vốn nổi tiếng với giới trẻ Việt Nam với hình ảnh một người có ảnh hưởng (influencer) với phong cách hài hước, năng động, sáng tạo trên mạng xã hội, tác giả của hàng trăm bìa sách, một giám đốc hình ảnh, một nhà hoạt động và diễn giả đầy năng lượng. Nam cũng là người mới đây thôi, đã khiến không biết bao nhiêu người bị "ú òa" rồi xúc động vì câu chuyện công khai về tính dục với gia đình. 

Hóa ra, Nam cởi mở "không sót gì" với bạn bè và xã hội, nhưng vẫn giữ bí mật ấy với chính gia đình mình. Một câu chuyện kỳ lạ, nhưng sự kỳ lạ đó cũng mới mang đến cho chúng ta một buổi trò chuyện ý nghĩa với Nam ngày hôm nay. Không chỉ là một câu chuyện bước ra ánh sáng của một người trẻ LGBT mà còn là trăn trở để các thế hệ trong gia đình có thể gỡ bỏ rào chắn tư tưởng và xích lại gần nhau.

“Mẹ ơi, thật ra con thích con trai” - Ảnh 1.

Xin chào Nam. Đầu tiên, phải nói rằng tôi rất ngạc nhiên khi đọc dòng trạng thái trên trang cá nhân của Nam về chuyện công khai giới tính với gia đình. Tôi vốn nghĩ bạn là một người rất cởi mở và mặc nhiên rằng bạn đã chia sẻ với bố mẹ chuyện đấy từ lâu rồi cơ! 

Thật ra, đây là một câu chuyện "trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường" điển hình đấy. Vốn dĩ tôi làm trong lĩnh vực truyền thông nên gần như cả Việt Nam đều biết chuyện của Nam rồi. Riêng tư mà nói, chuyện tôi chưa chia sẻ trực tiếp với ba mẹ mình đến từ việc tôi coi nó như một nghi thức. Mà đã là nghi thức thì khi làm rồi ta sẽ phải chấp nhận mọi hệ quả đi theo. Tôi sợ ba mẹ mình buồn và lo. 

Mãi sau này tôi mới biết, cả ba lẫn mẹ mình đều biết từ lâu rồi, cả hai người cũng chẳng nói với nhau luôn. Ba thì sợ mẹ buồn, mẹ thì sợ ba buồn, ba mẹ lại sợ… con buồn. 3 người trong gia đình không ai nói với ai hết, mỗi người lại cứ ôm một nỗi niềm riêng.

“Mẹ ơi, thật ra con thích con trai” - Ảnh 2.

Một trong những lý do thôi thúc tôi muốn  come-out (công khai tính dục) cũng là bởi tôi muốn chia sẻ nhiều hơn với gia đình những khoảnh khắc mình thành công và hạnh phúc ngoài xã hội. Tôi muốn ba mẹ có thể đến được những nơi ấy và thấy con mình ở ngoài đời cũng được yêu thương và chấp nhận. Tôi chẳng dám chia sẻ phần cuộc sống đấy với ba mẹ, thì những thông tin về thành công và niềm hạnh phúc ngoài kia khi về tới gia đình cũng ít nhiều đã qua những bộ lọc. Tôi tiếc những khoảnh khắc đó, và nó khiến tôi hiểu rằng: "Phải làm chuyện này thôi! Đã đến lúc rồi!".

Có một sự kiện cụ thể nào khiến Nam quyết định mình sẽ công khai vào đêm hôm ấy hay không? 

Đó là một khoảng thời gian nhiều biến động của tôi. Tôi thấy mình làm việc quá tải, sức khỏe tinh thần và thể chất lần lượt đi xuống. Khi ấy, bạn tôi hỏi một câu về công việc: "Rốt cuộc là giờ mày muốn làm gì nhất?". Tôi buột miệng: "Tao muốn come-out". Bạn hiểu không? Được hỏi về công việc, nhưng lại trả lời về mong muốn come-out. Tôi cho rằng khi đó, cơ thể và tinh thần của tôi bắt đầu lên tiếng và thúc ép tôi phải giải quyết cái vấn đề to lớn đang mắc kẹt trong tôi bấy lâu. Từ đó, tôi mới có nền tảng để tự tin làm mọi thứ khác. 

Suy nghĩ về buổi nói chuyện với ba mẹ cứ nhen nhóm trong tôi, nhưng tôi vẫn chưa dám ấn định cho mình một ngày cụ thể. Cho đến khi tôi đi mổ hạch về và vết mổ bị nhiễm trùng, tôi về nhà để mẹ chăm. Đêm hôm ấy, thuốc rất nặng, nó khiến tôi nửa tỉnh nửa mê. Rơi vào trạng thái yếu ớt nhất, tôi muốn có mẹ ở cạnh. 5h sáng, tôi kêu mẹ lên ngủ với mình. Một mặt vì trong vô thức, tôi biết rằng mình đang chuẩn bị làm một điều gì đấy rất quan trọng. 

Khi đó, mọi suy nghĩ và cảm xúc đánh lộn tùm lum trong lòng tôi. Khi mẹ lên và nằm xuống bên cạnh, chỉ nửa giây thôi nhưng hai ánh mắt mẹ con tôi nhìn nhau thì đèn tắt. Tôi không còn có thể che giấu được nữa mà òa khóc nức nở. 

Mẹ hỏi: "Tại sao con khóc". 

Tôi nói: "Con áp lực quá mẹ ơi". 

Mẹ ôm tôi vào lòng và vỗ về: "Nếu vì công việc thì không có sao. Nhà mình đâu bắt con phải đi kiếm tiền và làm việc lao lực như vậy?". 

Tôi mới nói: "Dạ không, đó chỉ là một phần thôi. Phần khác, con áp lực về một chuyện mà con muốn nói với mẹ từ lâu rồi. Mẹ ơi, thực ra con thích con trai. Con là gay". 

Nói được câu đó ra, tôi thấy mọi cảm xúc trong mình tuôn trào và mọi nút thắt trong lòng như đang được gỡ bỏ. 

Mẹ nghe vậy không hề khóc mà nói: "Mẹ biết lâu rồi". Sau mẹ mới bắt đầu kể, thật ra trong thời gian qua mẹ có tìm hiểu, rồi được một người bạn thân tâm sự, chia sẻ về những người con đồng tính, cho mẹ xem clip TikTok để thấy họ vẫn hạnh phúc biết bao. Không những mẹ được bạn bè của mẹ chia sẻ về kiến thức khoa học và đời sống của người đồng tính, mẹ còn đi chia sẻ lại với các bạn của mình có con là lesbian (đồng tính nữ). Chính mẹ cũng đã khuyên họ rằng chẳng có gì phải buồn hết, nhà tôi cũng có đứa con vậy à. 

“Mẹ ơi, thật ra con thích con trai” - Ảnh 3.

Vậy mà tôi chẳng hề biết những chuyện đó của mẹ trong suốt thời gian qua. Tôi không biết mẹ đã trải qua những cảm xúc và suy nghĩ như thế nào. Khi nghe mẹ nói vậy, tôi vỡ òa và chỉ biết khóc thôi. 

Từ trước đến nay, có khi nào Nam có cảm giác rằng hình như bố mẹ cũng đã biết điều này mà tránh đi không nói với mình?

Có. Tôi nghĩ rằng việc sống cùng nhau dưới một mái nhà, nhìn con mình lớn lên và trưởng thành, trải qua rất nhiều giai đoạn thăng trầm của cuộc đời thì chắc chắn ba mẹ phải biết. Tôi nhận ra là cứ mỗi dịp Tết đến, trước đây ba mẹ sẽ luôn chúc con sức khỏe và sớm... lấy vợ. Bỗng mấy  năm trở lại đây, mỗi lần chúc thì ba mẹ khựng lại và chỉ chúc con sức khỏe và thành công thôi. Tôi coi đó là một tín hiệu, rằng ba mẹ bắt đầu đối diện với sự thật đó rồi. Vậy mà chẳng ai có đủ dũng cảm để bước qua cái ngưỡng cửa đó mà nói thành lời, riết rồi lúc nào cũng như có một con voi lớn trong phòng. 

Ngày hôm ấy, mẹ cũng nói luôn rằng mấy lần con dẫn bạn về nhà, tụi con ngồi nói chuyện với nhau mà xưng bà xưng tui, mẹ thấy hết. Rồi cả những lúc tụi con "suỵt suỵt" khi thấy mẹ đi qua, mẹ cũng biết mà. Mẹ còn bảo, ở ngoài kia con và em gái được người ta yêu thương là bởi hai đứa con ngoan ngoãn, lễ phép, không ồn ào và nói chuyện có duyên - đó là cái mẹ luôn dạy. Đúng thật là khi lớn lên, kim chỉ nam của tôi luôn là dĩ hòa vi quý, lễ phép, lịch sự, có trước có sau. Và mẹ hiểu rằng tất cả những điều đó đến từ bản thân mình chứ không phải là chuyện của giới tính. 

Một trong số những lý do thôi thúc tôi phải ông khai giới tính của mình, đó là tôi không muốn mẹ cứ lo mãi về chuyện nhập nhằng giữa… gay và chuyển giới. Gia đình tôi có một người thân chuyển giới, mẹ đã tâm sự với tôi và chia sẻ về nỗi sợ con mình sẽ phải trải qua những đau đớn và khó khăn của một người chuyển giới. Tôi không muốn mẹ đã lo còn… lo sai. Vậy nên tôi thẳng thắn chia sẻ để mẹ an tâm. "Con là con trai, con trân trọng hình hài mà con đang có, con không phải người chuyển giới, mẹ sẽ không trải qua những đau đớn của cuộc đại phẫu như vậy đâu". 

Tiếp nhận những thông tin đó xong, mẹ chuyển thẳng sang một vấn đề muôn thuở: "Thế con có nghĩ tới chuyện xin con nuôi hay thụ tinh nhân tạo không? Làm liền đi!". Đang khóc tèm lem bỗng tui giật cái đùng: "Mẹ, đang học bò! Khoan chạy! Từ từ rồi tính! Hôm nay con mới come-out, mẹ khoan mấy chuyện đó giùm, từ từ!". Vậy đấy, kiểu gì cũng phải kiếm chuyện để lo. Đúng là mẹ! 

Sau khi "bước ra ánh sáng", mối quan hệ của Nam và ba mẹ có sự chuyển biến gì không? 

Ban đầu, tôi nghĩ sẽ có nhiều sự thay đổi. Nhưng đến ngày hôm sau vẫn thấy cãi nhau tùm lum à. Mọi chuyện vẫn diễn ra như bình thường, chỉ riêng tôi cảm nhận được một sự vững chãi rất khác. Trước đây, khi ở trong một ngôi nhà nhưng cứ phải suy nghĩ nửa giây trước khi nói, việc rào trước đón sau trở thành một thói quen và phản xạ tự nhiên. Ta quên mất rằng mình đang ở trong ngôi nhà của mình, là nơi cuối cùng mình có thể tìm về khi ngoài kia có biết bao mệt mỏi. Và trong suốt nhiều năm, tôi ở nhà nhưng không hề có cảm giác mình ở nhà. 

Vậy nên khi nói được với mẹ một điều quan trọng đến vậy, thì bản thân việc ở nhà cũng vô cùng thoải mái. Thậm chí, bây giờ khi nói chuyện với mẹ, tôi có thể thoải mái chỉ cho mẹ thấy những bạn bè ngày xưa của mình và nói: "Mẹ thấy cao ráo đẹp trai hông? Bê đê đó!". 

Quan trọng nhất vẫn là cảm giác được chữa lành, được cứu rỗi, được hàn gắn và sự khỏe mạnh bắt đầu lan tỏa từ bên trong. Tôi cảm thấy những nỗi lo âu được giảm dần và có thể mở lòng nói với mẹ những chuyện mà trước đó chẳng dám chia sẻ. Ví dụ như chuyện tài chính. Là một người đồng tính, việc đầu tiên tôi quan tâm chính là sự an toàn của cá nhân mình. Trong trường hợp xấu nhất tôi mất đi gia đình thì mình sẽ ra sao? Tôi luôn canh cánh giữ một áp lực đi làm để dành cho tương lai dẫu chẳng biết tương lai là cái gì, chỉ mơ hồ cảm thấy tương lai nó… không ổn. Nhưng khi chia sẻ được với mẹ, mọi kế hoạch tương lai trở nên vững chãi hơn, bởi tôi biết một điều quan trọng: Dù thế nào, mình cũng có gia đình luôn ở bên. 

Chuyện này cũng khiến tôi thay đổi góc nhìn của mình về ba. Tôi từng hình dung trong đầu, chắc chắn sẽ có ngày mình công khai với mẹ, nhưng không bao giờ nghĩ mình sẽ chia sẻ điều đó với ba. Hai ba con chẳng thân, cũng chẳng trò chuyện nhiều. Cho tới lúc mẹ nói rằng ba cũng đã biết và sẽ giúp tôi xác nhận với ba điều này. 2 ngày sau, mẹ nói rằng mẹ đã chuyển lời, và ba tiết lộ đã biết từ khi tôi học… đại học. Mẹ hỏi: "Giờ anh tính sao?". Và trời ơi, đây là câu nói mà tôi không nghĩ sẽ được thốt ra từ miệng của ba mình: "Tính gì mà tính, nó là con mình thì dù ra sao cũng là con mình, vậy thôi". 

Sau chuyện đó, tôi và ba vẫn ít nói chuyện với nhau. nhưng tôi cảm thấy an toàn và dễ chịu khi trò chuyện với ba hơn. Chuyện come-out chỉ là một thủ tục thôi, nhưng nó gỡ bỏ một rào cản khổng lồ trong giao tiếp giữa cả 3 người trong gia đình. 

Bạn có tiếc khi không nói ra điều này sớm hơn? 

Không. Tôi tin rằng chuyện công khai của mỗi con người đều cực kỳ khó đoán. Nó phụ thuộc rất nhiều thứ và nếu sức khỏe tôi không đi xuống vào thời điểm ấy, rất có lẽ tôi sẽ không đủ dũng cảm để vượt qua cả ý nghĩ sẽ công khai giới tính của mình với người thân. Trước đây, mỗi khi suy nghĩ ấy xuất hiện trong đầu, tôi lại tự nhủ "Rủi như…". Vậy mà khi đó, nằm trên giường, bệnh nặng, chẳng một chốn dung thân ngoài tình cảm vô bờ của ba mẹ, lý trí không có, vậy sao không kệ hết mà nói luôn đi. 

Để đến được khoảnh khắc đấy cũng là rất nhiều năm tôi đã dựng nên trong đầu mình những hoàn cảnh để come-out. Nhưng chắc chắn trong trí tưởng tượng điên rồ nhất, hoàn cảnh đêm hôm đó chưa bao giờ là một trong những buổi diễn tập trong đầu tôi hết. Vậy nên nếu hỏi rằng tôi có tiếc vì đã không làm việc sớm hơn thì câu trả lời là không. Tôi nghĩ mọi chuyện đều đến đúng thời điểm. 

Chuyện của bạn làm tôi nhớ đến một cảnh trong bộ phim "Heartstopper". Khi người con trai come-out và người mẹ ôm cậu vào lòng, vừa khóc và nói: "Mẹ xin lỗi vì đã làm cho con phải cảm thấy khó khăn khi nói điều này". 

Khi nhìn lại việc tôi công khai, mọi thứ mẹ nói với tôi như bước ra từ một bộ phim. Hoàn hảo và tròn trịa, đi cùng một chút bất ngờ. Khi tôi hỏi mẹ có buồn không? Mẹ nói thật ra mẹ sợ con buồn, sợ con tủi thân vì mẹ sinh con ra không được bình thường. Tôi nói với mẹ: "Con là một đứa con bình thường. Con tự hào vì được mẹ sinh ra nguyên kiện, sáng sủa cần cù, nhiều đức tính tốt và là người đồng tính". 

Hóa ra, nỗi lo của mẹ lại là lo cho tôi nhiều hơn. Mẹ lo tôi tủi thân chứ chẳng lo về mẹ. Mẹ lại tự trách mình và khóc rất nhiều, mẹ tự hỏi không biết lúc mang thai con mẹ có sao không mà sinh con ra lại như vậy. Thế là đêm hôm ấy lại trở thành một dịp mà tôi "phổ cập" cho mẹ những thông tin khoa học mà tôi đã âm thầm chuẩn bị trong nhiều năm qua để đưa đến cho mẹ một cách dễ hiểu nhất. 

Tôi nghĩ rằng, bố mẹ mình cũng đều là người ở thế hệ trước, có những khái niệm mà họ chưa từng biết ở thời của mình và chỉ là họ chưa chấp nhận được nó mà thôi. Đó là chuyện bình thường?

Tôi từng nghe rất nhiều câu chuyện "bước ra ánh sáng" không thuận lợi của những người xung quanh. Đánh có, chửi có, nhưng may sao những bạn ấy vẫn tiếp tục cuộc sống của mình, vẫn đi làm và thành công, cuối cùng đã nhận được sự yêu thương chấp nhận từ gia đình của mình.  Khi ba mẹ có thể chấp nhận được con mình rồi thì ba mẹ có thêm một niềm vui, một niềm tự hào khi bắt đầu quen với một con người mới, đi cùng một tư tưởng mới. 

Thật sự, tôi vừa tin vừa mong mỏi, rằng với những vị phụ huynh và gia đình có con là LGBT, nhưng không được may mắn có được sự thuận hòa như tôi, rồi đây sẽ có những sự thay đổi. Thậm chí, ngay cả vào thời điểm mọi thứ có thể như địa ngục, những lời nói nặng nề xuất phát từ nỗi buồn lo và sợ hãi, thì tôi mong sẽ luôn có một cơ hội thứ hai để người thân trong gia đình được hàn gắn và nâng đỡ nhau. Hãy hiểu rằng, đó là một giai đoạn khó khăn với tất cả chứ đâu chỉ riêng đứa con.

“Mẹ ơi, thật ra con thích con trai” - Ảnh 4.

Dường như mọi người thường coi việc công khai là một cột mốc rất quan trọng trong cuộc đời của mình. Tôi lại nghĩ, đến một ngày chúng ta sẽ coi việc đó chẳng cần thiết nữa. Ta đâu cần bước ra ngoài khi vốn dĩ đã luôn ở trong ánh sáng, như sinh ra là nam và nữ và mọi người đều mặc nhiên chấp nhận việc đó, phải không?

Tôi rất mong ngày đó sẽ sớm đến. Giống như tôi và em gái, tôi chẳng hề nói gì về chuyện của tôi nhưng chính em là người kể cho tôi những câu chuyện về bạn bè là gay của em. Tôi ngầm hiểu rằng em biết, và những câu chuyện em kể chỉ đơn giản là em muốn mình biết là em luôn ở cạnh và chấp nhận mình. Em còn nói tôi hãy đợi em về Việt Nam để phụ tôi công khai với gia đình. Và thế là trong suốt mấy năm trở lại đây, cứ mỗi lần muốn công khai tôi lại viện lời hứa đó như một lý do để trì hoãn. Cuối cùng em chưa kịp nói về tôi đã… công khai trước luôn rồi.

Vậy đâu đó trong quãng thời gian trước đây, bạn thấy mệt mỏi vì mắc kẹt giữa hai cuộc sống: Ở ngoài và ở nhà? 

Dùng từ "mệt mỏi" thì không có đúng lắm. Ở một gia đình châu Á truyền thống, việc đứa con phải có chút xíu gọi là "biên tập" khi về nhà là chuyện bình thường. Tôi không mệt mỏi với chuyện đó, chỉ là không thoải mái khi phải cùng nhau giả vờ không biết chuyện đang diễn ra. Rồi khi dắt bạn bè về chơi, đó đều là những người tôi rất yêu thương, đã đồng cam cộng khổ và chăm sóc khi tôi ở xa gia đình, thế mà mình cũng bắt họ "biên tập" theo mình, bắt họ diễn, họ gồng lên xíu, bát họ không được "bà bà tui tui". Việc đó thì mệt thật, không thoải mái thật, và thế là cứ tích tụ dần. 

“Mẹ ơi, thật ra con thích con trai” - Ảnh 5.

Tôi thấy trên MXH, Nam là một người rất vui vẻ và lạc quan. Nhưng hóa ra, hôm nay tôi lại thấy một khía cạnh khác rất nhạy cảm của bạn. Bạn tìm thấy mình ở đâu giữa ranh giới yếu đuối và mạnh mẽ? Tôi thì nghĩ, những người luôn vui vẻ thường giấu rất nhiều nỗi niềm bên trong… 

Tôi tin rằng một người có sự hài hước thường đã phải trải qua biết bao biến động trong cuộc đời. Sự hài hước là cách họ chọn để đối diện. Ngày xưa, tôi từng bị bắt nạt vì tôi là gay, tôi ẻo lả và khi tôi hài hước hóa mọi thứ cũng chính là cách tôi đối diện với những điều tiêu cực về mình một cách nhẹ nhàng và không dính tới bạo lực. Thay vì phải gồng mình lên, phải trở thành một người cực kỳ hung dữ và xù lông nhím, tôi lại vui vẻ và mặn mòi để đón nhận những chuyện đó một cách vui vẻ.

Lâu dần, nó trở thành một phần cá tính của tôi. Một chút trào phúng, một chút châm biếm. Tôi nghĩ mình là người khá yếu đuối. Nhưng mà nhìn lại mọi chuyện từng trải qua, tôi thấy rằng dù chuyện lớn đến đâu và mình yếu đuối thế nào, thì cũng đã vượt qua được hết. Vậy nên lại phải cộng điểm cho bản thân một xíu ha. Mỗi khi nghĩ mình không giỏi, mình chưa ổn, mình vẫn không được thế này hay thế kia, thì hãy nhìn lại những chuyện đã qua để thấy rằng: Một người có thể vượt qua được từng ấy biến cố, làm được biết bao nhiêu việc như vậy thì đâu thể nào mà dở được! Chịu khó tin vào bản thân chút xíu đi ha! Suốt ngày đi kêu người khác hãy tin vào bản thân, rồi tôn trọng tài năng và thành tựu của họ, thấy phẩm chất tốt đẹp của những người mình làm việc chung - vậy tại sao lại chẳng thể thấy được những điều đó ở mình? Có phải là hơi bất công với bản thân không? 

Hãy bao quanh mình bởi những người thân yêu để cùng nâng đỡ cho nhau những lúc chạm đáy, những lúc buồn và chẳng thấy một tia sáng nào lóe lên. Chỉ cần có người tới, nói và nhắc lại những điều ta cần nghe vào đúng thời điểm thì sẽ là một sự cứu cánh. Ta nhận được những điều ấy thì cũng hãy mang những điều tương tự đến với bạn bè và người thân xung quanh vào thời điểm họ cần.  

“Mẹ ơi, thật ra con thích con trai” - Ảnh 6.

Tôi may mắn có những người như vậy ở bên cạnh. Chính vì thế tôi không muốn khi giới thiệu họ với gia đình, tôi phải che giấu đi một phần rất đẹp của họ. Bởi nó không những rất đẹp, mà còn hoàn toàn bình thường. Làm sao tôi có thể nói với bố mẹ rằng đây là những con người rất tuyệt vời, trong khi tôi không dám nói rằng bạn này là gay, bạn kia là lesbian? Làm vậy đâu khác gì chính mình cũng đang lôi họ vào tủ. Vì họ cũng yêu thương mình nên tất cả đều cùng thông đồng với nhau để che giấu. Giờ thì cuối cùng tôi cũng có thể giới thiệu lại với mẹ rằng bạn này thật ra là bồ ai trong nhóm, bạn này không có "bê đê", bạn kia có chồng rồi… 

“Mẹ ơi, thật ra con thích con trai” - Ảnh 7.

Tôi nghĩ một phần việc "bước ra ánh sáng" của bạn diễn ra bình yên, cũng là nhờ bố mẹ đã có một cuộc đấu tranh âm thầm trước đó…

Một phần nữa là do ba mẹ cũng an tâm với việc tôi là một đứa tự lập. Ba mẹ không có lo sau này tôi thất nghiệp, không lo tôi ở ngoài kia phải bươn chải vất vả. Nhờ an tâm như vậy nên ba mẹ cũng bớt lo chuyện nếu con mình chỉ có 1 mình trên đời thì nó sẽ tự lo cho nó ra sao.

Trong suốt thời gian qua, việc tôi tự lập sớm một phần cũng tạo được sự uy tín và niềm tin với ba mẹ. Mình chứng minh bản thân là một đứa con đã trưởng thành, biết tự chăm lo cho bản thân trước tiên, vậy nên việc come-out cũng bớt đi nhiều gánh nặng. Tôi không dám khuyên ai nên hay không nên come-out, nhưng nếu các bạn trẻ có dự định công khai giới tính thì hãy chuẩn bị trước những kế hoạch cho tương lai, những dự định cho tình huống xấu nhất, hãy tự lập và vững chãi. Để dẫu kết quả có tốt hay xấu, thì ta cũng không bơ vơ giữa cuộc đời. Quan trọng nhất vẫn luôn là sự an toàn và ổn định của bản thân trước mọi biến cố. 

Sự bất an của Nam đến từ…? 

Ví von một chút: Giả sử ta có một cái nền rất vững, thì ta có thể tự tin xây cho mình một ngôi nhà. Nhưng khi ta không chắc về việc đó, ta vẫn xây nhà nhưng lúc nào cũng không yên vì lo nó sụp. Nền tảng đó chính là sự yêu thương và ủng hộ của gia đình. Khi ta không chắc rằng ba mẹ có ủng hộ mình không cũng đồng nghĩa với việc thiếu đi lớp nền. Chỉ khi có lớp nền quan trọng ấy, ta mới có cảm giác thoải mái để làm thêm mọi thứ khác theo sau. 

Khi tôi chia sẻ câu chuyện của mình với người thân chuyển giới trong gia đình, anh cũng đồng cảm. Trước khi chuyển giới, anh cũng bất an, vô định, cảm giác mọi thứ đang làm đều có thể tan biến bất cứ lúc nào. Nhưng khi đã quyết định dành hết dũng cảm để chuyển giới và trở thành con trai, sống đúng với bản thân, dường như anh đã cởi bỏ một gánh nặng vô hình bên trong và tự tin hơn rất nhiều trong công việc, trong tình yêu và cả chuyện phụ giúp gia đình. Dường như tinh thần anh vững chãi hơn để làm tất cả mọi thứ một cách quyết liệt.

Chắc có lẽ sự vững chãi đó đến từ việc: Rồi đây, mình có thể sống là mình. 

Nói "sống là mình" thì cần thêm hơi nhiều yếu tố quá. Nhưng tôi nghĩ, sự vững chãi đến từ việc ta biết rằng ba mẹ mình sẽ luôn ủng hộ dù ta yêu ai. Chỉ riêng việc đó thôi cũng đã đủ để tăng cường niềm tin của mình. Còn sau đó, ta có thật sự sống là mình hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều thứ.

Tôi nhớ hoài việc mẹ nói trong đêm đó, rằng "Giờ con hãy cứ sống là con đi.  Cứ hạnh phúc đi. Rồi bây giờ con thấy an chưa?" Nó như một lời nhắc nhở rằng bây giờ tôi chẳng còn một lý do gì để tìm cách không phải là mình nữa. Có lẽ, nó cũng sẽ ảnh hưởng đến những quyết định của tôi trong tương lai, kể cả trong chuyện thường ngày, từ chối hay đồng ý, đi tiếp hay dừng lại - tôi sẽ đều cân nhắc liệu mình có cảm thấy vui hay được tôn trọng với quyết định này không? Không có thì không làm, vì biết mẹ ủng hộ điều đó. 

Vậy giờ Nam đã thấy "an" chưa?

Chưa! Làm sao mà "an" được. Đang ở tuổi 32, bước vào 1 ngưỡng cửa mới, khép lại chương cũ bằng việc công khai. Bây giờ sẽ là bộ vấn đề mới, những lo âu mới. Công việc, sức khỏe, nhà cửa, mọi thứ! Làm việc gì bây giờ? Công việc ra sao? Có gì mới hay tiếp tục việc cũ? Chỉ là tôi khép chương cũ của mình lại, một chương nhiều biến động, gay cấn, biết bao câu chuyện hay để kể - và đó là điều tôi cảm thấy trọn vẹn nhất! Qua năm mới, thôi từ từ rồi tính! 

Nói câu chuyện lớn một chút. Dạo gần đây, tôi hay thấy những luồng tranh luận về những người đang đấu tranh vì quyền lợi cho cộng đồng LGBT. Người ta bảo: "Tại sao không ứng xử như bình thường đi mà cứ đòi quyền lợi…" 

Sẽ luôn có 2 luồng tư tưởng như vậy. Tôi vẫn nghĩ, ngay cả khi muốn có một cuộc sống bình thường thì ta phải hiểu sự bất công mình đang có. Thế nào là bình thường? Ta muốn gì trong cái bình thường đó? Muốn nó rồi thì phải nỗ lực. Có người chọn cách dữ dội, có người lại chọn lối nhẹ nhàng, có người đấu tranh cho tất thảy, có người lại muốn giản đơn vun vén cho cuộc sống riêng mình. Tôi tôn trọng mọi tư tưởng, miễn sao ta đừng dẫm chân nhau, đừng tấn công nhau.

Hiện có nhiều ý kiến cho rằng: "Sao dạo này nhiều LGBT thế?". Phải chăng mọi người vẫn luôn như thế từ trước đến nay, chỉ là đến bây giờ các bạn mới được tiếp thêm sức mạnh để sống đúng với những gì của chính mình?

Đúng rồi. Phải cảm thấy được an toàn thì người ta mới dám bước ra ánh sáng và nói về bản thân mình. May mắn rằng chúng ta đang sống trong thời điểm mà mọi thứ bắt đầu dịch chuyển rất nhanh, mọi người cảm thấy an toàn hơn trong việc được là chính họ. Thế hệ trước, họ không có được sự may mắn và hậu thuẫn của xã hội và gia đình, không có tự chủ tài chính, cũng không có tình yêu của ai đó để cảm thấy được chở che, vậy nên họ phải tập để sống một cuộc đời an toàn. Bây giờ, ta biết rằng quanh ta, lúc này, cả ta và những người trẻ hơn ta nữa, sẽ được thoải mái sống và chia sẻ con người thật của mình với người thân và gia đình hơn. 

Tôi cũng rất mong rằng dù các bạn công khai hay chia sẻ về bất cứ chuyện gì của bản thân, không nhất thiết là vấn đề giới tính mà có thể là sức khỏe tinh thần, các bạn có thể nhận được sự yêu thương và cởi mở của những người thân. Tôi có được sự may mắn đó trong đời, và tôi thấy nó quá tuyệt vời, tôi không muốn giữ nó cho riêng mình mà muốn ai cũng được cảm nhận điều đó. 

“Mẹ ơi, thật ra con thích con trai” - Ảnh 8.

Câu hỏi cuối cùng nhé: Đến thời điểm này, Nam còn điều gì hối tiếc khi chưa nói là chưa làm được không?

Chưa làm tức là tương lai còn có thể làm. Vậy thì hãy khoan hối tiếc. 

Còn chuyện hối tiếc về những chuyện đã làm thì tôi… không dám hối tiếc. Tôi từng gặp vấn đề rất lớn về sức khỏe và đã từng tiếc rằng tại sao mình không giữ gìn sức khỏe tốt hơn. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, sự hối tiếc đó chỉ khiến cảm giác của tôi nặng nề hơn rất nhiều. Cần sớm vượt qua giai đoạn nuối tiếc và tìm phương án xử lý, đối diện với vấn đề. Hóa ra, trong lúc mình tiếc nuối cái cũ thì mình cũng đã quen với cái mới rồi. 

Cảm ơn Nam về buổi trò chuyện này và chúc bạn sẽ luôn gặp thành công trong cuộc sống! 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm