Chống phân biệt đối xử, kỳ thị với cộng đồng LGBT

Nhu Thụy (Tổng hợp)
17/05/2021 - 11:59
Chống phân biệt đối xử, kỳ thị với cộng đồng LGBT

Tuần hành chống phân biệt đối xử cộng đồng LGBT trong môi trường làm việc ở Mỹ

Ngày 17/5 hàng năm là ngày thế giới lên tiếng chống lại nạn kỳ thị và phân biệt đối xử với người thuộc cộng đồng song tính, đồng tính và chuyển giới (LGBT).
Quyền LGBT được công nhận

24.000 cá nhân và các tổ chức về LGBT lớn như Hiệp hội đồng tính nữ và đồng tính nữ quốc tế ILGA, Ủy ban Nhân quyền Đồng tính và Đồng tính Quốc tế (IGLHRC), Hội nghị Thế giới của những người Do Thái LGBT và Liên minh Đồng tính nữ châu Phi đã nỗ lực đấu tranh không ngừng. Đến năm 2004, ngày 17/5 mới chính thức trở thành Ngày Quốc tế chống kỳ thị, phân biệt đối xử với cộng đồng LGBT (IDAHOBIT) được Liên hợp quốc thông qua.

Chống phân biệt đối xử, kỳ thị với cộng đồng LGBT - Ảnh 1.

Phong trào ủng hộ cộng đồng LGBT ở Iceland

Ngày IDAHOBIT đã được chính thức công nhận tại nhiều nước nước như Canada, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Bỉ, Anh, Mexico, Costa Rica, Croatia, Hà Lan, Pháp, Luxembourg, Venezuela và Liên minh châu Âu EU... Ủy ban IDAHOBIT được hình thành ở nhiều nước để tổ chức các hoạt động hưởng ứng sự kiện này. Mục đích chính của ngày IDAHOT là nhằm giúp nâng cao nhận thức của xã hội về nạn bạo lực, kỳ thị, phân biệt đối xử với cộng đồng LGBT trên phạm vi toàn cầu. Từ đó sẽ làm thay đổi cách nhìn của xã hội và tác động đến các nhà hoạch định chính sách. Trong ngày 17/5, có rất nhiều hoạt động hưởng ứng đa dạng, phù hợp với văn hóa của từng quốc gia: Diễu hành, đường phố quy mô lớn, tuần hành và lễ hội, liên hoan nghệ thuật, hội thảo hay các cuộc thi tài năng với tinh thần sôi động và vui vẻ.

Quyền LGBT thế giới đang có nhiều thay đổi. Những màu sắc xuất hiện trên bức tranh toàn cảnh đó, dẫu sáng hay tối, đều là động lực để chúng ta tiếp tục đấu tranh, hướng tới sự bình đẳng. Cuộc chiến nhân danh quyền bình đẳng chưa bao giờ dễ dàng, song những tiến bộ vẫn đang được thực thi khắp nơi, từng bước nhỏ làm nên thay đổi lớn.

Năm 1996, Nam Phi trở thành nước đầu tiên trên thế giới cho khuynh hướng tính dục của công dân là một phạm trù được hiến pháp bảo vệ. 10 năm sau, Nam Phi tiếp tục là quốc gia châu Phi đầu tiên (và duy nhất cho đến nay) hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Năm 2003, Nghị viện Nam Phi đã thông qua "Đạo luật thay đổi mô tả và tình trạng giới tính", cho phép người dân thay đổi giới tính hợp pháp của họ với những điều kiện nhất định, bao gồm bằng chứng phẫu thuật.

Khu vực tiến bộ nhất thế giới

Châu Âu là một trong những khu vực tiến bộ nhất trên thế giới, đặc biệt là khi nói đến quyền và sự bình đẳng của người LGBT. Đan Mạch là quốc gia đầu tiên trên thế giới thực sự công nhận hợp pháp các cặp đồng giới trong quan hệ đối tác dân sự vào năm 1989. Thế nhưng, đến năm 2012 thì nước này mới hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Đan Mạch luôn là một trong những quốc gia cởi mở và tiến bộ nhất. Thủ đô Copenhagen có một sự kiện tự hào hàng năm, đây là ngôi nhà của quán bar đồng tính công khai lâu đời nhất – Centralhjornet. Quảng trường liền kề với City Hall Tower được đặt tên là ‘Quảng trường Cầu vồng’ để công nhận quyền bình đẳng.

Chống phân biệt đối xử, kỳ thị với cộng đồng LGBT - Ảnh 2.

Tuần hành ủng hộ người chuyển giới ở Mỹ

Còn Iceland hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới vào năm 2010. Các cặp đôi đồng tính có quyền nhận con nuôi và tiếp cận với thụ tinh trong ống nghiệm tương đương với các cặp vợ chồng dị tính. Luật chống phân biệt đối xử của Iceland liệt kê khuynh hướng tính dục và bản dạng giới là các phạm trù được pháp luật bảo vệ, giúp cộng đồng LGBT không phải chịu thiệt thòi khi tìm việc làm, mua bán hàng hóa, dịch vụ và được bảo vệ trước thù ghét và quấy rối.

Năm 2014, Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã đóng mộc hoàng gia, phê chuẩn dự luật cho phép hôn nhân đồng giới tại Anh và Wales, biến hai lãnh thổ này trở thành những nước đầu tiên trong vương quốc Anh được thông qua bình đẳng hôn nhân.

Ngoài châu Âu, sự chấp nhận của Chính phủ Argentina với cộng đồng LGBT cao nhất nhì trong các nước phương Tây, thậm chí cao hơn cả Mỹ. Năm 2010, Argentina trở thành quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latinh và thứ 10 trên thế giới hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Năm 2012, Argentina là nước đầu tiên thông qua Luật Bản dạng giới, cho phép người chuyển giới thay đổi giới tính hợp pháp của họ với thủ tục hành chính đơn giản. Năm 2015, Argentina chấm dứt lệnh cấm người lưỡng tính và đồng tính nam hiến máu – điều mà Mỹ và nhiều quốc gia khác đến nay vẫn chưa làm được.

Mới đây, ngày 10/5, Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã thông báo cải thiện những biện pháp bảo vệ cộng đồng LGBT ở Mỹ. Văn phòng Phụ trách Nhân quyền (OCR) thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) sẽ ra lệnh cấm phân biệt giới tính trong y tế, áp dụng cho các trường hợp phân biệt đối xử vì xu hướng tình dục hoặc bản dạng giới. Điều này được xem là nỗ lực khôi phục một phần Đạo luật Bảo vệ Bệnh nhân và Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (Obamacare) và cũng là một phần nỗ lực của Tổng thống Biden trong việc thúc đẩy các quyền lợi cho cộng đồng LGBT. Dựa trên các chính sách mới, OCR sẽ điều chỉnh định nghĩa về giới tính khi giải quyết các đơn khiếu nại và điều tra. Các bệnh viện và các nhà cung cấp dịch vụ y tế sẽ có nguy cơ chịu án phạt nếu kết quả điều tra cho thấy họ có dấu hiệu phân biệt đối xử về bản dạng giới hay xu hướng tình dục. Trước đó, ngày 25/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đảo ngược lệnh cấm gây tranh cãi của người tiền nhiệm - Tổng thống Donald Trump, vốn cấm người chuyển giới nhập ngũ. Tổng thống Biden tin rằng giới tính không nên là rào cản đối với nghĩa vụ quân sự và rằng sức mạnh của nước Mỹ được tìm thấy bên trong sự đa dạng của quốc gia.

Năm 2019, Đài Loan (Trung Quốc) hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới và Ấn Độ phi hình sự hóa quan hệ đồng tính. Cùng năm đó, Hong Kong (Trung Quốc) đã trao cho một cặp nam công chức quyền hôn nhân và lợi ích thuế.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm