Câu đố tiếng Việt: Tại sao lại có từ “Trả đũa”?

Hiểu Đan
17/03/2023 - 22:16
Trả đũa vốn có ý nghĩa sâu xa gì hay chỉ là biến âm của một chữ khác?

Trong cuộc sống, hẳn bạn đã nghe hoặc từng dùng từ ""trả đũa"". Từ điển định nghĩa, ""trả đũa"" là một động từ chỉ hành động chống trả lại một cách đích đáng cho hả nỗi tức giận khi người khác làm điều không hay với mình. 

Vậy "trả đũa" có nghĩa là gì? Thực tế, có nhiều tranh luận quanh hai chữ này. Một số người cho rằng "trả đũa" là biến âm của "trở đũa". Luồng ý kiến khác lại giải thích, khi nhận được điều tệ bạc của ai đó như nhận chiếc đũa, mà đũa thường có đôi nên phải "trả" thêm một chiếc đũa nữa, gọi là "trả đũa". 

Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng, "trả đũa" thật ra là biến âm của "trả nủa". Về từ "nủa", theo Hội khai trí Tiến Đức, "nủa" nghĩa "thù oán". Còn Đại Nam Quốc Âm tự vị ghi nhận "nủa" vốn được viết bằng chữ 怒 mà âm Hán Việt hiện hành là "nộ", chính là "nộ" trong "thịnh nộ", "phẫn nộ".

Tại sao khi nói đến hành động đáp lại những điều không hay, người ta lại dùng TRẢ ĐŨA? Sự thật bất ngờ phía sau - Ảnh 1.

"Trả đũa" là một động từ chỉ hành động chống trả lại một cách đích đáng cho hả nỗi tức giận khi người khác làm điều không hay với mình.

Trong Từ điển - Lê Văn Đức, "trả nủa" được giải thích là: Làm cho lại gan, cho hả lòng căm tức, hay một số từ điển khác cũng có ghi chép như sau:

Làm nhục người đã làm nhục mình (Từ điển - Nguyễn Lân); Làm nhục lại người đã làm nhục mình (Từ điển - Việt Tân); Làm cho người khó chịu, cực khổ để bù lại cái người ta đã làm cực khổ mình (Từ điển - Thanh Nghị); Làm nhục người ta để trừ lại điều người ta làm nhục mình (Từ điển - Khai Trí)...

Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ biên ghi nhận cả "trả đũa" và "trả nủa". Trong đó, khi tra "trả nủa" thì được hướng dẫn: xem "trả đũa". Như vậy, "trả nủa" và "trả đũa" vốn là một.

Về việc từ "trả nủa" thành "trả đũa", nhiều ý kiến cho rằng đây là hiện tượng từ ngữ biến đổi theo thời gian, dần dần nhiều người sử dụng và chấp nhận nó thành một từ đúng trong tiếng Việt. Ta dễ thấy trong Tiếng Việt, có sự tương quan giữa "n" và "đ" rất rõ rệt, chẳng hạn như các cặp từ "nớ" - "đó"; "ni", "này" và "đây",...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm