pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cây bút nữ 9X tự tin với dòng văn học kinh dị
Cây bút 9X Thảo Trang
Lựa chọn văn học kinh dị để phát triển sự nghiệp, cây bút 9X này được đánh giá mang đến làn gió mới, táo bạo trong làng văn. PNVN đã có cuộc trò chuyện với Thảo Trang.
Hướng đến giá trị chứ không đơn thuần giải trí
+ Cơ duyên nào đưa Thảo Trang đến với dòng sách kinh dị?
Trẻ nhỏ ở thôn quê không ai là không biết ông Ngáo ộp, ông Ba bị, thuồng luồng... Sợ hãi là một cảm xúc tự nhiên của con người. Từ nhỏ, tôi được nghe những truyện yêu ma quỷ quái nhưng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một người sáng tạo nên những câu chuyện như thế.
Một ngày nọ, tôi nhận ra tâm trí mình ngày càng khô khan, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến KPI với những con số. Thế là viết! Càng viết tôi càng thấy ý tứ, chữ nghĩa tuôn chảy, hệt như một dòng suối được khơi thông. Viết truyện kinh dị làm tôi mơ về một vùng kỷ niệm thuở nhỏ, sống giữa không khí cũ và chạm được đến cái tâm thức Việt trong lòng tôi, giữa cuộc sống hiện đại đầy đồ dùng công nghệ và thức ăn nhanh. Khi đăng tải lên mạng, tôi được nhiều độc giả động viên viết tiếp cho đến bây giờ.
Tôi ý thức được giữa "truyện ma" và "văn học kinh dị" có một khoảng cách. Tôi tiến tới việc viết ra những tác phẩm không đơn thuần là giải trí, mà trước hết nó phải là những tác phẩm có giá trị, ít nhất là theo mong muốn và quan điểm của tôi.
+ Có độc giả cho rằng giọng văn của bạn gần gũi, giản dị, tạo cho họ cảm giác được về quê nghe lời kể của bà ngoại. Dường như bạn cố ý lựa chọn phong cách thuần Việt trong lối viết?
Giống như bao đứa trẻ khác trên mọi miền Tổ quốc, tôi lớn lên bằng những câu chuyện dân gian do bà, do mẹ kể lại. Chính điều ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn mình và nhiều người khác. Tôi muốn những trang sách do mình viết ra thấm đượm văn hóa truyền thống Việt. Hy vọng điều này sẽ có thể làm lay động trái tim độc giả.
Tin độc giả Việt yêu sách, tôn trọng sách
+ Với "Tết ở làng Địa Ngục", phiên bản đã phát hành qua mạng khác gì với sách giấy? Bạn có ngại việc độc giả trên mạng sẽ từ chối mua sách?
Không, tôi không nghĩ vậy. Khác với những thống kê nói là người Việt lười đọc, tôi luôn cho rằng độc giả Việt Nam rất tôn trọng sách, yêu sách và sẵn sàng mua sách. Phiên bản sách sẽ trau chuốt về nội dung và hình ảnh hơn phiên bản đăng tải trên mạng xã hội, điều đó là dĩ nhiên. Điểm đặc biệt ở chỗ, trong sách sẽ có một phần ngoại truyện kể về việc người gây ra quỷ sự kinh hoàng ở làng Địa Ngục đã phải chuẩn bị như thế nào, âm mưu của kẻ đó bắt đầu ra sao. Đây là điều mà bản trên mạng không có.
+ Nếu tác phẩm được chuyển thể điện ảnh, bạn hình dung sẽ thế nào?
Tôi nghĩ đó sẽ là một bộ phim kinh dị cực "nặng đô" và khung cảnh trong phim sẽ khiến người xem ngạc nhiên vì quê hương Việt Nam có thể đẹp đến thế. Giữa khung cảnh hoa đào, hoa mận nở rộ là bầu không khí kinh hoàng, căng thẳng. Quan trọng hơn cả là phim sẽ không có "jump scare" (hù dọa bất ngờ thường gặp trong phim kinh dị), mọi cái chết quỷ dị đều liên kết với nhau.
+ Sự đông đảo độc giả của dòng sách văn học kinh dị Việt có làm bạn bất ngờ?
Thực sự tôi rất hạnh phúc và xúc động. Nhất là khi có nhiều độc giả lớn tuổi cũng đón nhận, yêu thích "Tết ở làng Địa Ngục" và các tác phẩm khác của tôi. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thị trường sách của các tác giả trẻ tuổi. Tôi đã hoàn thành một vài truyện và đang viết một bộ mới lấy cảm hứng từ một thảm nạn có thật trong lịch sử hiện đại Việt Nam. Chắc chắn mọi người sẽ bất ngờ. Tôi cũng xin tiết lộ, cuốn tiểu thuyết thứ hai của mình sẽ ra mắt trong năm nay. Thực tế, nhiều bản thảo của tôi đã được phát hành qua mạng. Để in thành sách, tôi tiến hành chỉnh sửa và dồn thêm năng lượng để ấn phẩm được ra đời chỉn chu hơn.
+ Xin cảm ơn Thảo Trang!