pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cha mẹ buông tay để con vững vàng tự lập
Ảnh minh họa
Cô con gái thứ hai của chị Nguyễn Thu Hà (ở Hà Nội) tính tình nhút nhát, sống nội tâm, ít khi nói chuyện với mọi người, kể cả mẹ và chị gái. Giao tiếp nhiều nhất của cô bé là trên các hội nhóm của thần tượng mà con thích. Sự khép kín đó khiến vợ chồng chị và con gái lớn luôn dành sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt cho cô bé.
Ngay từ khi học mẫu giáo, cô bé đã được học trường tư, đảm bảo số lượng học sinh dưới 20 em, cô giáo luôn quan tâm đến từng cháu một cách cụ thể. Ở cấp học phổ thông, cô bé cũng học trường tư. Mặc dù trường nào cũng có xe đưa đón học sinh nhưng lo con không tự chăm sóc mình trên đường đến trường nên bố đảm nhiệm việc đưa đón con. Việc làm bài tập về nhà của cô bé luôn có chị gái kiểm tra, hướng dẫn cẩn thận. Thậm chí, khi cô bé soạn sách vở xong rồi, cô chị vẫn lặng lẽ kiểm tra lại. Có lần cô bé cãi nhau với bạn, cả mẹ và chị đều muốn lấy số điện thoại để "chiến đấu" lại cô bạn đó.
Mọi việc trong nhà cũng mặc định là cô bé được ưu tiên. Hai việc cô bé được phân công làm là gấp quần áo và rửa bát. Cô bé khảnh ăn nên cả nhà ăn theo những món mà cô bé thích. Có lẽ vậy mà tuổi thơ và những năm cắp sách đến trường của cô bé trôi qua khá nhẹ nhàng. Ngày con gái út chọn trường đại học như có một cơn địa chấn ở nhà chị Hà. Cô bé quyết định nộp đơn vào một trường ở TPHCM để học về công nghệ chế biến thực phẩm. Chị Hà khóc suốt vì lo lắng cho con. Nhưng cô bé lại nhất định chỉ học ngành đó, trường đó. Ngày con nhận giấy báo nhập trường, cô bé vui bao nhiêu thì bố mẹ căng thẳng bấy nhiêu.
Phải 3 tháng sau con mới nhập học mà vợ chồng chị Hà đã nhờ bạn bè trong TPHCM đi tìm nhà gần trường, tiện chợ, tiện siêu thị, tiện quán trà sữa và tiện cả phòng tập. Và để giữ phòng, vợ chồng chị chấp nhận thuê trước khi con gái nhập học 1 tháng. Chuẩn bị cho cuộc sống xa nhà của cô bé, chị Hà và con gái lớn đã soạn ra danh sách dài dằng dặc, từ số điện thoại taxi, grab đến quán ngon, số điện thoại của người thân có thể hỗ trợ khi cần… Rất may có con 1 người bạn cũng trúng tuyển trường này, có bạn trọ cùng, vợ chồng chị Hà cũng tạm yên tâm.
Mặc dù cả nhà cập nhật tình hình "người học xa nhà" thường xuyên qua video call nhưng vì muốn biết thực tế con sống thế nào, chị Hà vào thăm con sau khi con nhập học 1 tháng. Cô con gái bé bỏng ấy đã biết lo cho mình 3 bữa ăn chu đáo, đủ chất. Người bạn ở chung ăn chay nên con bé chủ động nấu một mình. Phòng ngủ kiêm phòng học nên con gấp chăn màn gọn gàng. Quần áo được treo ngay ngắn trong tủ, ngay cả đồ sử dụng tiếp cũng được treo ngay ngắn sau cửa ra vào. Hai bạn đã phân công nhau lau dọn nhà cửa 2 ngày/lần. Cứ 3 ngày, 2 đứa sẽ gom đồ mang ra hiệu giặt sấy vì trong nhà không có chỗ dành cho giặt và phơi đồ.
Sau 1 tháng đi học và làm quen với nơi ở mới, cô bé đã xin làm phục vụ bàn 2 tiếng mỗi ngày trong căng-tin của trường. Cô bé đã quen được 5-6 bạn không học cùng lớp, điều từ trước đến nay chưa bao giờ xảy ra. Đáng ngạc nhiên hơn, sau 1 tháng ở trọ thấy một số bất tiện, cô bé biết cùng bạn đi tìm phòng trọ mới và dự định sẽ chuyển trong thời gian nghỉ học trước Tết để không ảnh hưởng đến học hành. Cả nhà vừa đón cô bé trở về nhà nghỉ Tết. Đón cô bé ngoài sân bay rất muộn mà ai cũng phấn khởi vì lý do cô bé chọn đi chuyến muộn không phải chỉ tiết kiệm mà để lúc di chuyển ra sân bay, mọi người đi đón không bị tắc đường!
Nếu không dũng cảm buông tay con, làm sao vợ chồng chị Hà hình dung ra con mình có thể thích nghi với cuộc sống xa nhà một cách vững vàng như thế.