Cha mẹ cần làm gì để kéo con về nhà?

K.Minh
21/04/2021 - 16:43
Cha mẹ cần làm gì để kéo con về nhà?
Mới đây, một người mẹ đã nhắn trên diễn đàn giáo dục để nhờ tìm con. Người mẹ này cho biết, buổi sáng, cô con gái học lớp 10 của mình mặc đồng phục, đi xe nhưng không đến trường và 2 hôm rồi chưa về nhà. Những bài đăng nhờ tìm con như vậy hiện nay không hiếm trong các hội nhóm cha mẹ trên mạng xã hội.

Nguyên nhân khiến các con bỏ nhà đi rất nhiều, trong đó có việc giận bố mẹ, vì sợ bố mẹ đánh chửi, vì chán chường khi bố mẹ xảy ra mâu thuẫn, vì cha mẹ thiếu quan tâm, thậm chí được quan tâm quá mức khiến trẻ cảm thấy mất tự do... Trong trường hợp của người mẹ nêu trên, lý do khiến con bỏ đi được cho là vì giận dỗi cha mẹ.

Theo TS. Lê Nguyên Phương, tác giả cuốn sách "Dạy con trong hoang mang", hành động bỏ nhà đi thường xảy ra ở trẻ tuổi vị thành niên. Vì ở lứa tuổi này nhận thức của trẻ chưa phát triển đầy đủ để có thể cân nhắc các hậu quả của hành vi. "Hành động bỏ nhà đi ở trẻ vị thành niên là ý muốn giành lại quyền làm chủ cuộc đời của mình. Trẻ có thể cho rằng cha mẹ là nguyên nhân của tất cả những khó khăn trong cuộc sống của mình. Những yêu cầu của cha mẹ là áp lực không thể chịu đựng được. Trong một số trường hợp, trẻ muốn chứng tỏ sự trưởng thành và tự lập của mình. Trong nhiều trường hợp khác, chúng chạy trốn tình trạng cha mẹ ly dị, bạo hành, xâm hại, kỳ thị giới tính, cùng các khủng hoảng tại trường học".

Phía sau hành động bỏ nhà đi vì giận cha mẹ - Ảnh 1.

Việc nhiều cha mẹ không kiềm chế được cơn tức giận dẫn đến chửi bới, đánh đập con khiến con chán nản và phản ứng bằng việc bỏ nhà đi. Ảnh minh hoạ

Một trong những nguyên nhân thường thấy của việc trẻ bỏ nhà đi là giận cha mẹ. Bà Nguyễn Thị Minh Đăng, chuyên gia về trí tuệ cảm xúc tại TP.HCM, cho biết, nhiều cha mẹ thường chọn cách mắng chửi để dạy con khiến trẻ cảm thấy không được tôn trọng, dẫn đến ấm ức. Việc trẻ phản kháng bằng cách bỏ nhà đi là để muốn cha mẹ thay đổi, không la mắng nữa. Cha mẹ phải ứng xử theo cách "trách nhiệm và tôn trọng song hành" và cũng nên trau dồi trí tuệ cảm xúc của bản thân để kiểm soát suy nghĩ, hành vi ứng xử với con cái.

Tiến sĩ tâm lý Lê Minh Công, giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng, trong các tình huống con mắc lỗi, cha mẹ nên hạn chế mắng chửi con. Bởi, khi trẻ có hành vi không đúng, có thể trẻ đang rơi vào một "trải nghiệm đau khổ" hoặc trẻ đang gặp khó khăn nào đó. Do đó, cha mẹ cần có kỹ năng lắng nghe và thấu hiểu khó khăn của trẻ, giúp trẻ vượt qua những sai lầm của cuộc sống và đừng làm trẻ đánh mất niềm tin vào bản thân mình.

Phía sau hành động bỏ nhà đi vì giận cha mẹ - Ảnh 2.

Bố mẹ xảy ra mâu thuẫn, vì cha mẹ thiếu quan tâm, giận cha mẹ thậm chí được quan tâm quá mức khiến trẻ cảm thấy mất tự do... Ảnh minh hoạ

Việc nhiều cha mẹ không kiềm chế được cơn tức giận dẫn đến chửi bới, đánh đập con khiến con chán nản và phản ứng bằng việc bỏ nhà đi. Theo nhà giáo Đặng Thị Lệ Thủy, Giám đốc trung tâm Bồi dưỡng Kỹ năng sống Smile’s House (Hà Nội), cha mẹ cần học cách kiềm chế và nhẫn nại với con. "Khi cảm thấy cơn giận sắp bùng lên, hãy cố gắng làm mình dịu lại, có thể bằng cách lấy và nhấp vài ngụm nước lạnh, chạy tới một nơi thật thoáng đãng và hít thở thật sâu. Cha mẹ cũng đừng quên lưu vài bản nhạc sâu lắng trong điện thoại để có thể bật lên bất cứ lúc nào cần thư giãn... Hãy làm chủ bản thân trước mới mong có thể nói chuyện với con hiệu quả".

Theo nhà giáo Lệ Thuỷ, nếu lỡ có phản ứng quá mức, phụ huynh cũng nên xin lỗi trẻ. Cha mẹ hãy nói và cư xử với con cái bằng sự tôn trọng, cho trẻ thấy cha mẹ khiêm tốn và cũng ân hận về việc nóng nảy của mình. Điều này sẽ cho con một tấm gương tốt và cũng dập tắt một phần "ngọn lửa" giận dữ trong trẻ. Đặc biệt, cha mẹ hãy tha thứ sai lầm cho con và không nhắc lại sai lầm đó mỗi khi giận dữ. Dù trong bất kỳ tình huống nào, cần khẳng định, gia đình luôn dành cho con một tình yêu vô điều kiện.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm