pnvnonline@phunuvietnam.vn
Để con tuổi teen mở lòng nói chuyện với bố mẹ
Ảnh minh họa: BusinessMirror
Theo TS Vũ Thu Hương, lý do bố mẹ khó nói chuyện với con thì rất nhiều và đến từ hai phía. Bố mẹ cho rằng con nói năng khó nghe. Con nói lời nào cũng như chọc vào tai, chưa kể thỉnh thoảng còn thiếu lễ độ, thiếu chủ vị, thiếu thưa gửi, thiếu ạ. Con thì suy nghĩ bố mẹ chẳng hiểu gì về mình. Bố mẹ chỉ đòi hỏi, quát nạt, mắng mỏ, chỉnh đốn. Bố mẹ luôn coi con là đứa trẻ tệ hại, luôn so sánh con với người khác, luôn tò mò việc của con…
Để gần gũi, nói chuyện với con tuổi teen, bố mẹ và con cần mở lòng để có thể thực sự giao tiếp bằng trái tim. Muốn như vậy, bố mẹ cần gỡ bỏ cái mác "Tao là bố/mẹ mày". Bố mẹ đừng nói chuyện với con bằng mối quan hệ: Tao là bố/mẹ mày, mà hãy ngồi xuống làm bạn thực sự với con. Tâm sự với con để con hiểu tình yêu của bố mẹ dành cho con lớn đến chừng nào, kể cho con nghe những câu chuyện bố mẹ đã làm khi bằng tuổi con… Có như vậy, con mới tin tưởng kể về chuyện học hành, tình cảm, những lo lắng, suy tư. Thông qua đó, bố mẹ có thể đưa ra những lời khuyên chân thành, giúp con giải quyết những khúc mắc.
Nhiều lúc con tuổi teen cãi bố mẹ, có những hành động thiếu suy nghĩ làm bố mẹ "tăng xông", tức giận. Những lúc này, bố mẹ nên ngưng cuộc nói chuyện với con chứ không nên chửi bới, quát mắng. Chỉ vài lần bị bố mẹ mắng chửi, con sẽ thu mình vào và không muốn giao tiếp với bố mẹ. Khi nói chuyện với con, có một nguyên tắc "bất di bất dịch" là bố mẹ tuyệt đối không thể nói "ngoa" .
Làm được vậy, bố mẹ cần giữ bình tĩnh bằng cách đi uống cốc nước, đi tắm để "hạ hỏa". Sau đó, bố mẹ mới ngồi nói chuyện với con đàng hoàng. Bố mẹ phải giữ âm lượng vừa phải để không tạo căng thẳng trong cuộc nói chuyện. Tuy nhiên, mỗi câu nói phải thật chuẩn, lý lẽ sắc bén để con không thể cãi. Sau đó, bố mẹ có thể ra lệnh cấm hoặc yêu cầu bắt buộc thi hành dù con muốn hay không. Bố mẹ cũng cần khẳng định với con, mặc dù có tức giận con đến thế nào nhưng bố mẹ vẫn yêu con.
Điều khá quan trọng mà không nhiều bố mẹ làm được là phải đặt mình ở vị trí của con để suy nghĩ. Khi đặt mình vào vị trí của con, bố mẹ sẽ thông cảm cho những việc làm của con, con sẽ dần dần bị thuyết phục bởi bố mẹ. Còn nếu bố mẹ cứ nghĩ con tồi tệ và xỉ vả con thì con sẽ càng trở nên bướng bỉnh, có thái độ chống đối lại bố mẹ.
Sự chống đối của con cái ở tuổi vị thành niên đối với bố mẹ xuất phát từ tâm lý cảm thấy bố mẹ không hiểu mình, xem mình là trẻ con, kiểm soát và ngăn cấm mình nhiều mặt theo cái nhìn chủ quan của người lớn. Nếu bố mẹ biết dành nhiều thời gian cho con, tôn trọng suy nghĩ, cảm xúc của con thì khoảng cách thế hệ giữa cha mẹ và con cái khi ấy không còn là vấn đề gì lớn.
Đặc biệt, bố mẹ không nên đòi hỏi và yêu cầu con tuổi teen quá nhiều. Bởi khi đòi hỏi quá sức của con, con sẽ phản đối bằng cách làm kém hơn khả năng của con. Khi đó, kết quả còn tệ hơn ban đầu. Bố mẹ cũng đừng quá áp đặt, yêu cầu, đòi hỏi con nhiều về việc học mà hãy yêu cầu con học tập trung và khoa học. Bố mẹ cần dạy con phân phối thời gian học, cùng con lập thời gian biểu giữa việc học bài, làm việc nhà với việc vui chơi, giải trí để con luôn hứng khởi và thích thú với việc học.