Trên một diễn đàn của những đứa trẻ tuổi teen, nhiều tâm sự gửi đến cha mẹ về áp lực học tập, về những kỳ vọng mà bố mẹ đặt vào con cái khiến chúng vô cùng mệt mỏi. “Con biết là ba mẹ đặt nhiều kì vọng vào con, cái gì cũng dồn hết cho con nhưng ba mẹ đâu biết điều đó càng làm con cảm thấy áp lực hơn. Con không giỏi, không thông minh bằng người khác nhưng không có nghĩa là con ngừng cố gắng. Ba nói là chuyện gì của con ba đều nắm giữ trong lòng bàn tay, con làm gì ba cũng biết, nhưng ba có biết những áp lực mà con phải chịu đựng không?
Ngày nào con cũng nghĩ phải làm sao để mình giỏi như người khác, thông minh, học hành điểm cao, không thua kém người khác để một ngày nào đó ba mẹ có thể tự hào về con. Con đã cố gắng lắm rồi nhưng con thấy bất lực rồi! Nhiều lúc con nghĩ rằng, cuộc sống sao mà mệt mỏi quá, phải chi mình không được sinh ra thì tốt hơn! Con muốn ngay bây giờ biến khỏi thế giới này!”.
10X khác năm nay thi vào 10 nên áp lực học tập không nhỏ. Đặc biệt, em cảm thấy vô cùng mỏi mệt khi bị bố quản lý từng li từng tí, mắng chửi khi em bị điểm kém, chì chiết khi em quên đi học thêm và đặc biệt cấm em chơi với bạn. Bị kiểm soát gần như tuyệt đối khiến em cảm thấy áp lực vượt quá giới hạn của mình. Học nhiều, không được gặp gỡ bạn bè để xả stress, không được giải trí, em rơi vào trầm cảm. Em gửi tâm sự đến bố mẹ: “Áp lực từ gia đình, bạn bè, nhà trường khiến con không thể chịu đựng thêm nữa! Con không biết bố mẹ có thể đọc được những dòng này hay ngày mai con còn tồn tại hay không nhưng điều quan trọng nhất con muốn nói với bố mẹ là "Con quá mệt mỏi rồi!".
Gần đây, viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận rất nhiều ca điều trị tâm lý mà bệnh nhân là các em học sinh độ tuổi từ 14 đến 17, đang đối diện với những kì thi chuyển cấp và tốt nghiệp. Nghiên cứu do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam công bố cho thấy, áp lực học tập là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ em và trẻ vị thành niên ở Việt Nam gặp các rối loạn về sức khỏe tâm thần. Các bạn trẻ luôn cảm thấy khó chịu và mệt mỏi khi đứng trước những áp lực về việc học mà bố mẹ đặt ra: Trường chuyên, lớp chọn, điểm số đứng đầu, trường đại học danh giá,… Nhiều học sinh không chịu đựng nổi đã nảy sinh những ý nghĩ dại dột.
Theo PGS.TS Đặng Hoàng Minh (Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội), nhiều trẻ đang chịu áp lực học tập từ cả gia đình và nhà trường. Mặc dù, Bộ GD&ĐT nỗ lực giảm áp lực học tập cho học sinh nhưng thực tế việc học vẫn là gánh nặng với các em. Bố mẹ kỳ vọng vào con, mong muốn con đạt được thành tích cao hơn. Nhiều trẻ học đến 11-12h đêm. Các con không có thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi. Để giúp con giải tỏa áp lực trong học tập, cha mẹ cần hiểu con mình, biết con mình mong muốn gì, cái gì mang lại hạnh phúc cho con. Nếu cha mẹ chú ý đến điều đó thì đứa con sẽ hạnh phúc hơn.
“Theo nghiên cứu trên thế giới, mỗi ngày ít nhất 15 phút, bố mẹ chơi, nói chuyện, chú ý đến con thì con sẽ giảm nguy cơ về sức khỏe tinh thần. Nếu các con bị sang chấn về tâm thần, con có dấu hiệu không ổn thì cha mẹ cần trao đổi, lắng nghe con, xem con cảm thấy thế nào. Nhiều bố mẹ coi việc đó không quan trọng. Con ốm thì bố mẹ đưa đến bác sĩ nhưng tinh thần của con có vấn đề thì bố mẹ thường không đưa đến bác sĩ tâm lý. Đôi khi, những đứa trẻ lo âu trong thời gian dài, bố mẹ chỉ nghĩ chuyện đó là bình thường ở tuổi vị thành niên nhưng có đứa trẻ trải qua được thời điểm khó khăn đó, có đứa không bước qua được và đã làm điều dại dột”, PGS.TS Đặng Hoàng Minh nhấn mạnh.