Cha mẹ còn sống, bác gái lại giành quyền nuôi cháu?

Hưng Long
22/07/2020 - 19:24
Cha mẹ còn sống, bác gái lại giành quyền nuôi cháu?

chị Hoàng Thị H.

Người cha bỏ đi đâu không rõ đã để con lại cho bác ruột nuôi, nhưng khi mẹ cháu lên xin đưa về nuôi dưỡng thì bị ngăn cản.

Theo trình bày của chị Hoàng Thị H. (sinh năm 1989), năm 2006, chị kết hôn với anh Trịnh Minh Q. (cùng ngụ Hà Nội). Chị H. và anh Q. có đăng ký kết hôn tại UBND xã Thanh Hà (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam).

Trong thời gian chung sống, hai anh chị có với nhau hai người con là cháu Trịnh Công M. (sinh năm 2007) và cháu Trịnh Thủy T. (sinh năm 2010). Trước khi lấy nhau, anh Q. không có nghề nghiệp ổn định. Năm 2013, anh Q. đi xuất khẩu lao động tại Ả Rập Thống Nhất (UAE). Đầu năm 2016, anh Q. kết thúc hợp đồng xuất khẩu lao động và trở về nhà.

Sau khi trở về được 2 tháng, anh Q. không có việc ổn định và thường xuyên tụ tập bạn bè để làm những việc không hay. Chị H. nhiều lần bị chồng bạo hành nên tạm ly thân, bỏ quê lên Hà Nội để tìm việc và sinh sống với con gái từ đó đến nay.

Lúc này, anh Q. cũng bỏ quê và mang theo con trai vào TPHCM để sinh sống. Anh Q. gửi con cho chị ruột là Trịnh Kim Y. đang công tác tại Đoàn Văn công Quân Khu 7 ở số 35 Đào Duy Anh (phường 9, quận Phú Nhuận).

Cha mẹ còn sống, bác gái được giành quyền nuôi cháu? - Ảnh 1.

Chị H. biết, con đang sống với bác ruột nên đã chủ động liên lạc để đưa cháu Trịnh Công M. về nuôi dưỡng nhưng chị Y. không đồng ý. Chị Y. tìm mọi cách để cấm đoán và ngăn không cho chị H. gặp con.

Ngày 15/7, chị H. đến nơi làm việc của chị Y. thì tình cờ thấy con đang ở nhà ăn của Quân Khu 7. Hai mẹ con ôm nhau mừng rớt nước mắt. Ngày 16/7, chị H. đã có đơn gửi đến Cấp ủy Ban Chỉ huy Đoàn Văn công Quân Khu 7 về sự việc trên. Lãnh đạo Đoàn Văn công Quân Khu 7 nhiều lần hứa sẽ giải quyết dứt điểm, nhưng câu chuyện giành quyền nuôi cháu Trịnh Công M. vẫn chưa có hồi kết.

Ngày 22/7, Phóng viên Báo PNVN đã có mặt tại Đoàn Văn công Quân Khu 7 và được xác nhận có cháu Trịnh Công M. đang sinh sống tại đây. Hiện, cháu M. đang được bác nuôi dưỡng và cho đi học tại một ngôi trường THCS trên địa bàn quận Phú Nhuận.

Báo Phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Bộ Luật Dân sự 2015 quy định tại Điều 46, Điều 47, Điều 52 về Giám hộ như sau:

Điều 46. Giám hộ

1. Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này (sau đây gọi chung là người giám hộ) để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (sau đây gọi chung là người được giám hộ).

2. Trường hợp giám hộ cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải được sự đồng ý của người đó nếu họ có năng lực thể hiện ý chí của mình tại thời điểm yêu cầu.

3. Việc giám hộ phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

Người giám hộ đương nhiên mà không đăng ký việc giám hộ thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của người giám hộ.

Điều 47. Người được giám hộ

1. Người được giám hộ bao gồm:

a) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ;

b) Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ;

c) Người mất năng lực hành vi dân sự;

d) Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

2. Một người chỉ có thể được một người giám hộ, trừ trường hợp cha, mẹ cùng giám hộ cho con hoặc ông, bà cùng giám hộ cho cháu.

Điều 52: Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên

Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 47 của Bộ luật này được xác định theo thứ tự sau đây:

1. Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ.

2. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 Điều này thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ.

3. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.

2. Một người chỉ có thể được một người giám hộ, trừ trường hợp cha, mẹ cùng giám hộ cho con hoặc ông, bà cùng giám hộ cho cháu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm