pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cha mẹ nên làm gì khi vô tình "đẩy con ra xa"?

Trong hành trình phát triển, trẻ rất cần sự đồng hành, yêu thương của cha mẹ. Ảnh minh họa
Cô đơn ngay trong ngôi nhà của mình
"Mày thì làm được cái gì nên hồn!"- đó là câu mà Viết Khánh, cậu bé 15 tuổi, nghe nhiều đến mức thuộc nằm lòng từ khi còn học tiểu học. Bố Khánh là người nghiêm khắc, luôn muốn con trai trở thành một người "biết nghe lời" và "không được làm bố mất mặt". Nhưng thay vì trò chuyện hay động viên, ông chỉ biết dùng lời quát tháo, chê bai để dạy con.
Khánh từng là cậu bé hoạt bát, thích hát, mê vẽ, hay bày trò với bạn bè. Nhưng những sở thích ấy đều bị bố cậu cho là "vớ vẩn, tào lao, phí thời gian". Mỗi lần Khánh vui vẻ khoe với bố bức tranh mới hay tờ giấy khen ở trường, ông đều gạt đi: Có cái giải còi cũng khoe. Bao giờ được giải toàn quốc thì hãy nói!

Nhiều cha mẹ quen thói quát mắng, phủ nhận mọi nỗ lực của con cái. Ảnh minh họa
Cứ thế, từng lời nói phủ nhận, những ánh mắt lạnh lẽo… dần dần tạo thành một chiếc lồng vô hình nhốt chặt Khánh lại. Em thôi không kể chuyện trường lớp, không chia sẻ điều mình thích, không bày tỏ những buồn vui mỗi ngày. Mỗi khi bị mắng, Khánh chỉ biết cúi mặt, nuốt ngược nước mắt vào trong.
Khi cô giáo chủ nhiệm mời phụ huynh lên gặp vì Khánh có biểu hiện trầm lặng, ít giao tiếp và thành tích sa sút, người bố chỉ gằn giọng với con: Mày đúng là loại vô tích sự, chỉ tổ bôi tro trát trấu vào mặt tao!
Câu nói đó như giọt nước tràn ly. Tối ấy, Khánh nhốt mình trong phòng, bật khóc, lần đầu tiên cắt vào cổ tay bằng con dao gọt hoa quả của mẹ. Vết thương không sâu, nhưng nỗi đau thì nhức nhối kéo dài. Cậu bé không muốn chết, chỉ muốn cảm nhận mình còn tồn tại, còn biết đau - trong cái thế giới mà ngay cả cha mẹ cũng chẳng hề lắng nghe cậu.
Những vết sẹo trong tâm hồn trẻ
Không ít đứa trẻ cũng giống Khánh, có người bố, người mẹ chỉ biết chê bai, mắng mỏ. Những đứa trẻ lớn lên trong những ngôi nhà lạnh lẽo - nơi lời yêu thương ít hơn lời chê trách, nơi thành tích quan trọng hơn cảm xúc, và nơi con cái phải học cách im lặng để tránh bị tổn thương.
Cha mẹ vẫn nghĩ "mắng để tốt cho con", nhưng không biết rằng mỗi câu nói cay nghiệt, mỗi ánh mắt lạnh lùng ấy đều để lại vết sẹo trong tâm hồn trẻ nhỏ. Dần dà, các em mất dần tự tin, tự trọng và ý chí phấn đấu. Nhiều em sống trong trạng thái căng thẳng, lo âu, trầm cảm mà người lớn không hề hay biết - bởi chính người lớn đã vô tình dạy con "điều tốt nhất là im lặng".
Theo nhà văn Hoàng Anh Tú, khi có những bất ổn, giá như đứa trẻ có thể nói ra điều đó với cha mẹ của chúng. Một đứa trẻ nói ra được điều đó, nó là một đứa trẻ can đảm. Và quan trọng hơn, cha mẹ chúng cũng là những người làm cha, làm mẹ đáng học hỏi. Chỉ tiếc rằng, nhiều đứa trẻ không nói ra được. Là bởi, cha mẹ chúng chưa bao giờ cho chúng được nói ra. Bằng việc thường xuyên quát mắng chúng: Trẻ con thì biết cái gì? Bằng việc quy kết chúng, phán xét chúng, mắng mỏ chúng, phủ nhận hoặc tảng lờ chúng. Điều đó diễn ra từ lâu và khiến chúng nghĩ: Nói ra với cha mẹ cũng chẳng có nghĩa gì, đằng nào cha mẹ cũng có nghe đâu. Chính vì vậy, nhiều đứa trẻ chọn cách im lặng, giữ những vấn đề bất ổn trong lòng.
"Mỗi đứa trẻ đều có những bất ổn riêng. Đặc biệt là trong quá trình trưởng thành nhiều đau đớn của chúng. Những đau đớn sinh ra bởi sự so sánh và chính từ quá trình hình thành bản thể riêng của chúng. Mà chúng ta vẫn nói, tuổi mới lớn bắt đầu xây dựng cái TÔI cá nhân. Chúng muốn được ghi nhận. Chúng muốn được coi là người lớn, trưởng thành. Chúng cũng sợ bị đánh giá là trẻ trâu, là ý thức như ruồi. Thật không khác cuộc thoát kén của loài sâu bướm. Nhưng cha mẹ liệu có để tâm? Hay cha mẹ đều nghĩ ăn nhiều vào tất sẽ lớn.
Làm sao để con có thể nói với cha mẹ: "Con đang thấy con không ổn cha mẹ ơi"? Tôi nghĩ đó chính là phần thưởng cho sự đồng hành và dạy dỗ của bạn với con mình. Thành công lớn nhất mà cha mẹ có được vốn không phải kết quả học tập của con (nếu nó được đổi lại bằng rất nhiều quát mắng, ép buộc), không phải nó đạt thành tựu gì to lớn, mà đôi khi chỉ là một câu chúng nói với ta: Con thấy mình không ổn bố ạ! Phải rồi, con thấy không ổn ở đâu? Bố nghe đây! Giá như chúng nói với ta như vậy….", nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ.
Nếu muốn hàn gắn mối quan hệ khi làm con tổn thương, cha mẹ nên thử thay đổi bằng những cách sau:
Thừa nhận và xin lỗi: Khi nhận ra mình đã làm con tổn thương, cha mẹ cần thừa nhận sai lầm và xin lỗi một cách chân thành. Một lời xin lỗi từ trái tim sẽ giúp con cảm thấy được tôn trọng và yêu thương, đồng thời giảm bớt sự căng thẳng trong mối quan hệ.
Lắng nghe con cái: Cha mẹ nên tạo không gian để con có thể chia sẻ cảm xúc mà không sợ bị phán xét hay mắng mỏ. Hãy lắng nghe con một cách kiên nhẫn và không ngắt lời, để con cảm thấy mình quan trọng và có giá trị.
Dành thời gian cho con: Tạo những cơ hội để cha mẹ và con cái gần gũi nhau, làm những hoạt động chung mà cả hai cùng thích. Điều này giúp xây dựng sự gắn kết và tạo dựng niềm tin trong mối quan hệ.
Giới hạn sự chỉ trích: Thay vì chỉ trích hay mắng mỏ, hãy tập trung vào việc động viên và khuyến khích con. Những lời khen ngợi đúng lúc sẽ giúp con cảm thấy tự tin và không sợ bị tổn thương mỗi khi mắc lỗi.
Dạy con về cảm xúc: Hãy giải thích cho con hiểu rằng cảm xúc là điều bình thường và mọi người đều có những lúc cảm thấy buồn, tức giận hay thất vọng. Việc dạy con cách nhận diện và quản lý cảm xúc sẽ giúp con xử lý tình huống tốt hơn mà không bị tổn thương tâm lý.
Tạo không gian an toàn để con có thể thổ lộ: Khi con cảm thấy không an toàn khi bày tỏ cảm xúc, mối quan hệ sẽ bị căng thẳng. Cha mẹ cần tạo ra một không gian an toàn để con cảm thấy tự do chia sẻ mà không lo bị trách móc.
Chủ động sửa chữa hành vi: Nếu cha mẹ nhận ra mình có thói quen quát mắng hoặc không lắng nghe, việc chủ động thay đổi hành vi này sẽ giúp mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn. Việc thể hiện sự cải thiện này cũng giúp con hiểu rằng cha mẹ sẵn sàng thay đổi vì sự phát triển của con.
Để mối quan hệ cha mẹ - con cái luôn là nguồn động viên, yêu thương, cha mẹ cần phải duy trì sự kiên nhẫn, tôn trọng và lắng nghe, đồng thời tạo ra một môi trường nuôi dưỡng tình cảm bền vững.
Thạc sĩ, chuyên gia tâm lý Phan Lan Hương