Cha mẹ Việt ngày càng chi tiêu 'mạnh tay' cho con

27/09/2018 - 13:29
Tại Hội thảo về biến đổi gia đình Việt Nam trong mối quan hệ với biến đổi gia đình trên thế giới do Viện Hàn lâm KHXHVN tổ chức tại Hà Nội mới đây, PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng cho biết: “Các gia đình Việt đang có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho con cái như một nguồn đầu tư cho tương lai”.

Theo PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng, Viện Kinh tế Việt Nam, khi xem xét số liệu liên quan đến điều tra mức sống hộ gia đình và điều tra hộ gia đình (2017) tại 8 tỉnh/thành phố bao gồm Hà Nội, Thái Bình, Nghệ An, Hà Giang, Bình Thuận, Đắk Lắk, Bình Dương, Sóc Trăng với 1.600 phiếu bảng hỏi và phỏng vấn sâu hộ gia đình, thảo luận nhóm cán bộ quản lý nhà nước… đã nhận thấy chức năng kinh tế của gia đình Việt đang có nhiều thay đổi so với trước kia.

Về tiêu dùng, bên cạnh chi tiêu lương thực thực phẩm chiếm tỷ trọng chính trong gia đình (36% năm 2014 và 39,7% năm 2017), các gia đình Việt đang có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho giáo dục của con cái như một nguồn đầu tư cho tương lai (tiếng Anh, học thêm…), chi cho du lịch, các thiết bị công nghệ cao (điện thoại di động thông minh, internet…), đặc biệt là các gia đình ở khu vực thành phố lớn và gần các khu công nghiệp…

1.jpg
Theo PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng, Viện Kinh tế Việt Nam: “Chức năng tiêu dùng trong gia đình Việt có xu hướng gắn kết tốt hơn với thị trường, hội nhập"

Trước đó, theo nhận định của Boston Consulting Group (Mỹ), sự giàu trong các gia đình sẽ tiếp tục tăng mạnh tại Việt Nam. Đến năm 2020, có 1/3 dân số của Việt Nam sẽ ở vào tầng lớp trung lưu hoặc cao hơn, có nghĩa là mức thu nhập bình quân của một người trong nhóm này tối thiểu là 714 USD/tháng… Khi nhiều gia đình giàu lên và sống tại các khu vực đô thị, bên cạnh việc muốn được trải nghiệm những thương hiệu mới mà các chuyên gia gọi hành vi tâm lý tiêu dùng này là tâm lý “nâng tầm cuộc sống” thì còn kéo theo xu hướng tất yếu đó là cha mẹ sẽ sẵn sàng chi tiêu mạnh tay vào các khoản liên quan đến đầu tư cho con cái và coi đó là cả một quá trình lâu dài.

Trong thực tế, xã hội Việt cũng đang phổ biến hiện tượng con chưa đầy tháng tuổi, nhiều cha mẹ đã tính chuyện mở sổ tiết kiệm tiền dành cho con sau này. Trong các năm trở lại đây, các ngân hàng đồng loạt tung sản phẩm tiền gửi nhắm tới đối tượng trẻ em như Tiết kiệm dành cho trẻ em - Lớn lên cùng yêu thương của BIDV; Tiết kiệm tích lũy cho con của VietinBank; Tiết kiệm yêu thương cho con của Ngân hàng Nam Á; Tiết kiệm cho con yêu của Eximbank hay Tiết kiệm Hoa trạng nguyên của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt… và cho phép trẻ em từ sơ sinh đến 15 tuổi (có nơi cho phép đến dưới 18 tuổi) đã có thể sở hữu sổ tiết kiệm…

4.jpg
Hình ảnh quảng bá quen thuộc của 1 ngân hàng trong gói "mời gọi" cha mẹ Việt mở sổ tiết kiệm cho con. (Ảnh minh họa)

Cạnh đó, mô hình cho con học trường quốc tế cũng là “cơn sốt” ở Việt Nam trong các năm gần đây. Nhiều phụ huynh đã lựa chọn cho con vào học tại các trường đào tạo theo mô hình nước ngoài với mong muốn con được tiếp cận theo một cách khác so với các lớp học truyền thống... Thậm chí, xu hướng này ngày càng được "trẻ hóa" theo độ tuổi của con: Được cha mẹ cho đi học ngoại ngữ ngay từ lớp mẫu giáo, sẵn sàng đầu tư trái tuyến, trường chuyên, du học... ngay từ khi con mới vào cấp 1, 2...

3.jpg
Việc đào tạo ngoại ngữ (tiếng Anh, Pháp, Đức…) và các kỹ năng mềm tại các trung tâm, trường học quốc tế cũng là yếu tố quan trọng khiến các bậc phụ huynh lựa chọn. (Ảnh minh họa)
Trước đó, theo Master Card khi tìm hiểu về những ưu tiên trong chi tiêu cho giáo dục của người tiêu dùng với sự tham gia của 7.932 người trong độ tuổi 18-64 tại 16 nước thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, kết quả cho thấy 39% cha mẹ Việt Nam chi tiêu tiền bạc cho việc học ngoại ngữ của con; tỷ lệ này đứng vào hàng thứ hai trong vùng, chỉ sau Hàn Quốc (46%).

Ngoài ra, Trung tâm Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng của Nielsen cũng cho biết, khi nói đến việc chăm sóc con, cha mẹ Việt Nam có xu hướng ngày càng sành điệu, từ lựa chọn thực phẩm cho con đến tã giấy. Không chỉ đầu tư cho ăn, mặc, việc tìm sân chơi cho con cũng đang được cha mẹ chú trọng.

Bình quân chung cả nước, mỗi cha mẹ chi tiêu cho vui chơi của một trẻ khoảng 500.000 đồng/tháng. Ở các khu đô thị, mức này cao gấp 3-4 lần, khoảng 1,5-2 triệu đồng/tháng; thậm chí có thể đạt mức đột biến 7-10tr/tháng nếu cha mẹ yêu cầu các khu vui chơi có đáp ứng việc rèn luyện kỹ năng cho con… Điều này có thể phần nào minh chứng cho việc thời gian gần đây, có rất nhiều doanh nghiệp đã nhìn thấy “thị trường béo bở” để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh hiện đại bằng việc sẵn sàng đổ vốn kinh doanh vào lĩnh vực này ở Việt Nam như Vietopia, Kizcity, Kinder Park và Tiniworld...

khu-vui-choi-hap-dan-cho-tre-em-vo-ngay-1-6-tai-viet-nam29.jpg
Ngày càng có nhiều cha mẹ Việt lựa chọn những khu vui chơi giải trí hiện đại cho con và sẵn sàng chi trả mức giá vé đắt đỏ từ 200 ngàn đồng/lượt trở lên. (Ảnh minh họa).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm