Chăm sóc, bảo vệ trẻ em: Không thể hài lòng khi ban hành xong văn bản

23/11/2019 - 21:25
Sáng ngày 23/11, tại nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tổ chức Hội nghị về chính sách phát triển toàn diện trẻ em.

Dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phòng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về chính sách phát triển toàn diện trẻ em trong độ tuổi từ 0-8 tuổi; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan đến nhóm vị thành niên; lồng ghép các chỉ tiêu về việc thực hiện quyền trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước… Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, đây là các nội dung rất quan trọng trong tiêu chí phát triển bền vững của đất nước, trong quá trình thực hiện thắng lợi các cam kết và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu thiên niên kỷ, mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời, cũng góp phần tạo ra môi trường an toàn, thân thiện, bình đẳng, công bằng, không phân biệt đối xử với quyết tâm không để bất cứ trẻ em nào bị bỏ lại phía sau. 

 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về trẻ em, khẳng định so với các nước có cùng trình độ phát triển, Việt Nam đã nỗ lực, ưu tiên giành được những kết quả tốt hơn, nhiều mặt nổi bật về chăm sóc, bảo vệ quyền trẻ em nói riêng, bảo đảm an sinh xã hội nói chung. Việt Nam là một trong số 69 quốc gia có đề án về chăm sóc trẻ em từ 0-8 tuổi.

Ghi nhận các ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng nêu một số bất cập, hạn chế về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Phó Thủ tướng dẫn chứng: Chúng ta thường nghĩ rằng hằng năm chỉ có mấy nghìn vụ xâm hại trẻ em được ghi nhận trên hơn 25 triệu trẻ em, trong khi theo cách tiếp cận của quốc tế thì có tới 68% số trẻ em được khảo sát có bị xâm hại dưới nhiều hình thức khác nhau không chỉ bằng roi, vọt mà cả những câu nói, thái độ gây tổn thương cho trẻ em. Vì thế các quyền của trẻ em như được bày tỏ chính kiến, được tham gia, được lắng nghe... chưa được quan tâm đúng.

Phó Thủ tướng cũng đề cập đến ý nghĩa của việc hiểu biết những kiến thức chăm sóc, bảo vệ và tạo điều kiện để trẻ em phát triển toàn diện và thực hiện đầy đủ quyền của mình. Ví dụ những kiến thức về 1.000 ngày đầu đời, giáo dục sớm, bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng… chưa được phổ biến rộng rãi.

Trong lĩnh vực giáo dục, y tế cho trẻ em, Phó Thủ tướng đặc biệt chú ý đến vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. “Đơn cử, trong giáo dục miền núi, chúng ta phải có những biện pháp rất cụ thể, tổ chức lại trường lớp, trường nội trú, bán trú, bếp ăn để bảo đảm cho các cháu đến lớp được ăn no, đủ dinh dưỡng, không phải bỏ học”, Phó Thủ tướng phân tích thêm.

Nhấn mạnh một số điểm cần tập trung đặc biệt trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho rằng đầu tiên là phải hành động thật cụ thể đối với những mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em đã được xác định trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; trong các đề án cùng như khuyến nghị từ chương trình giám sát tối cao của Quốc hội về trẻ em. “Chúng ta không thể hài lòng khi đã ban hành xong văn bản”.

Theo Phó Thủ tướng, phải hình thành nhanh nhất mạng lưới chăm sóc, bảo vệ trẻ em, không chỉ gồm các cơ quan Nhà nước, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội mà cần kết nối mạng lưới cộng đồng, các tổ chức hoạt động nhân đạo rất sát với công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm