pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chăm sóc cha mẹ già: Yêu thương và áp lực
Gánh nặng dồn lên vai người phụ nữ
Bà Emma Lơndes (52 tuổi) thức dậy vào ngày Lễ Giáng sinh, việc đầu tiên bà nghĩ tới không phải là kế hoạch vui chơi mà là lên phòng mẹ chồng xem sức khỏe của bà có ổn không. Bà Marjorie (87 tuổi) - mẹ chồng bà Emma mắc bệnh Alzheimer và phải di chuyển bằng xe lăn. Gia đình bà Emma đã cố gắng thu xếp cho mẹ chồng vào viện dưỡng lão nhưng tinh thần bà không ổn khi ở nơi này. Gia đình lại phải đi một khoảng cách khá xa mới đến thăm được. Bà Emma mang mẹ chồng về nhà và một mình chịu trách nhiệm chăm sóc cho mẹ. Bà Emma đã từng thử thuê người giúp việc nhưng đa số chỉ đồng ý làm những công việc như đánh thức, chuẩn bị cho bà ăn cơm và đi ngủ. Ngoài thời gian đó ra thì gia đình phải tự trông nom mẹ chồng bà.
Bà Emma hiểu rằng sau một vài cơn tai biến nhỏ, mẹ chồng mình cần chăm sóc cẩn thận hơn. Đó là lý do bà nhận trách nhiệm này. Bà nghĩ công việc của bà - chuyên gia tư vấn cho một doanh nghiệp - dù sao cũng linh hoạt hơn so với ông chồng là giám đốc công ty.
Một trường hợp nữa là của bà Ravi (50 tuổi) đã chăm sóc người cha suốt 26 năm qua kể từ khi mẹ bà qua đời. Công việc ngày càng nặng nề hơn sau khi cha bà phải phẫu thuật hở van tim cách đây 12 năm và đột quỵ năm 2018. Mỗi ngày bà phải mất khoảng 6 tiếng để kiểm tra sức khỏe, nấu ăn, cho cha uống thuốc, hỗ trợ ông trong các hoạt động thường nhật, nhất là khi ông không nói được. Ngoài công việc chăm sóc cha, bà còn làm việc toàn thời gian với tư cách là một nhân viên xã hội.
Theo nghiên cứu của Trường đại học Sheffield và Birmingham (Anh) cho thấy người phụ nữ thường luôn là người có xu hướng nhận trách nhiệm chăm sóc người già, người bệnh, trẻ em người tàn tật (70%) nhiều hơn so với nam giới (60%). Trong khi một nửa nam giới ở độ tuổi 57 (sắp hoặc đang nghỉ hưu) mới nhận lấy trách nhiệm này, thì phụ nữ trở thành người chăm nom các đối tượng yếu thế của gia đình trong độ tuổi lao động trước 46 tuổi. Đa số những người làm công việc này thuộc độ tuổi trung niên (khoảng 46%) và không được trả lương dù việc họ làm ước tính sẽ tạo ra giá trị khoảng 132 tỷ bảng mỗi năm.
Áp lực vô hình
Công việc chăm sóc người già chưa hề là việc dễ dàng. Giáo sư Sue Yeandle, Trường đại học Sheffield, tác giả báo cáo cho biết: "Chăm sóc cho người thân yêu là sự hỗ trợ quý giá trong những thời điểm họ cần giúp đỡ. Phụ nữ phải đảm nhận vai trò này nhiều hơn nam giới. Họ cũng thường xuyên phải trả giá đắt cho sự hỗ trợ mà họ đưa ra: căng thẳng về tài chính, sức khỏe kém hơn, sự cô lập trong xã hội".
Bà Emma nói rằng việc chăm sóc mẹ chồng là việc thường trực 24/7 dù cho đó là ngày Lễ Giáng Sinh bà cũng không được nghỉ. Còn theo bà Ravi, khi sức khỏe người già suy yếu và tinh thần họ dễ bị kích động hơn thì việc chăm sóc họ cũng sẽ gặp nhiều áp lực và căng thẳng hơn. Mỗi ngày, sau khi thu xếp việc nhà xong bà thường đến nơi làm việc với tâm trạng mệt mỏi và dễ gắt gỏng. Bà đã nói ra những điều mà bà biết là mình không nên nói. Thậm chí, có những lúc bà cảm thấy khủng hoảng, muốn bỏ hết công việc để mình có thời gian tự phục hồi cho bản thân. Bà nói bà cần những ngày nghỉ phép để quên đi những áp lực thường nhật. Song dường như mọi người xung quanh và xã hội chưa quan tâm đủ đến những người như bà.
Bà Emma cho rằng những ai chưa từng ở trong hoàn cảnh của họ thì rất khó lòng mà hiểu được áp lực và sự mệt mỏi mà bà phải chịu đựng. Để duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần, bà cố gắng duy trì việc đến trung tâm thể dục thể thao ít nhất 3 lần một tuần. Bà là người đầu tiên trong nhóm bạn phải bỏ công việc toàn thời gian để chăm sóc mẹ chồng. Tuy nhiên, sau đó, bạn bè cũng rơi vào hoàn cảnh giống bà. Bà Emma đã lập một trang blog để chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ để họ có thể giúp nhau khi cần.
Theo thống kê, có khoảng 600 người Anh từ bỏ công việc mỗi ngày để chăm sóc người già hoặc tàn tật. Trợ cấp cho cho 35 giờ một tuần của họ chỉ khoảng 65,15 bảng Anh.