Lỗi của người lớn
Từ những kết quả nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy rằng, những đứa trẻ trong trường hợp này phần lớn các em không phải tham gia công việc gia đình từ nhỏ, được cha mẹ bao bọc và chu cấp đầy đủ quá mức cần thiết nên các em tỏ ra không cảm nhận được giá trị vật chất, tinh thần. Không ít các em mắc chứng bệnh này là do người lớn không đánh giá đúng trẻ em, họ thường xuyên coi trẻ là những người “vắt mũi chưa sạch” thì làm được việc gì và do đó công việc gia đình chủ yếu là do người lớn đảm nhiệm.
Hơn nữa cũng không ít cha mẹ lại cho rằng, thời buổi này quan trọng nhất phải tập trung cho nhiệm vụ học tập của con mà họ lại làm thay mọi việc. Một phụ huynh ở Thủ Đức có con học lớp 9 (TPHCM) cho rằng: Cường độ học tập của các cháu rất lớn vì vậy gia đình tôi cũng không yêu cầu con làm việc nhà, dành toàn bộ thời gian để cháu học tập đạt kết quả tốt nhất.
Thậm chí cũng không ít phụ huynh không ý thức được một cách rõ nét, những hành động vô cảm của trẻ trong gia đình diễn ra trong các hoạt động bình thường hàng ngày nhưng cha mẹ lại coi chuyện đó rất bình thường. Sau thời gian nhất định những điều mà cha mẹ tưởng chừng vô hại đó sẽ trở thành thói quen của con trẻ và dẫn đến chứng vô cảm, đó là những biểu hiện như: Đó không phải là việc của con; việc đó không quan trọng với con; không chia sẻ, ít tâm sự, thổ lộ; không biết và không cảm nhận được sự vất vả của cha mẹ…
Có thể nói chính sự nuông chiều thái quá của cha mẹ cùng trách nhiệm của người lớn vô tình hay cố ý đều là nguyên nhân trực tiếp làm giảm ý thức trách nhiệm của các em về bổn phận đối với người khác cũng như công việc trong gia đình.
Hệ lụy để lại rất lớn
Vô cảm nói chung để lại hậu quả rất lớn cho cá nhân cũng như cho xã hội, căn bệnh vô cảm đã làm cho mối quan hệ trong gia đình giữa các thành viên lỏng lẻo; thiếu tinh thần đoàn kết làm việc tập thể. Vô cảm cũng chính là nguyên nhân của những cảm giác tội lỗi, vô tâm với người khác.
Vô cảm biểu hiện khi thiếu sự tham gia cùng gia đình làm cho cá nhân đó lười biếng, thiếu trách nhiệm…Và dẫn đến sự khiếm khuyết, lệch lạc về sự phát triển nhân cách. Có thể nói vô cảm không phải là tội ác nhưng vô cảm có thể là con đường ngắn nhất để dẫn đến tội ác.
Hãy là điểm tựa vững chắc của trẻ
Sự quan tâm của cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến sự chia sẻ, đồng cảm, biết giúp đỡ người khác của trẻ. Bởi vậy, cha mẹ cần chú ý một số vấn đề sau:
- Hãy tôn trọng và giao việc cho trẻ: Dù giàu hay nghèo thì cha mẹ phải luôn thể hiện sự tôn trọng trẻ, coi trẻ là một thành viên tích cực và có trách nhiệm với gia đình, khi các em được tôn trọng được thừa nhận năng lực của cá nhân thì các em mới có thể phát huy được khả năng của mình. Đồng thời, các em cũng phải nhận được giá trị của bản thân trong những việc có sự tham gia của mình và các em cũng thấy được ý nghĩa của việc cha mẹ phải lao động để nuôi sống gia đình.
- Hãy bồi dưỡng cảm xúc tích cực: Phải làm cho trẻ thấy được sự cố gắng, miệt mài, vất vả của cha mẹ để từ đó các em biết cảm thông và chia sẻ. Cha mẹ hãy cho các em cơ hội được trải nghiệm cũng như thấy được của sự vất vả của người lớn khi phải bươn trải trong cuộc sống thì sẽ gieo mầm sự cảm thông trong đó.
- Mỗi ngày cho các em thêm niềm vui: Sự chia sẻ, cảm thông hàng ngày của cha mẹ với các em sẽ giúp các em cảm nhận được sự tôn trọng cũng như giá trị điểm tựa của người thân yêu trong gia đình. Vì thế, dù bận rộn thế nào thì cha mẹ hãy dành cho con những khoảnh khắc cần thiết mỗi ngày để cùng con xây dựng bầu không khí tâm lý tích cực trong gia đình, đó là những bữa cơm vui vẻ cả gia đình, đó là những chuyến du lịch của các thành viên gia đình, đó cũng là những buổi nói chuyện vui vẻ hoặc cả nhà cùng chơi một môn thể thao nào đó…
Có thể nói, không chia sẻ tấm lòng cũng như công việc với gia đình, với người khác là một biểu hiện vô cảm của trẻ cần phải khắc phục. Đặc biệt là ở khu vực thành thị - một nơi mà sự vô cảm dễ trở thành căn bệnh xã hội. Khi một cá nhân bước chân gia nhập vào xã hội thì trước hết họ thuộc về một gia đình nào đó. Hãy ngăn chặn chứng vô cảm của trẻ ngay từ trong gia đình.