Chạm vào ký ức qua những đồ vật thân quen

Tản văn của Ngô Thế Lâm
31/03/2024 - 20:52
Chạm vào ký ức qua những đồ vật thân quen

Ảnh minh họa

Có những điều thuộc về xưa cũ, cứ ngỡ đã mòn hao lâu lắm trong trí nhớ của lớp người hiện đại hôm nay; hóa ra không phải vậy, như bao vật dụng tồn tại đến cả nửa thế kỷ vẫn hiện diện đó đây, một ngày bất giác chạm vào, chợt òa vỡ trong ta chênh chao cả một miền ký ức…

Là chiếc cối đá, cái nồi đồng, cái chạn gỗ hay đôi quang gánh vẹt mòn năm tháng… Những xưa xa mà gần gũi ấy còn vẹn nguyên trong tôi cùng ký ức ấu thơ lớn lên bên bà, trong ngôi nhà gỗ ba gian với những cột, những kèo chằng chéo được kê bởi từng viên đá tảng trên cái nền được đắp bằng đất sét. 

Ngôi nhà không một cánh cửa mà chỉ được che chắn bằng phên liếp, cửa chính là một chiếc rèm tre đóng mở sáng tối được chống lên bởi hai cây sào.

Cũng như nhiều gia đình khác, trong cái xóm nghèo ngày xưa ấy, hầu như nhà nào cũng đều có những vật dụng quen thuộc phục vụ sinh hoạt và bếp núc. Cái chạn bát bằng gỗ mun đen bóng có nhiều ngăn đựng thức ăn, chén đũa. 

Cả một tuổi thơ háu đói, cái chạn là nơi quen thuộc mà bất cứ đứa trẻ nào cũng đôi lần lục lọi kiếm đồ ăn mỗi khi đi học về. Hiên nhà đặt chiếc cối đá phục vụ cho việc xay giã, khi thì tán bột nấu bánh, khi giã giò nấu cỗ, lúc lại đãi tấm nuôi gà con. 

Cạnh đấy là đôi quang gánh nhẵn thín được gác trên vách tường - loại "phương tiện lao động" không thể thiếu thời ấy ruổi rong theo chân mẹ, chân bà trên trăm ngàn buổi chợ, chênh vênh đi qua biết bao mưa nắng thăng trầm.

Tôi nhớ, bà ngoại đặc biệt quý chiếc nồi đồng với chiếc bụng rất rộng và miệng nồi hơi loe ra, mỗi khi gõ vào thì phát ra những tiếng vọng rất thú vị. Bà còn có một cái ấm đun nước bằng gang, nghe đâu do một người bà con đi xuất khẩu lao động bên Liên Xô về mang biếu. Đặc biệt hơn cả là chiếc chảo nhôm được ông gò bằng vỏ bom bi, qua mấy chục năm vẫn bền chắc.

Cho đến khi sửa nhà, cậu tôi gom cơ man đồ cũ, có cái bán đồng nát, cái thì định vứt đi nhưng bà ngoại giành lại. Bà bảo, mấy cái nồi niêu bán đổi cho người ta có được bao nhiêu, nhưng nó lại gắn với nhiều kỷ niệm của cha mẹ, của cả các con. 

Rồi bà kể, cái bàn ủi con gà này là quà cưới bạn bè tặng cha mẹ, cái nồi đồng bà nội cho khi ra ở riêng, cái ấm nhôm này bằng tuổi thằng cả, đôi quang gánh kia bà nội dùng từ thời bà còn khỏe, ngày hai buổi chạy chợ… 

Nghe đến đó, cậu tôi chợt im lặng, chiều lòng bà gom lại mọi thứ và cất vào một góc. Dù nhiều năm trôi qua, nó vẫn nằm im lìm và không còn được sử dụng nữa nhưng vẫn tồn tại như một gạch nối thời gian đầy khắc khoải.

Rồi ngày bà ngoại tôi theo ông về trời, tôi để ý thấy điều cậu tôi quan tâm đầu tiên khi thu dọn tư trang cho bà là cất cái bình vôi, cơi trầu và cái cối giã trầu hàng ngày bà vẫn thong thả trước bậc thềm ngồi têm. Tất cả được cậu đặt vào một cái rương sắt và giữ gìn cẩn thận mãi về sau. 

Có lẽ vì cậu là người gần gũi và hiểu bà nhất nên cậu thấu cảm với tính hoài cổ của bà. Vì thế, những kỷ vật của bà cũng là một biểu tượng tinh thần được cậu tôi hết sức trân trọng. Chả thế mà giàn trầu của bà vẫn được cậu chăm bẵm, dù thiếu bàn tay người chủ quen thuộc vẫn bốn mùa xanh tốt.

Mỗi lần ghé về thăm cậu, tôi thường nhớ lại những vật dụng quen thuộc bà tôi giữ lại một thời, tất cả vẫn còn vẹn nguyên không thiếu một món nào. Sau này những lần giỗ bà, cậu thường mang những cái "nồi cổ" ấy ra kỳ cọ, dùng nấu cỗ... như một cách để tưởng nhớ và làm bà vui lòng.

Và tôi hiểu, hóa ra không phải bất cứ đồ dùng cũ kỹ hay những điều thuộc về quá khứ đều có thể vứt bỏ một cách dễ dàng khi nó không còn phù hợp. Không, những cái nồi, cái ấm, cái cối xay kia dù đã sứt mẻ, loang lổ theo thời gian nhưng nó cưu mang tiếng nói, nỗi niềm và cả miền hoài cảm của một kiếp người để thành những phách hồn đọng mãi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm