pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chào 2024 và những triển vọng kinh tế của Việt Nam
Không khí chào năm mới 2024 tại Hà Nội. Ảnh minh họa: HNM
Thế giới sẽ thoát khỏi suy thoái để "hạ cánh mềm"?
Các nhà phân tích chỉ ra mặc dù tốc độ tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ chậm hơn vào năm 2024 nhưng những kịch bản tồi tệ nhất có lẽ đã qua.
Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) nhận định, kinh tế toàn cầu năm 2024 sẽ tăng trưởng ở mức 2,6%. Kinh tế Mỹ được cho là tiếp tục tăng trưởng vượt các thị trường phát triển khác với 2,1%. Trong khi đó, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nền kinh tế châu Âu có khả năng sẽ sớm ngăn chặn được suy thoái kinh tế và "hạ cánh mềm". Tiền lương tăng là yếu tố chính hỗ trợ sự phục hồi kinh tế của châu Âu.
"Cuộc chiến" chống lạm phát đang đổi chiều theo hướng có lợi nhờ giá năng lượng hạ nhiệt cũng như chuỗi cung ứng cải thiện dẫn đến giá cả hàng hóa quay trở lại mặt bằng hợp lý.
Thống kê gần đây cho thấy, xu hướng lạm phát giảm nhanh với khu vực đồng tiền chung châu Âu ở mức 2,4%, Mỹ là 3,1% và Anh là 4,6%. Các ngân hàng trung ương, chủ yếu ở các nền kinh tế lớn, cho biết lãi suất sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn để đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%. Đây sẽ là một trong những động lực chính cho nền kinh tế thế giới trong năm tới.
Thị trường lao động ở nhiều nền kinh tế lớn bắt đầu trở lại trạng thái cân bằng và đây là một nhân tố quan trọng đóng góp vào sự đi xuống của lạm phát giá dịch vụ. Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - bước vào năm 2024 với vị thế ổn định hơn so với các dự báo ban đầu, với hơn 239 nghìn việc làm mới mỗi tháng. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới duy trì ở mức thấp nhất trong lịch sử.
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, dự kiến sẽ chiếm 60% tăng trưởng GDP toàn cầu vào năm 2024.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Albert Park nhận định: "Châu Á đang tiếp tục tăng trưởng với tốc độ mạnh mẽ bất chấp môi trường toàn cầu đầy thách thức. Dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực trong năm 2024 sẽ được duy trì ở mức 4,8%. Lạm phát trong khu vực cũng đang dần được kiểm soát".
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2023: Điểm sáng trong bối cảnh toàn cầu khó khăn
2023 là một năm hết sức khó khăn cho Việt Nam, nhất là trong 6 tháng đầu năm, khi sức cầu trong và ngoài nước đều giảm. Tuy nhiên, tình hình kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục bắt đầu từ quý 3/2023 với GDP tăng 5,3% chủ yếu do các biện pháp kích cầu của Chính phủ.
Những ngày cuối năm 2023, nền kinh tế Việt Nam cũng nhận được những tín hiệu mừng. Theo số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý 4 và năm 2023 của Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/12, GDP năm 2023 ước tăng 5,05% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng GDP của những năm bùng phát đại dịch Covid-19 (2020-2021) và thấp hơn tốc độ tăng GDP những năm còn lại của giai đoạn 2011-2023.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, đánh giá, mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là điểm sáng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn khó khăn, nhiều nước tăng thấp.
Bà Nguyễn Thị Hương đưa ra dự báo: "Tình hình kinh tế năm 2024 còn khó khăn nhưng các tổ chức trong nước và thế giới đều nhận định: Việt Nam cũng như một số nước trong khu vực sẽ có mức tăng trưởng khá hơn năm 2023".
Mục tiêu cao, quyết tâm cao của Chính phủ
Tháng 11/2023, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, Quốc hội thống nhất đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 6%-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt 4.700-4.730 USD; chỉ số giá tiêu dùng tăng 4%-4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động 4,8%-5,3%...
"Việc đặt chỉ tiêu ở mức cao thể hiện quyết tâm của Chính phủ, phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra, đồng thời để bảo đảm hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nói.
Về triển vọng kinh tế năm 2024, theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục là điểm sáng. Việt Nam vẫn là một trong những lựa chọn ưu tiên của dòng vốn FDI.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp đà tăng trưởng tích cực. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản dự báo tiếp tục ổn định, giá sản phẩm lương thực tăng sẽ đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, đầu tư công, nhất là đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng. Lĩnh vực dịch vụ được kỳ vọng tiếp tục mở rộng nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch, từ đó tác động lan tỏa đến các ngành kinh tế khác, kích thích tăng trưởng.
Bên lề Hội nghị ngoại giao lần thứ 32, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cũng chia sẻ, để duy trì đà tăng trưởng trong năm 2024, Việt Nam cần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô thông qua việc tiếp tục thực thi các chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt cùng với chính sách tài khóa thận trọng.
Điều quan trọng là đảm bảo các chính sách này phải được thực thi một cách có hiệu quả để tạo ra một xung lực mạnh hơn cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần tăng cường thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng chính là đầu tư công, tiêu dùng nội địa và phục hồi xuất khẩu.
Những tín hiệu tốt cho thị trường lao động nữ
Trong những động lực tăng trưởng kinh tế năm 2024 thì lực lượng lao động nữ được đánh giá có vai trò quan trọng khi mà các doanh nghiệp FDI, các lĩnh vực xuất khẩu (dệt may, giày da...), nông, lâm, thủy sản có cơ cấu lao động nữ khá cao.
Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết, thời gian vừa qua, tỷ lệ lao động nữ tại các khu công nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn, nhất là ngành giày da, dệt may.
Sau phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã xây dựng đề án và đã trình bước đầu với Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ trong chương trình đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Bộ cũng đề xuất các ưu tiên trong nghiên cứu khoa học, vay vốn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm.
Thủ tướng Chính phủ đã làm việc và giao Trung ương Hội LHPN Việt Nam xây dựng đề án hỗ trợ đối tượng là lao động nữ lập nghiệp. Đồng thời, giao Ngân hàng Chính sách xã hội bố trí nguồn vốn riêng hỗ trợ phụ nữ trong khởi nghiệp và lập nghiệp.
Nhận định về thị trường dệt may trong năm tới, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt May Việt Nam, cho rằng, thị trường đã bắt đầu ghi nhận một số tín hiệu sớm về khả năng phục hồi và các khách hàng đã tăng cường trao đổi.
Tổng thể thị trường năm 2024 được dự báo có nhiều khả năng cải thiện nhu cầu hơn năm 2023, tuy nhiên mức độ cải thiện nhỏ, tổng cầu 2024 dự kiến vẫn thấp hơn năm 2022 từ 5% đến 7%.
Đáng chú ý, ông Lê Tiến Trường nhận định, các đối tác đang dần chuẩn bị cho khả năng chính thức áp dụng cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon); đơn giá có thể tăng hơn trên nền số lượng giảm và yêu cầu chất lượng, tiêu chuẩn phi tài chính khác cao lên.