Chắp cánh ước mơ cùng những “giáo viên blouse trắng”

Đình Nguyên
12/03/2021 - 17:28
Chắp cánh ước mơ cùng những “giáo viên blouse trắng”

Lớp học đặc biệt tại Trung tâm Huyết học và truyền máu tỉnh Nghệ An

Học sinh là những bệnh nhân nhỏ tuổi đang được điều trị còn giáo viên chính là đội ngũ y, bác sỹ, lớp học “Chắp cánh ước mơ” tại Trung tâm Huyết học Truyền máu tỉnh Nghệ An (đóng trên địa bàn phường Hưng Dũng, TP Vinh, Nghệ An) được hình thành với mong muốn bù đắp một phần thiệt thòi của các em.

Cứ khoảng 19h-21h hai ngày một lần, lớp học đặc biệt được tổ chức trong căn phòng nhỏ hơn 20m2 được sửa lại từ một phòng làm việc của Trung tâm Huyết học Truyền máu tỉnh Nghệ An. "Xuất phát từ mong muốn giúp các em không quên con chữ trong thời gian điều trị dài ngày tại Trung tâm cũng như giúp các em có cảm giác ở trường lớp, không bỏ lỡ việc học hành và quên đi những mệt mỏi trong quá trình điều trị, lạc quan hơn với cuộc sống", bác sĩ Phạm Quốc Hội, Trưởng khoa Bệnh máu tổng hợp 2, chia sẻ.

Theo bác sĩ Phạm Quốc Hội, lớp học được tổ chức từ tháng 12/2020. Ban đầu lớp chỉ hướng đến các em nhỏ có thời gian điều trị dài ngày ở trung tâm, về sau có nhiều người lớn tuổi chưa biết chữ cũng tham gia. Đến với lớp học, các em được giao lưu, trò chuyện với giáo viên, được học hát, được tô màu, học chữ... "Có lẽ điều thiệt thòi nhất của các con là không được đến trường, đến lớp. Chúng tôi mong muốn giúp tâm trạng của các con luôn được thoải mái, từ đó sẽ nâng cao hiệu quả điều trị", bác sĩ Phạm Quốc Hội cho biết.

Để có bàn ghế, sách vở, đồ dùng học tập... các bác sĩ đã kêu gọi hỗ trợ. Đơn cử, 10 bộ bàn ghế được một giáo xứ trên địa bàn ủng hộ; sách vở, bút mực là do các y, bác sĩ Trung tâm đóng góp. Cứ thế, lớp học dần dần đủ đầy các dụng cụ cần thiết.

Trong giờ học không có chuyện "thầy đọc, trò chép" mà những tình nguyện viên đứng lớp chủ yếu khơi gợi để các em thể hiện năng khiếu, suy nghĩ của bản thân. Ngoài ra, các thầy cô đứng lớp cũng lồng ghép kiến thức các môn như nhạc, họa... vào các trò chơi, qua đó tạo không khí vui tươi. "Bên cạnh bổ túc văn hóa, dạy chữ, lớp học còn là nơi để đội ngũ y bác sĩ mong muốn giúp tâm trạng của các con được thoải mái để mỗi lần thăm khám, các con có cảm giác ấm áp, gần gũi. Đó cũng là nền tảng tự tin cho các em khi tiếp xúc môi trường mới", bác sĩ Hội cho biết thêm.

Giáo viên đứng lớp có thể là bác sĩ, điều dưỡng hoặc tình nguyện viên

Giáo viên đứng lớp có thể là bác sĩ, điều dưỡng hoặc tình nguyện viên

Em Vi Thanh Nhật (16 tuổi), quê ở xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, một học sinh lớp học, hào hứng chia sẻ: "Hiện em đang điều trị chứng bệnh tan máu bẩm sinh tại Trung tâm. Mỗi năm, em phải vào Trung tâm điều trị 6-7 lần, mỗi lần thường kéo dài từ 10 đến 12 ngày. Dù vậy, em tự sinh hoạt và điều trị một mình, bố mẹ không thể chăm em. Điều trị ở đây, các y, bác sĩ rất quan tâm em. Khi tham gia lớp học với các anh chị tình nguyện viên, chúng em đều thấy thú vị. Chúng em không chỉ được ôn tập kiến thức tiếng Anh mà còn được chơi cùng nhau. Vì vậy, em rất háo hức mong đến buổi học tiếp theo".

Nguyễn Văn Vinh (sinh năm 2011) cho biết: "Đây là lần đầu tiên con được tham gia lớp học và cảm thấy rất vui. Các cô chú tình nguyện viên rất nhiệt tình và dễ mến. Sau những buổi học, chúng con đã thu được nhiều kiến thức bổ ích".

Mỗi tối, khi lớp học được mở, tiếng ê a học của học sinh như xua tan không khí mệt mỏi sau quá trình điều trị. Các bác sĩ tại đây hy vọng lớp học sẽ giúp tâm trạng của học trò được thoải mái, từ đó nâng cao hiệu quả trong quá trình điều trị, tăng cường sự gắn kết giữa bác sĩ và bệnh nhân.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm