pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chất lượng thơ cho thiếu nhi cần được quan tâm đúng mức
Thời gian gần đây, có những tín hiệu đáng mừng khi nói đến thơ cho thiếu nhi. Ảnh minh họa
Nhà thơ Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Hội đồng Văn học Thiếu nhi - Hội Nhà văn Việt Nam
Tôi có cảm giác thơ viết cho người lớn in ra nhiều nhưng bạn đọc có nguy cơ giảm, phần vì đâu đó còn dễ dãi trong khâu biên tập, cấp phép, phần vì "gu", vì mục đích của người viết. Nhưng độc giả nhí lại khác, số đông các em vẫn yêu thơ lắm. Các bài thơ trong sách giáo khoa, trên báo Đội được nhiều em thuộc, nhất là những bài thơ đã được phổ nhạc.
Những nhà thơ có may mắn thường xuyên được giao lưu với trẻ em ở trường học sẽ không thể nào quên tình cảm mà bạn đọc nhí dành cho thơ. Cho nên ở nhiều địa phương, ngày thơ được tổ chức khá thường xuyên tại trường học để các em được gặp gỡ các nhà thơ, được đọc thơ, ngâm thơ.
Các em thiếu nhi ngày nay khác với nhiều thế hệ thiếu nhi 40 năm trước: Tiếp cận sớm với công nghệ thông tin nhưng cũng dễ khô cứng hơn, "bạn" ảo nhiều khi đông hơn bạn thực. Thơ có thể bù đắp cho khoảng trống trong tâm hồn con trẻ và hơn thế là giúp các em khám phá, làm chủ cuộc sống muôn màu, được chắp cánh ước mơ về một tương lai tươi đẹp, từ đó mà chăm chỉ học hành, sống có ích.
Đáng tiếc là các phương tiện truyền thông chưa dành nhiều "đất" cho thơ thiếu nhi, tổ chức Đoàn, tổ chức Đội tại nhiều địa phương quên hoặc chưa biết cách để thơ thiếu nhi đến với các em, mang đến cho các em biết bao điều thú vị mà các nhà thơ gửi gắm vào từng con chữ.
Nhà thơ Nguyễn Hải Lý
Từ thực tế nuôi dạy con, lớn lên cùng con của chính mình và của bạn bè cũng như qua cuốn thơ "Con là ban mai" của mình, tôi nghĩ rằng độc giả hiện nay vẫn có nhu cầu đọc thơ thiếu nhi. Và nhu cầu ấy là nhiều, chứ không phải như một số ý kiến cho rằng "thời nay trẻ em có nhiều thứ để vui chơi, không còn đọc thơ như trước nữa".
Chúng ta thấy, hằng ngày ở trường cũng như ở nhà, thơ vẫn hiện diện cùng các hoạt động của các bạn nhỏ: cô giáo tập cho học sinh đọc thơ, nhiều bà mẹ vẫn đọc thơ, kể chuyện cho con, rồi các bạn nhỏ tự đọc thơ, học thuộc thơ...
Tôi viết thơ cho thiếu nhi từ khi còn là học sinh và chủ yếu gửi đăng báo hoặc lưu giữ... làm của riêng. Ở góc độ là một người mẹ, tôi có thuận lợi là được sống trong thế giới của các bạn nhỏ, gần gũi, cùng chơi, cùng học, từ đó những suy nghĩ của các bạn nhỏ cũng tự nhiên thấm vào mình. Đó là những suy nghĩ, lời nói, việc làm hồn nhiên, trong trẻo, rất dễ thương.
Tất nhiên chất liệu quý báu ấy vẫn phải được nhào nặn qua con mắt, tâm hồn, trái tim của một người vừa từng là trẻ em vừa là người lớn, biết lắng nghe, yêu thương và quan tâm đến những chuyện mà trẻ em quan tâm thì mới thành thơ gần gũi với trẻ em, được các em đón nhận và yêu thích.
Dù bây giờ trẻ em có nhiều hình thức học tập, giải trí phong phú hơn trước nhưng vẫn không thể có gì thay thế được vai trò của thơ ca. Qua các bài thơ, các con có thể tập nói, tập đọc, sử dụng tốt tiếng Việt, hiểu biết được nhiều điều về cuộc sống, cách ứng xử, về các hiện tượng trong tự nhiên, xã hội, thêm yêu gia đình, trường lớp, quê hương…
Điều quan trọng là người lớn, mà trực tiếp là ông bà, cha mẹ, anh chị, các cô giáo là những người tạo cho con trẻ môi trường để các con được tiếp xúc với thơ, từ đó mà yêu thơ, thích đọc thơ và thích đọc sách nói chung. Bên cạnh đó, chất lượng thơ cho thiếu nhi phải được quan tâm đúng mức, phải đúng là thơ dành cho thiếu nhi: Tự nhiên, gần gũi, phù hợp với đời sống, suy nghĩ của các em.
Nhà thơ Lữ Mai, Hội Nhà văn Việt Nam
Nhu cầu đọc thơ thiếu nhi hiện nay rất cao. Nhu cầu của thiếu nhi không chỉ sách hay mà còn sách đẹp, không chỉ là sách truyền thống mà còn sách điện tử, sách nói… Vì thế, có thể thấy một cuốn sách cùng lúc có thể có nhiều phiên bản khác nhau và đó là một tín hiệu đáng mừng.
Sau khi tôi và nhà thơ Đoàn Văn Mật xuất bản 5 tập thơ cho bé học nói trong năm nay, số lượng phát hành khá cao, chứng tỏ độc giả không hề quay lưng với thơ cho thiếu nhi.
Thực ra không chỉ viết thơ, sáng tác bất cứ thể loại nào cho thiếu nhi đều khó. Bởi chúng ta không còn là thiếu nhi nữa nên việc chuyển tải được tinh thần, ngôn ngữ, tâm hồn của thiếu nhi rất khó. Viết cho thiếu nhi cần phải hiểu được tâm lý, những chuyển động về mặt cảm xúc, hiểu được ngôn ngữ thiếu nhi - đó là điều không dễ dù ai cũng đã từng là thiếu nhi.
Chúng ta đôi khi không khó trong việc viết ra một tác phẩm nhưng lại khó trong việc trả lời những câu hỏi xung quanh nó, rằng tác phẩm đó có thể mang điều gì đó đến cho thiếu nhi hay không? Và tôi cần thời gian nhiều hơn (có khi nhiều hơn cả thời gian viết tác phẩm) để trả lời câu hỏi xung quanh nó.
Để có thể bồi đắp cho mình một chút tự tin, rằng mình có thể mang đến cho các em điều gì đó bé nhỏ, dễ thương trong thế giới quan của các em về cuộc sống, về thơ ca.