Chạy được 1 km trong 2 phút 30 giây, bạn sẽ sống thọ hơn 5 năm so với mặt bằng chung dân số

Thanh Long
12/05/2024 - 15:24
Đó là kết quả rút ra được từ một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Y học Thể thao Anh Quốc tuần này, dựa trên phân tích dữ liệu sức khỏe của 200 vận động viên điền kinh ưu tú.

Tất cả các vận động viên này đều có thể chạy quãng đường 1 dặm trong vòng 4 phút, thuật ngữ chuyên môn trong chạy bộ gọi là "Sub 4". Đổi ra hệ đơn vị kilomet, điều đó có nghĩa là họ có thể chạy hết 1 km trong vòng dưới 2 phút 30 giây.

Các vận động viên sinh ra ở Anh, Úc, Pháp, New Zealand và Hoa Kỳ, trong khoảng những năm từ 1928-1955, nghĩa là hiện tại họ đã đều ngoài 70 cho đến gần 100 tuổi.

Đối chiếu với nhóm thuần tập tương ứng, các nhà khoa học cho biết độ tuổi trung bình của những vận động viên này hiện đã cao hơn ít nhất khoảng 5 năm so với mặt bằng chung dân số, thậm chí còn có thể cao hơn vì thực tế là đa số họ vẫn đang còn sống.

Chạy được 1 km trong 2 phút 30 giây, bạn sẽ sống thọ hơn 5 năm so với mặt bằng chung dân số- Ảnh 1.

Chạy được 1 km trong 2 phút 30 giây, bạn sẽ sống thọ hơn 5 năm so với mặt bằng chung dân số.

Đại diện nhóm tác giả của nghiên cứu, Giáo sư Andre La Gerche, một bác sĩ tim mạch thể thao nổi tiếng thế giới, đồng thời là giám đốc Phòng thí nghiệm HEART được hỗ trợ bởi Viện nghiên cứu y tế St Vincent và Viện nghiên cứu tim Victor Chang ở Úc, cho biết:

"Kéo dài tới 5 năm tuổi thọ so với mặt bằng chung dân số là một con số rất đáng kể, đặc biệt là khi chúng tôi phát hiện những vận động viên này không chỉ sống lâu mà còn sống rất khỏe mạnh".

Càng tập thể dục nhiều bạn sẽ càng sống thọ?

Thể dục là một trong số những điều kiện tiên quyết giúp bạn gia tăng tuổi thọ, bên cạnh việc chăm sóc giấc ngủ và ăn uống dinh dưỡng hợp lý. Thế nhưng, tập thể dục ở cường độ nào, mức độ nào thì mới gặt hái được lợi ích tối đa? Đó vẫn là một câu hỏi gây tranh cãi trong giới khoa học.

Từ trước đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn khuyến cáo một người bình thường nên tập thể dục ở cường độ vừa phải từ 150-300 phút/tuần. Thời gian có thể giảm xuống còn một nửa, 75-150 phút nếu bạn tập các bài tập cường độ cao.

Có nhiều cách để xác định cường độ tập luyện, nhưng đây là một mẹo đơn giản. Nếu đang tập các bài tập ở cường độ vừa phải, bạn sẽ thấy: Hơi thở của mình nhanh, nhưng bạn vẫn có thể thở đều mà không hụt hơi, mồ hôi chỉ đổ sau khi bạn tập được 10 phút và bạn có thể nói chuyện nhưng không thể hát.

Các bài tập đi bộ hoặc chạy bộ ở vận tốc thấp sẽ đưa bạn vào trạng thái vận động vừa phải. Nhưng nếu bạn chạy ở tốc độ cao, như các vận động viên ưu tú, bạn sẽ đạt tới trạng thái tập luyện cường độ cao với nhịp thở sâu và nhanh, bạn sẽ đổ mồ hôi chỉ sau vài phút và không thể vừa tập vừa nói chuyện lưu loát.

Nghiên cứu trước đây cho thấy tập thể dục đều đặn mỗi ngày, theo tiêu chuẩn của WHO, sẽ giúp bạn có thêm từ 0,4 đến 4,2 năm tuổi thọ. Thế nhưng đối với các vận động viên điền kinh ưu tú, họ thường phải tập luyện ở cường độ cao, lên tới 600 phút, hay 10 tiếng/tuần.

Một số nghiên cứu cho rằng tập thể dục nhiều hơn mức khuyến cáo của WHO là không cần thiết, vì vượt qua 300 phút thể dục mỗi tuần, các lợi ích về sức khỏe và tuổi thọ bắt đầu chững lại. Đồng thời, nguy cơ chấn thương do tập luyện cũng tăng lên.

Chạy được 1 km trong 2 phút 30 giây, bạn sẽ sống thọ hơn 5 năm so với mặt bằng chung dân số- Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác bảo lưu ý kiến cho rằng tập thể dục càng nhiều thì càng tốt.

Ví dụ, một bài báo khoa học đăng trên tạp chí Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ năm 2022 cho thấy việc tập thể dục gấp đôi cho đến gấp 4 lần so với khuyến cáo của WHO sẽ giúp giảm từ 23-38% tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân.

Trong đó, nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch nói riêng sẽ giảm từ 33-38%, cao hơn mức 22-31% của những người chỉ vượt qua định mức thể dục tối thiểu của WHO.

Một nghiên cứu khác của Đại học Harvard cũng cho thấy việc tập thể dục nhiều hơn giúp giảm nguy cơ tử vong tổng thể từ 10-30% so với những người chỉ tập đủ so với khuyến cáo.

Nhìn vào nhóm vận động viên ưu tú, những người tập luyện nhiều nhất

Một hướng tiếp cận hợp lý để biết tập thể dục nhiều hơn có tốt hơn hay không, đó là nhìn vào cuộc đời của những vận động viên, những người được mệnh danh là "chỉ ăn và tập", và vì thế, họ có thời gian và cường độ tập luyện vượt xa so với mặt bằng chung dân số.

Năm 2011, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Y học Thể thao cho thấy những vận động viên đạp xe tham gia giải Tour de France có tuổi thọ trung bình cao hơn tới 17% so với mặt bằng chung dân số.

Theo dõi hơn 800 vận động viên đạp xe ở Pháp, Ý và Bỉ, các nhà khoa học thống kê được độ tuổi trung bình mà 50% số vận động viên này tử vong là 81,5 tuổi, so với 73,5 tuổi ở nhóm dân số đối chứng.

Một nghiên cứu năm 2014 trên tạp chí PloS One cũng cho thấy các vận động viên chèo thuyền có tuổi thọ cao hơn trung bình. Và điều đó cũng đúng với vận động viên Olympic. Một nghiên cứu nằm 2019 trên tạp chí Y học Thể thao cho thấy tuổi thọ của họ cao hơn 5 năm so với mặt bằng chung dân số.

Bây giờ, câu hỏi là liệu điều đó có đúng với vận động viên chạy bộ hay không?

Chạy được 1 km trong 2 phút 30 giây, bạn sẽ sống thọ hơn 5 năm so với mặt bằng chung dân số- Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Năm 2018, một nghiên cứu trên tạp chí Lancet tiết lộ con số đáng kinh ngạc. Khi nhìn vào cuộc đời của 20 vận động viên chạy bộ, những người có thể chạy 1 dặm trong 4 phút (Sub 4) đầu tiên, họ thấy tuổi thọ của nhóm này cao hơn tới 12 năm so với mặt bằng chung dân số.

"Những vận động viên có thể vượt qua cột mốc một dặm trong vòng chưa đầy 4 phút là nhóm dân số độc nhất, được biết đến với khả năng đẩy hệ thống hô hấp, tim mạch, trao đổi chất và cơ xương của họ lên mức tối đa", các nhà nghiên cứu cho biết.

Để đạt được tốc độ này, người chạy bộ phải thường xuyên tập luyện cường độ cao trong suốt cả tuần. Các giáo trình tập luyện thường đòi hỏi từ 5-10 tiếng chạy bộ nhanh với tổng quãng đường 120km/tuần.

Nghiên cứu mới trên tạp chí Y học Thể thao năm nay đã mở rộng mẫu của 20 vận động viên chạy Sub 4 lên 200 vận động viên, thiết lập một mẫu khảo sát đoàn hệ với thời gian theo dõi lên tới hơn 3 thập kỷ.

Kết quả cho thấy tuổi thọ của nhóm vận động viên này cao hơn 5 năm so với mặt bằng chung dân số. Điều thú vị là, những vận động viên chạy Sub 4 vào thập niên 1960 có tuổi thọ cao hơn những vận động viên đạt được thành tích này trong nhiều thập kỷ sau đó, phù hợp với phát hiện từ nghiên cứu năm 2018.

Chạy được 1 km trong 2 phút 30 giây, bạn sẽ sống thọ hơn 5 năm so với mặt bằng chung dân số- Ảnh 4.

Ảnh minh họa.

"Điều này có thể phản ánh sự cải thiện về mặt bằng tuổi thọ của dân số nói chung, cũng như việc quản lý một số bệnh truyền nhiễm và không lây nhiễm chính", các tác giả viết.

Có nghĩa là càng ngày, tuổi thọ của mặt bằng chung dân số càng tăng, trong khi, lợi ích của việc tập thể dục đối với tuổi thọ vẫn là thứ không thể phủ nhận.

Liệu bạn có thể chạy Sub 4?

Nghiên cứu mới được thực hiện vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm kỷ lục chạy Sub 4 được thiết lập bởi Sir Roger Bannister, vận động viên đồng thời là một nhà thần kinh học người Anh.

Năm 1954, tại đường đua Iffley Road ở Oxford, Sir Roger đã trở thành người đầu tiên trên thế giới có thể chạy hết 1 dặm đường dưới 4 phút, chính xác là 3 phút 59 giây 04.

"Phá vỡ kỷ lục chạy 4 phút là một thành tựu phi thường ở thời điểm cách đây 70 năm. Nó tiết lộ những gì mà cơ thể con người có thể đạt được. Kỷ lục của Sir Roger đã tạo ra một làn sóng chạy bộ với các vận động viên noi gương bước chân dũng mãnh của ông ấy", Giáo sư Mark Haykowsky, Chủ tịch Khoa Lão và Chất lượng Cuộc sống tại Đại học Alberta, cho biết.

"Sir Roger qua đời năm 2018 ở tuổi 88. Điều đáng chú ý là chúng tôi thấy hầu hết các vận động viên chạy Sub 4 như ông ấy cũng đã sống khỏe mạnh ở tuổi 70 và 80, cho đến tận ngày nay".

Dẫu vậy, các nhà khoa học cho biết không phải tất cả lợi ích về tuổi thọ được thấy ở các vận động viên chuyên nghiệp đều đến từ lối sống và quá trình tập luyện khắc nghiệt của họ.

Chạy được 1 km trong 2 phút 30 giây, bạn sẽ sống thọ hơn 5 năm so với mặt bằng chung dân số- Ảnh 5.

Sir Roger Bannister, vận động viên đồng thời là một nhà thần kinh học người Anh. Ông là người đầu tiên chạy Sub 4 trên thế giới ở tuổi 25.

Chạy được 1 km trong 2 phút 30 giây, bạn sẽ sống thọ hơn 5 năm so với mặt bằng chung dân số- Ảnh 6.

Sir Roger Bannister mất vào năm 2018, hưởng thọ 88 tuổi.

Một số vận động viên đơn giản là có gen khỏe mạnh để sống thọ hơn những người khác. Chẳng hạn, trong nhóm chạy bộ cự ly 200 dặm, các nhà nghiên cứu đếm được 20 nhóm anh chị em ruột và một số cặp cha con. Điều này gợi ý di truyền đóng góp một phần không nhỏ vào thành tích thể thao cũng như tuổi thọ của họ.

Ở cự ly 1 dặm, hiện trên thế giới cũng chỉ có 1755 vận động viên có thể chạy dưới 4 phút. Kỷ lục hiện tại thuộc về vận động viên người Maroc Hicham El Guerrouj với thời gian 3 phút 43 giây 13.

Điều đặc biệt là chưa có vận động viên nữ nào chạy được Sub 4 trong cự ly 1 dặm. Kỷ lục đối với vận động viên nữ hiện tại do Faith Kipyegon người Kenya nắm giữ với thành tích 4 phút 7 giây 64.

Vì vậy, các nhà khoa học nói rằng bạn không cần phải buồn và cảm thấy áp lực nếu không thể chạy Sub 4. Chỉ cần tập thể dục thường xuyên, theo khuyến cáo của WHO là bạn đã có thể gia tăng đáng kể tuổi thọ của mình.

Một lần nữa, đó là từ 150-300 phút thể dục cường độ vừa phải mỗi tuần hoặc 75-150 phút tập luyện cường độ cao. "Không phải ai cũng cần phải chạy một dặm dưới 4 phút thì mới có được sức khỏe tốt và lâu dài khi về già, nhưng tất cả chúng ta sẽ đều cần tập thể dục và thường xuyên tập thể dục", các nhà nghiên cứu viết.

Nguồn: Sciencealert, BMJ, Lancet
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm