Chị Nguyễn Thị Hân, SN 1977, ở huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, đi làm việc tại Saudi Arabia, tỏ ra khá ngạc nhiên khi được hỏi về quyền lợi đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động ở nước ngoài.
Chị Hân cho biết, ở quê chỉ làm nông nghiệp, chưa từng được tham gia BHXH. Trước khi đi xuất khẩu lao động làm nghề giúp việc gia đình tại Saudi Arabia, chị được công ty đào tạo vỏn vẹn 28 ngày để vừa học tiếng Anh vừa học kỹ năng làm giúp việc. Còn các chế độ chính sách về BHXH, bảo hiểm y tế thì “tuyệt nhiên không thấy công ty đả động tới”.
Theo Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), trong 7 tháng đầu năm 2018, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 72.929 lao động, lao động nữ là 26.334 người.
Chính sách BHXH với người đi làm việc ở nước ngoài đã được thực hiện từ khi có Luật BHXH năm 2006. Thế nhưng qua hơn 10 năm, đến giữa tháng 12/2017, cả nước có trên 400.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhưng rất ít người lao động tham gia - chỉ có hơn 6.200 người tham gia BHXH, tương đương chỉ có 1,5%.
Tại Hội nghị “Quan chức Cấp cao các nước Campuchia, Lào, Myanma, Thái Lan và Việt Nam (CLMTV) về hợp tác lao động”, diễn ra ngày 20/8, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng: Những năm qua, người dân tại các tỉnh dọc biên giới không ngừng di cư sang quốc gia lân cận tìm kiếm việc làm và đa phần trong số họ là lao động phổ thông.
Theo ông Doãn Mậu Diệp, Hội nghị cấp Bộ trưởng và cấp Quan chức giữa 5 nước được tổ chức với chủ đề: “An sinh xã hội: Tính liên thông của bảo hiểm xã hội cho người lao động di cư trong CLMTV”, góp phần giúp 5 quốc gia Campuchia, Lào, Myanma, Thái Lan và Việt Nam tăng cường hơn nữa công tác quản lý lao động di cư giữa các nước, đồng thời ưu tiên đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động di cư.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, chỉ tính riêng tại 5 nước trong khu vực đã có hơn 76.000 lao động Việt Nam đang làm việc. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của ILO vào tháng 12/2017, khảo sát 1.800 người lao động đã làm việc ở các quốc gia này, thì có khoảng 52% trong số họ đã làm việc bất hợp pháp tại Thái Lan; 12% làm việc bất hợp pháp tại Malaysia. Đa số lao động di cư làm các công việc nặng nhọc trong các lĩnh vực như nông nghiệp, xây dựng.
Nhiều chuyên gia nhận định, “an sinh xã hội cho lao động di cư của các nước trong khu vực này rất yếu". Thực tế hiện nay, quy định pháp lý về đảm bảo an sinh cho người lao động di cư của các nước nói trên chưa đầy đủ, thiếu tính liên thông và chưa có thỏa thuận song phương giữa các nước.
Để đảm bảo an sinh cho lao động di cư, theo ông Phạm Đỗ Nhật Tân, chuyên gia về BHXH, trước mắt, các nước cần có quy định cho phép cả lao động người nước ngoài đang làm hợp pháp và bất hợp pháp đều được tiếp cận bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động. Còn về lâu dài, theo ông Tân, cần phải thí điểm liên thông bảo hiểm hưu trí ở một số nước trong khu vực có sự tương đồng về chính sách BHXH; sau đó mở rộng ra các nước trong khu vực; qua đó đảm bảo tốt nhất cơ hội tiếp cận an sinh xã hội của nười lao động di cư.
Chỉ tính trong nước, xu hướng luồng di cư từ nông thôn ra thành thị ở Việt Nam diễn ra ngày càng nhiều và nhanh chóng. Năm 1989 mới có 1,3 triệu người di cư, nhưng đến 2009, con số này đã tăng lên 3,4 triệu người. Đến 2019, dự báo có tới 5 triệu người di cư từ nông thôn ra thành thị, chiếm khoảng 5% dân số. |