Chi hội Văn nghệ dân gian Lào Cai với công tác bảo tồn văn hóa dân gian

Trường Sa - Thanh Ngọc
14/12/2023 - 18:15
Chi hội Văn nghệ dân gian Lào Cai với công tác bảo tồn văn hóa dân gian

Các hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian Lào Cai tích cực đi nghiên cứu thực địa

Từ nhiều năm qua, Chi Hội Văn nghệ dân gian Lào Cai đã có nhiều hoạt động nghiên cứu sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian các dân tộc ở Lào Cai và các tỉnh lân cận một cách tích cực, đạt được nhiều thành tích khá nổi bật.

Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh Lào Cai là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ Hội Văn nghệ dân gian phê chuẩn.

Trong những năm qua, Chi hội Văn nghệ dân gian Lào Cai là nơi đoàn kết, tổ chức, hướng dẫn, tạo điều kiện cho những người hoạt động sáng tạo văn nghệ dân gian của tỉnh phát huy tinh thần tự do, dân chủ, sáng tạo trong khuôn khổ pháp luật về công tác nghiên cứu, sưu tầm và xuất bản.

Chi hội Văn nghệ dân gian Lào Cai với công tác bảo tồn văn hóa dân gian
- Ảnh 1.
Chi hội Văn nghệ dân gian Lào Cai với công tác bảo tồn văn hóa dân gian
- Ảnh 2.

Chi hội Văn nghệ dân gian Lào Cai tổ chức phục dựng và bảo tồn nghề dệt truyền thống của người Dao họ ở huyện Bảo Thắng, Lào Cai

Trao đổi với phóng viên Báo PNVN, bà Nguyễn Minh Tú, hội viên Chi Hội Văn nghệ dân gian Lào Cai, cho biết: “Các hội viên của Chi hội phần lớn đều là những đảng viên gương mẫu, có lập trường tư tưởng vững vàng, chấp hành tốt mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nội quy của cơ quan và nơi cư trú, cũng như Điều lệ hoạt động của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. 

Tính đến năm 2023, Chi hội có 33 hội viên, trong đó tỉ lệ hội viên có độ tuổi từ 30 - 45 chiếm hơn một nửa. Chất lượng hội viên không ngừng được nâng cao, trong đó 100% hội viên có trình độ đại học trở lên. Hiện tại chi hội có 4 tiến sĩ, 10 thạc sĩ (trong đó có 1 thạc sĩ được đào tạo tại Úc), 01 hội viên là nghệ sĩ ưu tú, 01 hội viên là nghệ nhân ưu tú, 09 hội viên là người dân tộc thiểu số. Hiện tại, Chi hội vẫn tiếp tục tìm kiếm, phát hiện và bồi dưỡng thêm các cộng tác viên mới, giới thiệu kết nạp vào Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Các cộng tác viên của chi hội là người có tâm huyết với công tác nghiên cứu, sưu tầm văn nghệ dân gian Lào Cai, là lực lượng quan trọng để bổ sung, phát triển thành hội viên trong những năm tới.

Với những ưu thế và lòng nhiệt huyết của các hội viên, trong năm 2023, hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian Lào Cai đã tham gia thực hiện nhiều nội dung bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc thuộc các Đề án, dự án của tỉnh, như: “Tổ chức xây dựng các mô hình: Bảo tồn trang phục, mẫu hoa văn, trang sức của người Nùng Dín, huyện Mường Khương; phối hợp xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Tết cơm mới của người Xá Phó huyện Văn Bàn; nghệ thuật trang trí trên trang phục người Hà Nhì huyện Bát Xát; nghi lễ cúng rừng của người Pa Dí huyện Mường Khương; tổ chức lớp truyền dạy thêu may trang phục của người La Chí xã Nậm Khánh, huyện Bắc Hà; xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai; tổ chức quay phim bảo tồn lễ cúng rừng của người Nùng huyện Mường Khương và huyện Si Ma Cai, Tết Tháng 7 của người La Chí ở Nậm Khánh, Bắc Hà; hỗ trợ các địa phương tổ chức bảo tồn lễ hội dân gian các dân tộc thuộc Dự án 6; năm 2022, hội viên Chi hội đã phối hợp với Sở VHTT xây dựng 05 hồ sơ nghệ nhân đề nghị Nhà nước vinh danh là nghệ nhân ưu tú, 04 hồ sơ nghệ nhân dân gian (đã được Hội VNDGVN phong tặng). 

Năm 2023, tiếp tục phối hợp xây dựng hồ sơ 05 nghệ nhân đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, 05 hồ sơ nghệ nhân dân gian.

Chi hội Văn nghệ dân gian Lào Cai với công tác bảo tồn văn hóa dân gian
- Ảnh 3.

Phục dựng Hội hát qua làng ở vùng người Dao Tuyển

Ngoài việc nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số, Chi hội còn phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Lào Cai thực hiện nhiều hoạt động như: Tham gia các hội thảo chuyên ngành; thẩm định hồ sơ khoa học di tích đề nghị xếp hạng các cấp; thẩm định các dự án bảo tồn làng văn hóa, dự án phát triển du lịch của tỉnh và các địa phương; tham gia đề tài nghiên cứu Khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu, bảo tồn văn hóa truyền thống người Mông huyện Si Ma Cai và huyện Bắc Hà gắn với phát triển du lịch” do UBND huyện Si Ma Cai chủ trì; đề tài nghiên cứu bảo tồn văn hóa và dân ca nghi lễ của người Dao do Vingroup tài trợ...

Chi hội Văn nghệ dân gian Lào Cai với công tác bảo tồn văn hóa dân gian
- Ảnh 4.

Tiến sĩ Dương Tuấn Nghĩa - Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh Lào Cai

Tiến sĩ Dương Tuấn Nghĩa, Chi Hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Lào Cai, nhận định: “Mặc dù các hội viên thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau (nhất là hội viên đang công tác), nhưng các hội viên vẫn rất tích cực tham gia các chương trình của tỉnh; gửi đề cương đề nghị Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tài trợ từ nguồn hỗ trợ sáng tạo dân gian; tham gia các trại sáng tác hàng năm. 

Đối với các hội viên đã nghỉ hưu lại càng hăng say trong nghiên cứu, sưu tầm, biên tập các công trình nghiên cứu, nên cũng tạo ra nhiều thành tích trong hoạt động Chi hội. Cho đến nay, các hội viên đã in ấn, xuất bản hàng trăm đầu sách chuyên khảo về văn hóa các dân tộc tỉnh Lào Cai. Đặc biệt là quá trình triển khai Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, có sự đóng góp rất lớn của các hội viên Chi hội”

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm