Chỉ số nữ doanh nhân 2020 Việt Nam: Tăng vai trò lãnh đạo nhưng chưa phát huy hết tiềm năng nữ giới

D.H
06/03/2021 - 15:30
Chỉ số nữ doanh nhân 2020 Việt Nam: Tăng vai trò lãnh đạo nhưng chưa phát huy hết tiềm năng nữ giới
Theo báo cáo Chỉ số Nữ doanh nhân 2020 (MIWE 2020) do Mastercard vừa công bố, phụ nữ Việt đang ngày càng có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế. Trong bối cảnh đại dịch, vấn đề này cần được tiếp tục khích lệ để phụ nữ tham gia nhiều hơn vào xây dựng kinh tế hậu Covid-19 ổn định, toàn diện hơn.

Gần 80% doanh nghiệp nữ làm chủ dễ tổn thương do Covid-19

Số liệu của MIWE 2020 cho thấy, Việt Nam đứng thứ 9 trong số 58 quốc gia được nghiên cứu về số phụ nữ trong vai trò lãnh đạo và tham gia lực lượng lao động. Tuy nhiên, một vài chỉ số khác cho thấy vẫn còn nhiều tiềm năng ở phụ nữ Việt chưa được phát huy.

Bà Winnie Wong – Giám đốc Mastercard tại Việt Nam, Lào và Campuchia cho biết, Việt Nam một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối chống lại phụ nữ vào năm 1982, với 73% dân số nữ tham gia lực lượng lao động, một trong những tỷ lệ cao nhất ở Đông Nam Á lúc bấy giờ.

"Ngày nay, phụ nữ Việt càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, với 26,5% tổng số doanh nghiệp trên cả nước do phụ nữ làm chủ" – bà nhấn mạnh.

Một chỉ số khác của MIWE 2020 cũng cho thấy, mặc dù đạt điểm số ấn tượng về khả năng lãnh đạo và việc làm, Việt Nam chỉ xếp thứ 25 trong số 58 quốc gia được nghiên cứu. Ví dụ, trong khi xếp hạng thứ 19 về "Tài sản tri thức và Tiếp cận tài chính" – những yếu tố tác động đến cơ hội của phụ nữ trong vay vốn và tích lũy, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và tuyển sinh đại học, Việt Nam chỉ đứng thứ 44 về "Điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp" – chỉ số đánh giá mức độ dễ dàng trong kinh doanh và nhận thức văn hóa của doanh nhân.

Chỉ số Nữ Doanh nhân 2020 Việt Nam: Tăng vai trò lãnh đạo nhưng chưa phát huy hết tiềm năng nữ giới - Ảnh 1.

Phụ nữ trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam chịu tác động của đại dịch Covid-19, theo MIWE 2020

"Mặc dù phụ nữ Việt đã và đang đạt được những tiến bộ đáng ngưỡng mộ về kinh tế, những chỉ số kể trên đã cho thấy một số nền tảng hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp vẫn có thể được củng cố nhằm thúc đẩy một môi trường tài chính toàn diện hơn nữa" – bà Wong nhận định.

Nghiên cứu từ MIWE 2020 còn chỉ ra một số lĩnh vực chịu tác động lớn nhất từ đại dịch, bao gồm ngành bán buôn và bán lẻ, khách sạn, khoa học kỹ thuật, và ITC. Đặc biệt, gần 80% các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam rất dễ bị tổn thương trước các vấn đề từ đại dịch, trong khi con số này ở nam giới là 60%.

Số hóa thương mại – giải pháp hậu Covid-19 cho nữ doanh nhân

Bà Winnie Wong nhận định, việc thúc đẩy số hóa thương mại sẽ là cốt lõi để hỗ trợ các doanh nhân nữ. Các sáng kiến hiện có của Chính phủ như hỗ trợ tài chính trực tiếp có thể được tăng cường nhờ giải ngân điện tử. Từ đó đưa các doanh nghiệp nhỏ vào hệ thống ngân hàng, gia tăng khả năng khai thác sức mạnh của thương mại điện tử như giao dịch điện tử một cách hiệu quả và an toàn hay tiếp cận khách hàng trên toàn quốc và trên thế giới.

Đây cũng là giải pháp tối ưu trong bối cảnh giãn cách xã hội với hầu hết các quốc gia trên thế giới trong cơn đại dịch Covid-19, khiến sự hiện diện trực tuyến trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nhiều doanh nghiệp, cửa hàng đã nhanh chóng ứng dụng và tăng cường hiện diện trên các sàn thương mại điện tử, và thay đổi hoàn toàn cách vận hành và kinh doanh bấy lâu nay.

Hiểu rõ tầm quan trọng của số hóa thương mại, Mastercard cam kết đưa 1 tỷ người và 50 triệu doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trên toàn cầu tiếp cận với nền kinh tế số vào năm 2025. Tại Việt Nam với mục tiêu tiếp cận hơn 1 triệu phụ nữ, Mastercard phối hợp với tổ chức CARE International để hỗ trợ các ngân hàng và công ty fintech điều chỉnh các sản phẩm dịch vụ, nhằm đưa phụ nữ tham gia vào hệ thống tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh của họ.

Chỉ số Nữ Doanh nhân 2020 Việt Nam: Tăng vai trò lãnh đạo nhưng chưa phát huy hết tiềm năng nữ giới - Ảnh 2.

Bà Winne Wong - Giám đốc Mastercard tại Việt Nam, Lào và Campuchia kỳ vọng vào tiềm năng của nữ doanh nhân Việt sau đại dịch Covid-19

"Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp sớm tham gia vào thị trường thương mại điện tử và gặt hái thành công. Với đa phần các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, làn sóng chuyển đổi số đang gia tăng sẽ nhanh chóng đẩy thuyền họ đi xa hơn. Điều này mang lại lợi ích kép, không chỉ thúc đẩy các doanh nghiệp nói chung, mà còn tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển kinh doanh và phát triển kinh tế hơn" – chuyên gia Winnie Wong khẳng định.

Bà Winnie Wong cũng đồng thời nhấn mạnh, việc tập trung phát triển các giải pháp, tận dụng công nghệ và tập hợp chuyên môn để thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ vào nền kinh tế, đặc biệt là củng cố tinh thần khởi nghiệp, cần được chú trọng.

"Phụ nữ đặc biệt dễ bị tổn thương trước các vấn đề kinh tế, nhất là trong giai đoạn gần đây. Đã đến lúc cần tập trung nỗ lực để biến việc dễ bị tổn thương thành khả năng phục hồi, từ đó xây dựng một nền kinh tế ổn định và toàn diện hơn cho tương lai" – bà nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm