Chỉ thị giảm giá sách giáo khoa, không ép mua sách bài tập của Bộ GD-ĐT: Nhiều phụ huynh chỉ biết... cười trừ

Nhật Minh
22/06/2022 - 08:42
Chỉ thị giảm giá sách giáo khoa, không ép mua sách bài tập của Bộ GD-ĐT: Nhiều phụ huynh chỉ biết... cười trừ

Ảnh minh họa: Ngọc Thắng

Trước chỉ thị giảm giá sách giáo khoa, không ép buộc học sinh, gia đình học sinh mua sách tham khảo, sách bài tập vừa được Bộ GD-ĐT ban hành, nhiều phụ huynh chỉ biết... cười trừ. Bởi như thông lệ mọi năm, họ đều đã được nhà trường vận động mua cả bộ sách giáo khoa trước khi kết thúc năm học với giá không rẻ.

Không dám mua bên ngoài vì…

Nói về việc mua sách giáo khoa (SGK) cho con, chị Nguyễn Ánh Hồng (Duy Tân, Hà Nội) không khỏi bức xúc. Chị Hồng cho biết, năm học lớp 2 vừa qua của con, nhiều sách tham khảo không một lần được dùng tới. Nhìn những quyển sách mới tinh được bó cùng những quyển sách giáo khoa cũ để quyên góp cho trẻ miền núi, chị Hồng cảm thấy xót xa. "Trẻ ở Hà Nội còn không dùng đến thì chắc gì trẻ ở miền núi đã học đến. Các con học sách giáo khoa, sách bài tập đã không đủ thời gian, huống hồ là sách tham khảo. Bao nhiêu đứa trẻ đi học là gần chừng ấy bộ sách tham khảo bị… vứt đi. Điều đó vô cùng lãng phí!", chị Hồng cho biết.

Con chưa lên lớp 3 nhưng chị Hồng đã mua xong bộ sách cho con ở nhà trường từ trước khi con được nghỉ hè. Cũng giống như bộ sách năm trước, bộ sách lớp 3 của con phần lớn là sách tham khảo. "Năm nào nhà trường cũng vận động phụ huynh mua SGK. Hầu hết phụ huynh trong lớp đều đăng ký mua. Không ai dám mua bên ngoài do không biết nhà trường cho học sách loại nào. Mỗi loại một kiểu, lúc học sách Cánh diều, lúc học sách Kết nối trí thức. Vì thế, phụ huynh đều đăng ký mua tại nhà trường cho tiện, dù biết nhiều sách không học đến. Như bộ SGK lớp 3 mà chúng tôi phải mua cho con gồm 31 quyển, với giá 648.000 đồng. Với những phụ huynh không có điều kiện kinh tế như chúng tôi, số tiền này là quá cao. Hai con đi học, chỉ tiền SGK cũng khiến phụ huynh méo mặt!", chị Hồng cho biết.

Theo chị Hồng, trong lớp của con chị, nhiều phụ huynh đã có ý kiến về việc sách tham khảo không học mà vẫn phải mua, gây lãng phí. Họ muốn đăng ký mua sách giáo khoa, sách bài tập. Thế nhưng giáo viên chủ nhiệm cho biết, sách đã được nhà trường duyệt mua theo bộ và chỉ bán theo bộ. Vì thế, phụ huynh đành đăng ký mua cho xong.

Ảnh minh họa: NGỌC THẮNG

Ảnh minh họa: NGỌC THẮNG

Lo Chỉ thị chỉ ở trên giấy

Do con chuyển cấp nên chị Nguyễn Hải Minh (Ngô Thì Nhậm, Q.Hà Đông, Hà Nội) không phải đăng ký mua SGK cho con từ nhà trường. Thế nên, nghe tin Bộ GD-ĐT vừa ban hành chỉ thị "giảm giá sách giáo khoa, không ép buộc học sinh, gia đình học sinh mua sách tham khảo, sách bài tập", chị Hải Minh cảm thấy rất vui. "Tôi không biết giá SGK có giảm không nhưng không ép buộc học sinh mua sách tham khảo, sách bài tập là phụ huynh cũng đã tiết kiệm được gần 50% số tiền. Theo tôi, sách bài tập, sách tham khảo là cần thiết, tuy nhiên phải phù hợp với khả năng, nhu cầu của từng đứa trẻ. Việc yêu cầu tất cả học sinh phải mua sách bài tập, sách tham khảo như trước đây là lãng phí khi nhiều em không động đến những sách đó. Hãy để gia đình tự biết con cần sách gì sẽ mua cho con. Như con tôi năm nay lên lớp 6, con thích học Toán và tiếng Anh, tôi sẽ tìm mua cho con các loại sách tham khảo, nâng cao 2 môn này".

Tuy nhiên, điều chị Hải Minh băn khoăn là Chỉ thị số 643/CT-BGDĐT về việc giảm giá sách giáo khoa, không ép mua sách bài tập, sách tham khảo của Bộ GD-ĐT có được thực hiện nghiêm túc trong thực tế. "Tôi chỉ lo, Chỉ thị này chỉ ở trên giấy. Việc nhà trường có làm theo Chỉ thị hoặc nếu có làm theo thì chỉ được năm đầu tiên. Những năm sau lại đâu vào đấy thì phụ huynh cũng không biết làm sao. Phụ huynh trước nay vốn không dám có ý kiến với nhà trường dù biết có nhiều bất cập. Tôi mong Bộ GD-ĐT giám sát chặt chẽ việc thực hiện Chỉ thị này để tránh gây lãng phí, tiết kiệm cho người dân", chị Hải Minh cho biết.

Cần nhân rộng mô hình thư viện sách giáo khoa

Bà Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư, hỗ trợ thư viện SGK dùng chung cho học sinh các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Với sự đầu tư ấy, học sinh sẽ được mượn SGK miễn phí hàng năm và trả lại nhà trường khi năm học kết thúc. Như vậy vừa tiết kiệm chi phí, vừa đỡ gánh nặng kinh tế cho các gia đình vùng khó khăn.

Đồng quan điểm, đại biểu Thái Văn Thành (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) cho biết, Nghệ An có 11 huyện miền núi, đặc biệt là có 6 huyện miền núi rất khó khăn. Ngành giáo dục đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng mô hình thư viện SGK trên phương thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm. "Trong đó, tỉnh dành một phần kinh phí để trang bị SGK cho nhà trường, rồi chúng tôi kêu gọi doanh nghiệp, nhà xuất bản tặng SGK cho nhà trường; kêu gọi các em học sinh khóa trước học xong tặng lại SGK để xây dựng thư viện", ông cho biết. Việc làm này đang được duy trì tại Nghệ An nhằm giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc các cháu thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi có sách để học, sách dùng được nhiều lần đỡ lãng phí. Đại biểu Thái Văn Thành cho rằng, Bộ Giáo dục & Đào tạo cần nhân rộng mô hình này trong các địa phương trên cả nước.

H.Y (ghi)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm