Chị Tư Hậu ham làm chuyện “bao đồng”

Bài, ảnh: Hoài Thương
03/02/2020 - 10:00
Chị Tư Hậu ham làm chuyện “bao đồng”
Dù đã bước sang tuổi 56 nhưng chị Trương Thị Hậu (tức Tư Hậu) vẫn đảm đương tốt nhiệm vụ Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 3, phường Phú Thạnh (Q.Tân Phú, TPHCM). Chị được mọi người yêu quý bởi thích làm chuyện “bao đồng”, ai cần giúp thì chị đều sẵn lòng.

"Biến rác thành tiền"

Nữ đảng viên này cho biết, năm 1983 chị đã tham gia công tác Hội, năm 2012 chị được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 3 cho đến bây giờ. Chị tâm niệm: "Dù là quần chúng hay Đảng viên thì tôi đều xác định phải làm thật tốt mọi nhiệm vụ. Công việc của tôi không lớn lao gì nhưng gần gũi cộng đồng, với chị em".

Sau khi trở thành Chị hội trưởng, chị luôn mong muốn Chi hội mạnh, phải có quỹ để hoạt động. Qua nhiều cách làm, cuối cùng chị đã nghĩ đến việc đi gom ve chai ở các gia đình chị em hội viên và bán lấy tiền gây quỹ. 8 năm qua, mô hình "Biến rác thành tiền" của chị đã được nhiều người biết đến và nhiều Chi hội khác cũng làm theo.

Chị Tư Hậu ham làm chuyện “bao đồng” - Ảnh 1.

Chị Tư Hậu đi xin ve chai

Với mô hình này, chị làm được "một công đôi việc", vừa xin ve chai vừa gặp gỡ chị em để tuyên truyền bảo vệ môi trường. "Làm công việc này phải đi từ cái tâm của mình. Nhiều lúc bạn bè cứ bảo tôi ôm rác về nhà làm gì cho bẩn, cho cực. Hay nhiều hộ chưa hiểu thì bảo bận không có thời gian phân loại. Vậy là tôi phải đến vận động thường xuyên, ngày này không được thì tôi đi ngày sau. Dần dà mọi người cũng hiểu và ủng hộ tôi", chị Hậu bộc bạch.

Mỗi lần mọi người cho ve chai, chị mang về phân loại kỹ để bán được giá cao. Chị còn phải rõ ràng về tài chính để chị em hội viên tin tưởng: xin từ đâu, gây quỹ được bao nhiều và trao phát cho ai, như thế nào đều được chị ghi chép cẩn thận. Gần 8 năm qua, chị Hậu được hội viên tin tưởng, biết chị cũng chỉ "vác tù và hàng tổng", "bao đồng" vì cái chung nên giờ việc đi xin đã thuận lợi hơn giai đoạn đầu. Chị Hậu chia sẻ: "Mấy vựa ve chai biết tôi làm việc cộng đồng nên cũng ưu ái mua giá cao hơn, như thùng lon bia bình thường họ mua 4 nghìn nhưng có lúc mua cho tôi đến 8 nghìn đồng. Hay có nhiều hộ còn cho cả xe ba gác ve chai để tôi bán gây quỹ".

Chị Tư Hậu ham làm chuyện “bao đồng” - Ảnh 2.

Phân loại ve chai

Nhờ đó, số tiền từ nguồn bán phế liệu của Chi hội phụ nữ khu phố 3 được dùng mua nhu yếu phẩm trợ cấp các gia đình khó khăn, mua quà đi thăm hội viên, phụ nữ ốm đau, mua dụng cụ học tập cho học sinh nghèo, trợ vốn không lãi cho một chị bán vé số trong khu phố, thăm các gia đình có con nhập ngũ…

Sống vì cộng đồng

Ở phường Phú Thạnh, nhiều người vui vẻ đặt cho chị biệt danh: Tư Hậu "bao đồng", bởi lẽ chị luôn sống vì cộng đồng. Hoạt động phong trào nào chị cũng hăng hái tham gia, từ Hội phụ nữ đến đoàn thanh niên, từ văn nghệ đến hội thi nấu ăn…

Chị đã nghĩ ra nhiều cách làm "có 1 không 2" để giúp đỡ chị em trong khu phố. Có thể kể đến như: Cho chị em bán vé số mượn vốn trả góp. Một vài chị em trong khu phố chưa có tiền vốn để mua vé số thì chị Hậu cho mượn 1 triệu đồng và trả góp 40 ngàn đồng/ngày và không lấy lãi. "Cho các chị mượn và trả góp như vậy thì họ sẽ trả được, chứ số tiền dồn lại họ không trả nổi. Tôi cứ để cái lon trước nhà, ai đến mà không gặp tôi thì cứ bỏ vào lon đó. Sau 1 tháng ai mà xoay không kịp thì có thể mượn lại. Tôi cho mượn mấy năm nay rồi, ai cũng trả đầy đủ. Các chị tuy nghèo nhưng rất thật thà", chị Hậu chia sẻ.

Chị Tư Hậu ham làm chuyện “bao đồng” - Ảnh 3.

Chị Tư Hậu thành lập mô hình "Biến rác thành tiền" từ năm 2012

Để thu hút hội viên đi họp đông đủ, chị nghĩ ra cách nấu chè khoai môn mời mọi người thưởng thức. Chị Hậu giải thích: "Mình nấu nồi chè mời mọi người thưởng thức, qua đó lồng ghép nội dung tuyên truyền. Có như vậy, buổi họp sẽ gần gũi hơn".

Hiện nay, chị Hậu còn tham gia Tổ tư vấn cộng đồng tại Trung tâm công tác xã hội Ánh Dương nhằm bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em. Ngôi nhà của chị cũng trở thành điểm tin cậy cộng đồng. Dù nửa đêm hay rạng sáng, cứ nhà nào mâu thuẫn, chị lại phối hợp với lực lượng chức năng đến hòa giải và giúp đỡ chị em lúc cần thiết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm