pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chỉ vì nghe lời bà nội và cha, cậu bé 15 tuổi vướng vòng lao lý
Ảnh minh hoạ
Gia đình gồm bà nội, con trai và cháu trai cùng phạm tội mua bán ma túy
Phiên toà xử án ma tuý rúng động TPHCM đã khép lại vài ngày nhưng với Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà Hoàng Thị Bích Duyên vẫn còn trăn trở về gương mặt buồn và ngơ ngác của cậu bé - bị cáo tuổi vị thành niên tại phiên toà.
Hôm ấy, Tòa Gia đình và người chưa thành niên (Toà án Nhân dân TPHCM) xử sơ thẩm đã tuyên phạt người mẹ, bị cáo Nguyễn Thị Cúc (sinh năm 1956) 17 năm tù và con trai bị cáo Cúc là Lư Thành An (sinh năm 1982) 16 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma tuý.
Đáng tiếc nhất là cháu nội của bị cáo Cúc, cũng là con trai bị cáo An, tên là Lư Vương (sinh năm 2004) cũng bị tuyên phạt 3 năm tù, nhưng cho hưởng án treo cùng tội danh với bà nội và cha mình.
4 bị cáo còn lại bị phạt từ 2 năm 2 tháng 5 ngày tù (bằng thời hạn tạm giam) đến 7 năm tù về các tội mua bán, tàng trữ trái phép chất ma tuý.
Khi HĐXX đang tuyên án, mẹ con bị cáo Cúc và bị cáo An đều sụt sùi khóc, ánh mắt đỏ hoe, rồi cùng quỳ lạy tại toà khi nghe thấy bị cáo Lư Vương được hưởng án treo.
Theo cáo trạng được HĐXX đưa ra tại toà, bị cáo Cúc là người bà, lớn nhất trong nhà. Chồng bị cáo Cúc chết sớm, bản thân Cúc học vấn thấp, nghèo khó, cáng đáng lo cho con trai cùng hai cháu nhỏ bằng việc bán tạp hoá và nước trong hẻm nhỏ trên đường Hồng Bàng (phường 16, quận 11). Vì tham lợi, bị cáo Cúc đã xúi giục rồi kéo con trai, cháu trai vướng vòng lao lý với mình.
Tại tòa, bị cáo Cúc thừa nhận bắt đầu mua bán ma túy tổng hợp (thường gọi là ma túy đá) từ khoảng tháng 4/2020, nguồn ma túy mua của đối tượng tên Út (không rõ lai lịch). Cứ 3 - 4 ngày, Cúc mua 1 gói ma túy giá 5 triệu đồng (không rõ khối lượng), mang về nơi ở đưa cho con trai ngồi trên gác phân nhỏ bán cho người nghiện. An dùng cân điện tử phân chia ma túy bỏ vào các gói nylon có khối lượng khác nhau, tương ứng với số tiền khác nhau. Bị cáo Cúc dùng giấy gói lại ghi ký hiệu bên ngoài để phân biệt giá từ 100 đến 500 ngàn đồng. Bán hết 5 triệu tiền ma túy, Cúc thu lợi bất chính được 2 triệu đồng. Ma túy phân chia xong, Cúc cất giấu trong nhà và quán nước trước nhà.
Vương và Nguyễn Đăng Khoa (bạn của bị cáo An từ quê lên ở nhờ) phụ giúp bằng cách khi có người nghiện đến mua thì nhận tiền đưa cho Cúc. Sau đó, Cúc chỉ chỗ cất giấu ma túy để lấy đưa cho người nghiện. Vương được bị cáo Cúc cho 200 ngàn đồng/ngày, Khoa được cho 100 ngàn đồng/ngày. Riêng con trai là bị cáo An, Cúc chỉ cho ma túy để con mình sử dụng.
Đến chiều 21/5/2020, nhóm của Cúc bị công an kiểm tra bắt quả tang, thu giữ toàn bộ số ma túy chưa bán hết cùng những dụng cụ để phân chia và sử dụng ma túy tại nhà bị cáo Cúc.
Vụ án này từng nhiều lần được đưa ra xét xử, tuy nhiên lại phải hoãn vì việc tống đạt mời làm việc đối với bị cáo Vương gặp khó. Một phần đang trong giai đoạn dịch Covid-19, một phần triệu tập nhưng Vương không đến được.
Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án đã tìm hiểu kỹ và được công an khu vực cho biết hoàn cảnh của Vương. Cụ thể, bị cáo đang được tại ngoại làm bốc vác và sửa xe nuôi em gái sinh năm 2007. Những lần bị cáo đến toà nhận các quyết định tố tụng, đều phải ứng tiền lương trước để đi xe đến toà. Có lần, Thẩm phán, thư ký đành góp chút tiền nhỏ giúp cho hoàn cảnh của 2 anh em Vương.
Theo hồ sơ, Vương bị bắt khi mới 15 tuổi 11 ngày. Theo luật, đối với hành vi phạm tội của Vương, nếu dưới 15 tuổi là không khởi tố, truy tố. Tuy nhiên, HĐXX vẫn làm việc nghiêm túc, đưa ra bản án mang tính nhân văn nhất đối với bị cáo Vương.
Phiên toà khép lại với nhận định, bị cáo Vương phạm tội nhưng có nhiều tình tiết giảm nhẹ, thành khẩn khai báo, tích cực giúp đỡ cơ quan điều tra phát hiện tội phạm. Bị cáo phạm tội khi còn là người chưa thành niên, nhận thức pháp luật còn hạn chế. Bản thân không sử dụng ma tuý, hiện đang nuôi em gái sống cùng nhà… nên xử cho bị cáo Vương được hưởng án treo.
Giọt nước mắt muộn màng của người "đầu tàu" gia đình
"Phiên toà đã khép lại nhưng trước khi phiên toà diễn ra và cả sau khi phiên toà kết thúc vẫn làm tôi và Hội đồng xét xử trăn trở, nuối tiếc và đau xót nhiều điều. Nhìn các bị cáo là người cùng gia đình, là bà nội, là cha, là con cùng theo nhau phạm một tội danh rất nặng, chỉ vì hám lợi mà đau xót. HĐXX chúng tôi đã xử đúng người, đúng tội và có cả bản án nhân văn ở đây nhằm răn đe đối với xã hội" - Thẩm phán Hoàng Thị Bích Duyên chia sẻ.
Để có một phiên toà công minh, đặc biệt là bản án nhân văn dành cho bị cáo tuổi vị thành niên khiến các bị cáo còn lại đều tâm phục, được người dân đồng tình ủng hộ, theo Thẩm phán Hoàng Thị Bích Duyên, HĐXX đã xem xét toàn diện chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, tính chất, mức độ hành vi vi phạm pháp luật, nếu xét người phạm tội không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, và quyết định cho bị cáo nhỏ tuổi Vương được hưởng án treo là hợp tình hợp lý. Bởi một trong những nguyên tắc xử lý người chưa thành niên phạm tội là bị cáo cần được giúp đỡ, giáo dục để bị cáo phạm tội sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.
Đặc biệt, xét về hoàn cảnh gia đình của các bị cáo Cúc, An và Vương thuộc diện đặc biệt khó khăn. Cha mẹ ly hôn từ khi bị cáo Cúc còn rất nhỏ. Gia đình bị cáo Cúc nhiều năm khó khăn về kinh tế. Là người dân tộc Hoa, trình độ học vấn thấp, ý thức pháp luật hạn chế. Bị cáo Cúc là người lớn tuổi nhất trong gia đình, là bà nội, là lao động chính nuôi cả gia đình bằng một gánh hàng tạp hoá. Việc lôi kéọ con trai, cháu trai vào việc phạm tội chính là sai lầm lớn nhất vì có yếu tố lệ thuộc kinh tế và tình thân… của bị cáo Cúc.
"Khi nghiên cứu hồ sơ, tôi thật rất đau xót, vừa thương, vừa trách người "đầu tàu" khi không chỉ khiến bản thân tuổi già vướng vào vòng lao lý, mà còn kéo theo con trai, cháu trai cùng phạm tội. Những giọt nước mắt ân hận muộn màng của bị cáo là bà nội, khi được Hội đồng xét xử hỏi đến: Có suy nghĩ gì khi vì lợi nhuận, bị cáo đã bất chấp tham gia mua bán trái phép chất ma tuý là hành vi vi phạm pháp luật, còn là nguồn gốc phát sinh nhiều loại tội phạm khác, mà trong vụ án này bị cáo còn kéo theo cả con trai và cháu nội của mình cùng phạm tội?... Bị cáo Cúc chỉ cúi đầu nén nỗi ân hận ập đến cắn dứt bà nhiều ngày qua…", Thẩm phán Hoàng Thị Bích Duyên nhớ lại.
"Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ rõ sau khi toà tuyên án, hình ảnh người cha của bị cáo Vương ngả đầu vào vai bị cáo Cúc. Có lẽ đó là những khoảnh khắc bình yên của tình mẫu tử hiếm hoi ngắn ngủi mà bị cáo An cố níu kéo hơi ấm của người mẹ già trong đau đớn, tiếc nuối. Hay ánh mắt, sự nhắn nhủ vội vã của bị cáo Cúc dành cho đứa cháu nội cũng là bị cáo, chỉ vì nghe lời mình mà cùng vướng vào lao lý, đầy ăn năn, hối hận muộn màng", Thẩm phán Hoàng Thị Bích Duyên kể.
Bị cáo Cúc thương cháu trai từ nay phải trở thành trụ cột chính của gia đình, khi phải vừa nuôi bà nội và cha trong trại giam, còn nuôi đứa em gái bé bỏng đang tuổi ăn tuổi học còn ngơ ngác giữa dòng đời….
Phiên toà đã khép lại nhưng vẫn khiến cả HĐXX và những người tham gia tố tụng đều cảm thấy chua xót, tiếc nuối… cho một gia đình đã bị huỷ hoại bởi lòng tham mà mang trọng tội vì ma tuý.