pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chia sẻ hình ảnh con lên mạng xã hội có thể tạo cơ hội cho kẻ trộm công nghệ “ăn cắp danh tính”
Con cái là tài sản vô giá đối với các bậc phụ huynh. Chứng kiến con mình chập chững bước những bước đầu tiên hay đạt được thành tựu nào đó, hẳn cha mẹ sẽ cảm thấy rất đỗi tự hào và muốn khoe cho cả thế giới biết.
Nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội, việc khoe con cũng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Nghiên cứu trên trang Pew Research Center cho thấy 82% phụ huynh người Mỹ từng đăng tải hình ảnh con cái lên, 18% còn lại không chia sẻ vì lo ngại các vấn đề về bảo mật thông tin.
Chia sẻ ảnh con cái là một hành động rất tự nhiên, tuy nhiên, cha mẹ cần cẩn thận về mức độ, bởi kẻ trộm công nghệ cao có thể lợi dụng thông tin cá nhân của con cho mục đích xấu. Trong những năm gần đây, việc chia sẻ thông tin của trẻ lên mạng xã hội đã bị phản đối vì vi phạm quyền riêng tư. Hơn nữa đứa trẻ cũng bị tước đi quyền lựa chọn danh tính trên mạng.
Thống kê từ Trung tâm An ninh mạng (Safer Internet Center) về trải nghiệm trực tuyến của người trẻ cho biết, 46% trong số họ cảm thấy lo lắng và mất kiểm soát khi phát hiện thông tin của mình bị đăng tải trên mạng mà không hề hay biết. Hơn 44% cảm thấy tức giận, chỉ có khoảng 15% là tỏ ra thờ ơ.
Chúng ta đã bao giờ tự hỏi liệu đứa trẻ khi trưởng thành sẽ cảm thấy thế nào khi thấy những gì cha mẹ từng đăng lên mạng xã hội mà không có sự đồng ý của chúng?
Vì sao nhiều bậc phụ huynh thích khoe con?
Chia sẻ hình ảnh con, ngoài mục đích đánh dấu sự kiện, còn giúp cha mẹ tìm kiếm sự đồng cảm và chia sẻ từ các cặp cha mẹ khác, nhờ đó mà hành trình nuôi dạy con bớt cô đơn và vất vả hơn.
Đôi khi chia sẻ cũng là cách để truyền tải những thông điệp ý nghĩa và mang tầm ảnh hưởng. Stacey Steinberg, giáo sư đào tào kỹ năng pháp lý tại trường Luật Levin thuộc Đại học Florida, thừa nhận sức mạnh tích cực mà mạng xã hội đem lại. Stacey từng làm việc với các gia đình có em nhỏ bị ung thư, gia đình họ chia sẻ câu chuyện của con em để kêu gọi tài trợ tiền chữa bệnh và tài trợ cho các nghiên cứu y tế, đồng thời nâng cao nhận thức về bệnh và tạo ra cộng đồng để các em nhỏ gặp hoàn cảnh tương tự có thể kết nối, trò chuyện với nhau.
"Trong thời đại này, mạng xã hội dường như đã trở thành phương tiện liên lạc chính của nhiều người. Bạn bè tôi chia sẻ câu chuyện về thách thức trong ngành y tế, phân biệt đối xử trong công việc, và tôi đã được truyền cảm hứng rất nhiều. Khi chúng ta cởi mở chia sẻ, những người khác gặp hoàn cảnh tương tự sẽ nhận được hỗ trợ cũng kiến thức cần thiết", cô cho biết.
Thông tin bắt đầu được chia sẻ từ khi đứa trẻ sinh ra
Khi lướt mạng, hẳn bạn từng chứng kiến một ai đó thông báo về việc mới sinh con. Thông tin đầu tiên là ngày sinh của em bé đã được công khai, có thể đi kèm là một số thông tin khác như họ tên, nơi sinh. Rồi ta đi đến những chặng tiếp theo, kỳ nghỉ đầu tiên của con, lần đầu tiên con đi chơi xa, bạn thân của con hay đồ ăn con thích cũng được đăng tải. Hành vi này phổ biến đến mức người ta nghĩ ra thuật ngữ "Sharenting" (kết hợp giữa share và parenting) để gọi tên thói quen chia sẻ con lên mạng.
Nếu để ý một chút, bạn sẽ nhận ra những thông tin cá nhân như trên hay được sử dụng để trả lời cho các câu hỏi bảo mật để bạn lấy lại mật khẩu đã quên. Ví dụ, khi bạn quên mật khẩu đăng nhập vào một trang nào đó, hệ thống sẽ xác nhận đúng danh tính chủ tài khoản bằng các câu hỏi cá nhân mà bạn tưởng chỉ mình mình biết. Ví dụ, con mèo của bạn tên là gì? Bạn có bao nhiêu bạn thân? Bạn từng đi du lịch đến nước châu Á nào?
Theo kết quả của một cuộc khảo sát tại Anh, có 42% người tham gia hay sử dụng tên thành viên trong gia đình, tên thú cưng hay ngày quan trọng để làm mật khẩu. Vì vậy, muốn tìm mật khẩu của một người, hãy nhìn vào những gì họ chia sẻ trên mạng xã hội, mật khẩu có thể là một trong số đó.
Dữ liệu từ ngân hàng Barclays tại Anh cho thấy đến năm 2030, 7.4 triệu vụ trộm danh tính có thể xảy ra mỗi năm. Theo Theo trung tâm ITRC (Identity Theft Resource Center - một tổ chức phi lợi nhuận về chống trộm danh tính) tại Mỹ, chỉ với thông tin trên mạng xã hội như tên, ngày sinh, địa chỉ và thông tin của nạn nhân có sẵn trên web đen như số bảo hiểm xã hội, những kẻ lừa đảo có thể dễ dàng mở tài khoản ngân hàng hoặc vay tiền dưới danh nghĩa của những đứa trẻ này.
Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn trong đại dịch COVID-19. Nhiều trường học đã khuyến khích phụ huynh đăng video của con lên mạng xã hội để giữ kết nối với các bạn cùng lớp. Điều này làm gia tăng lượng thông tin được chia sẻ trực tuyến về cuộc sống gia đình cá nhân của các bé.
Hàng ngàn bức ảnh được chia sẻ
Một đứa trẻ 5 tuổi trung bình có khoảng 1.500 bức ảnh được chia sẻ trực tuyến. Điều này có nghĩa khi trẻ 13 tuổi và có khả năng tự sử dụng mạng xã hội, khoảng 4.000 bức ảnh của chúng đã có sẵn trên các trang mạng này. Con số này không bao gồm những đứa trẻ có cha mẹ là người nổi tiếng và gây dựng sự nghiệp nhờ việc chia sẻ hình ảnh con cái đến cộng đồng người hâm mộ trên toàn thế giới.
Dường như chia sẻ ảnh con cái là một hiện tượng toàn cầu. Theo trang Channel News Asia, nhiều đứa trẻ Trung Quốc cảm thấy ngượng ngùng và không thích ảnh cha mẹ chia sẻ trên mạng. Giáo sư Jung Younbo từ trường Đại học Công nghệ Nanyang cho biết sharenting là một hiện tượng mang tính xã hội trên thế giới. Điều này một phần xuất phát từ việc các gia đình ngày nay có ít con hơn, vì vậy họ có xu hướng trân trọng mọi khoảnh khắc của con.
Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để đánh cắp và làm giả mạo thông tin đang trở thành mối đe dọa với trẻ em. Nhờ dữ liệu là khói lượng đồ sộ hình ảnh và video của trẻ được đăng tải bởi cha mẹ, kẻ trộm công nghệ cao có thể tạo hình ảnh, video, hình động, âm thanh hoặc giả dạng giọng nói của đứa trẻ cho các mục đích xấu.
Khi bạn đăng công khai một bức ảnh để lộ thông tin cá nhân và xóa đi ngay sau 10 giây, vẫn có khả năng là ai đó đã lưu lại và được truyền đi, đó có thể là bạn bè, gia đình và cả người lạ. Jessica VanderWier, một nhà trị liệu tâm lý cho trẻ, cảnh báo rằng, một trong những điều đáng sợ nhất mà kẻ xấu có thể làm là dùng hình ảnh của trẻ cho các website khiêu dâm trẻ em.
Ngoài ra, một số nền tảng chia sẻ cũng đưa ra điều khoản và dịch vụ nhằm có nhiều quyền hạn tác động đến nội dung người dùng hơn. Điều này nghĩa là nếu bạn đăng ảnh lên, thì họ đã có quyền sở hữu bức ảnh đó. Dù bạn có xóa đi thì dữ liệu có thể vẫn kịp thời tải lên hệ thống máy chủ.
Vậy các bậc phụ huynh nên làm gì khi muốn khoe mà vẫn giữ an toàn cho con?
Trước hết, cha mẹ nên ý thức rằng việc họ chia sẻ một cách vô tư hình ảnh con lên mạng xã hội, dù với tâm trạng vui vẻ, tự hào hay tức giận đều có khả năng ảnh hưởng đến tâm lý trẻ. Cha mẹ nên kiểm tra kỹ nội dung ảnh, tránh để lọt ra ngoài các thông tin cá nhân quan trọng của con. Một số thông tin như trường học, lớp học hay tên giáo viên cũng cần cân nhắc trước khi chia sẻ.
Đừng quên mạng xã hội cho phép chúng ta cài đặt chế độ riêng tư, hạn chế số lượng người xem hoặc che bớt một phần hình ảnh, thông tin quan trọng. Hãy tận dụng tính năng này.
Chúng ta cũng có thể dùng mạng xã hội như một công cụ để dạy con biết cách xin phép ý kiến của người khác, giáo dục kỹ năng lắng nghe, cũng như giúp con nhận thức được rủi ro khi chia sẻ quá nhiều trên mạng xã hội.
Khi Stacey bắt đầu nghiên cứu về các chính sách bảo vệ trẻ em, cô nghĩ mình sẽ không bao giờ dám đăng tải bất kỳ điều gì nữa, nhưng cuối cùng cô vẫn chia sẻ vì nhìn thấy những giá trị tích cực của mạng xã hội. "Làm mẹ của một đứa trẻ dạy tôi một bài học, đó là nếu không hướng dẫn con mình cách hạn chế việc chia sẻ, một ngày nào đó chúng sẽ không biết cách tôn trọng quyền riêng tư của người khác trong không gian mạng", cô kết luận.