ĐBQH đề nghị nâng mức phạt tiền vi phạm an ninh trật tự, an ninh mạng

D.Hà
10/06/2020 - 14:42
ĐBQH đề nghị nâng mức phạt tiền vi phạm an ninh trật tự, an ninh mạng
Thảo luận tại tổ sáng nay (10/6) về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, một số đại biểu Quốc hội cho rằng cần nâng mức phạt hành chính đối với lĩnh vực an ninh trật tự, an ninh mạng nhằm đảm bảo tính răn đe.

Sáng nay 10/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sử đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Nhiều ý kiến băn khoăn xung quanh mức phạt tiền chưa đủ răn đe đối với một số lĩnh vực có tính chất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trật tự an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, việc phân cấp quản lý các trại giáo dưỡng, trại cai nghiện ma túy, mại dâm.. theo dự thảo luật hiện nay, theo các ĐBQH hiện cũng gặp nhiều bất cập, chồng chéo, quản lý thiếu hiệu quả.

Về các mức tiền xử lý vi phạm hành chính, ĐB Lê Tấn Tới (đoàn Bạc Liêu) – Thứ trưởng Bộ Công an, cho rằng, hiện mức tiền phạt tối đa liên quan đến việc vi phạm các lĩnh vực an ninh trật tự an toàn xã hội, an ninh mạng đang là 40 triệu đồng. Trong khi đó một số lĩnh vực khác như văn hóa xã hội, báo chí, xăng dầu… nếu vi phạm thì mức phạt tiền cao nhất là 100 triệu đồng.

"Mức này chưa đủ sức răn đe so với các lĩnh vực khác, theo tôi nên nâng mức phạt lên cao nhất là 75 triệu đồng đối với vi phạm an ninh trật tự và nâng mức phạt cao nhất đối với vi phạm lĩnh vực an ninh mạng là 100 triệu đồng" - ĐB Tới đề xuất.

ĐBQH đề nghị nâng mức phạt tiền vi phạm an ninh trật tự, an ninh mạng - Ảnh 1.

ĐBQH Lê Tấn Tới - Thứ trưởng Bộ Công an (trái) nói về bất cập trong xử lý vi phạm hành chính một số lĩnh vực. Ảnh: D.H

ĐB Lê Tấn Tới cũng nêu bất cập về phân cấp quản lý các cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc. Theo ông, hiện Bộ LĐTB&XH được giao quản lý các cơ sở này, trên cơ sở phối hợp với các lực lượng bảo vệ chuyên trách. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không ít địa phương phối hợp không chặt, dẫn đến tình trạng phức tạp, nhiều nơi người nghiện trốn chạy. "Việc chuyển đổi phân cấp quản lý, và sự phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ LĐTB&XH theo tôi cần có tổng kết mô hình để xem hiệu quả đến đâu" – ông đề nghị.

Ông cũng đề xuất xem xét lại việc bỏ hẳn việc xem người sử dụng ma túy là tội phạm khi sửa Bộ luật Hình sự, trong khi thực tế người nghiện gia tăng nhanh, hiện có gần 200.000 người nghiện có hồ sơ quản lý. "Người nghiện ma túy ngày càng nhiều. Nói là dân chủ, nhưng xác định người nghiện ma túy là người bệnh rất bất cập, không có cầu làm sao có cung?" – ĐB này băn khoăn.

Cũng theo ĐB, một thực tế cần nhìn nhận thẳng thắn đó là việc cai nghiện hiệu quả không cao do phân cấp nhiều cơ quan quản lý. Cụ thể, quy trình cai nghiện thuộc Bộ Y tế quy định, Bộ LĐTB&XH quản lý trong cơ sở cai nghiện, còn Bộ Công an thì đi thu gom, xác định người nghiện và đưa về thì Tòa án xử lý.

"Bốn khâu này chưa đồng bộ nên việc giải quyết người nghiện đạt hiệu quả không cao, kéo theo các vấn đề xã hội khác như tội phạm hình sự tăng, ảnh hưởng an ninh trật tự quốc gia. Thực tế đã có những vụ việc các đối tượng vi phạm an ninh quốc gia lợi dụng cho tiền để người nghiện đi quậy phá, tình trạng này rất bất cập!" – ông nói.

Trước các bất cập trên, ĐBQH – Thứ trưởng Bộ Công an Lê Tấn Tới đề nghị cần thực hiện đơn giản hóa thủ tục, thấu đáo hơn các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đặc biệt đối với cơ sở điều dưỡng, giáo dưỡng, các trại cai nghiện…

"Nên chăng quay về như trước đây, nên quy về đầu mối chủ tịch UBND cấp huyện phụ trách thì sẽ hợp lý hơn là phân cấp như bây giờ" – ĐB Tới nói.

Thảo luận về mức phạt tiền vi phạm hành chính có sự chênh lệch giữa hai lĩnh vực với mức 40 triệu và 100 triệu như ĐB Lê Tấn Tới nêu, ĐB Nguyễn Mai Bộ ( đoàn An Giang) cho rằng có cơ sở để "giải mã" sự khác nhau giữa các mức phạt này. Theo ông, nhóm an ninh trật tự an toàn xã hội thì thông thường đối tượng bị xử phạt là cá nhân. Cá nhân bị xử phạt trên mức 40 triệu đồng thì qua tổng kết, thông thường đã chuyển sang tội phạm hình sự. "Vì thế đối với cá nhân, nếu xử cao hơn nữa thì tính khả thi của luật quá hà khắc" – ông cho hay.

ĐBQH đề nghị nâng mức phạt tiền vi phạm an ninh trật tự, an ninh mạng - Ảnh 2.

ĐBQH Nguyễn Mai Bộ (ở giữa) thông tin thêm về cơ sở quy định mức xử phạt hành chính một số lĩnh vực. Ảnh: D.H

Còn với nhóm xử phạt cao nhất 100 triệu đồng, theo ĐB Mai Bộ, đối tượng bị xử phạt lại chủ yếu là các tổ chức. "Theo tôi vì thế mức 100 triệu này là ổn. Còn vi phạm đến mức phạt trên 100 triệu thì tính chất nguy hiểm của mức độ hành vi đã khác, pháp nhân thương mại sẽ chuyển sang mức xử lý hình sự" – ĐB Nguyễn Mai Bộ phân tích.

Ông cũng nói về lý do bỏ Điều 194 Bộ luật Hình sự về tội sử dụng chất ma túy. Là thành viên của tổ soạn thảo, ĐB Bộ cho biết, việc loại bỏ người sử dụng ma túy là tội phạm xuất phát từ việc Việt Nam ký công ước quốc tế về phòng chống ma túy, trong đó có nội dung coi người nghiện ma túy là người bị bệnh chứ không phải người phạm tội. 

"Nguyên tắc của công ước là nước nào đã tham gia công ước thì phải nội luật hóa. Vì thế buộc phải bỏ Điều 194 ra khỏi Bộ luật Hình sự từ năm 1999" – ông cho hay.

ĐB Nguyễn Mai Bộ cũng đồng tình với việc cần thiết phải tổng kết lại mô hình cai nghiện, đặc biệt là cơ quan tổ chức quản lý. Nếu giao Chủ tịch UBND xã, huyện xử lý bằng quyết định hành chính và đưa vào các trại giáo dưỡng, cai nghiện thì thủ tục nhanh gọn, thuận lợi hơn, và giao công an quản lý sẽ tốt hơn là phân cấp về một sô cơ quan khác nhau như hiện nay.

ĐB Võ Thị Ánh Xuân – Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang đề nghị cần hết sức cân nhắc khi quy định mức phạt tiền theo hướng tăng hoặc giảm, đảm bảo vừa có tính răn đe vừa tránh gây sốc khi mức phạt chuyển từ thái cực này sang thái cực kia. "Đề xuất tăng mức phạt thì cần giải thích rõ vì sao tăng, mức xử phạt phù hợp trên cơ sở vừa có tính khoa học vừa đánh giá được thực tiện" – ĐB Xuân cho hay.

Cũng theo ĐB Ánh Xuân, cử tri hiện bức xúc về việc càng ngày tội phạm ma túy càng lộng hành, không những không giảm mà còn tăng lên. Cách quản lý, xử phạt.. theo thông lệ quốc tế nhưng trong điều kiện của VN hiện nay, nếu không hình sự hóa được thì mức phạt hành chính như thế nào để đảm bảo sự răn đe cũng là điều cần lưu tâm.

"Rõ ràng các quy định hiên nay chưa có sự răn đe, bộ máy tổ chức thực hiện trong thực tiễn chưa đủ. Chúng ta phải xem lại các vấn đề trong thực tiễn chưa thực hiện và dư luận xã hội chưa yên tâm để các cơ quan pháp luật có đề xuất hợp lý, từ đó công tác phòng chống ma túy trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn" – ĐB Võ THị Ánh Xuân nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm