Phạt tiền dạy thêm, xúc phạm nhân phẩm học sinh: Khó áp dụng

01/10/2018 - 17:51
Giáo viên, chuyên gia giáo dục cho rằng, phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục, trong đó phạt tiền lên đến 10 triệu đồng với việc học thêm hoặc xúc phạm nhân phẩm học sinh, không dễ để áp dụng trong thực tế.

Suy xét kĩ khi phạt tiền trong lĩnh vực giáo dục

Nhiều năm gắn bó với nghề giáo và trong vai trò quản lý, thầy Lê Đức Dũng – Hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Đồng (Đồng Nai) chiều 1/10 đã có những chia sẻ với báo PNVN thể hiện sự băn khoăn về dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Theo thầy Dũng, đưa ra các xử phạt kinh tế là cách để đạt hiệu quả răn đe, làm cho người bị phạt bị “đánh” vào túi tiền nên đây cũng là cách làm thiết thực trong bối cảnh hiện tại. Tuy nhiên, với giáo dục là lĩnh vực đặc thù, ông cho rằng rất khó áp dụng, không phải vì luật không nghiêm mà là giáo dục đôi khi có những mặt mà luật không thể vận dụng rõ ràng được.

“Đơn cử như việc nhẹ nhàng nhất là cha mẹ học sinh gửi con em cho thầy cô dạy thêm. Việc học thêm dạy thêm rõ ràng là xuất phát từ chính nhu cầu của cha mẹ và thầy cô đáp ứng nhu cầu. Vì vậy trong trường hợp đặt vấn đề phạt dạy thêm học thêm thì phải có một thông tư hướng dẫn cụ thể, trong đó giúp giáo viên phân biệt đâu là việc dạy thêm, đâu là việc hỗ trợ phụ huynh trong chăm sóc hướng dẫn trẻ” – thầy Dũng nói.

Theo ông, cái khó ở đây chính là sự thoả thuận giữa người dạy với cha mẹ học sinh. Khi hai bên đạt được thỏa thuận thì nên tôn trọng việc làm giữa cha mẹ và thầy cô giáo. Khi làm được điều này, thay vì cấm, thì nên tạo điều kiện để chính cha mẹ và giáo viên công khai được những điều này

“Chừng mực nào đó Nhà nước chỉ là vai trò bảo hộ để cha mẹ không thấy bị thiệt thòi nếu người ta không đáp ứng được nhu cầu. Thầy cô giáo cũng cảm thấy yên tâm để xem đây là một hoạt động giáo dục chính đáng ngoài các tiết dạy chính ở trường” – thầy Dũng nêu quan điểm.

Xúc phạm nhân phẩm: vấn đề đạo đức chứ không đơn thuần xử phạt

Một nội dung cũng gây chú ý trong dự thảo là quy định rõ,  người có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học có thể bị phạt 10 - 30 triệu đồng và phải xin lỗi công khai. Thầy Lê Đức Dũng cho rằng phạt thì cứ phạt, nhưng không được đánh đồng với vấn đề cao hơn, đó là đạo đức nghề nghiệp.

Thầy Dũng cho rằng, vấn đề  xúc phạm nhân phẩm người học đã được nói rõ trong chuẩn nghề nghiệp do Bộ GD&ĐT quy định rồi, trong đó có những khống chế rất chặt chẽ. Nếu giáo viên xúc phạm nhân phẩm học sinh thì có thể đánh giá ở mức độ chuẩn nghề nghiệp mức độ kém.

Hơn nữa, nói tới đạo đức nhà giáo, việc xúc phạm nhân phẩm học sinh và vi phạm nghiêm trọng, bởi chính Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã từng nói rõ: Những thầy cô có biểu hiện thiếu đạo đức nghề nghiệp, phải kiên quyết đưa ra khỏi ngành.

“Theo tôi đừng đánh đồng nội dung này qua việc xử phạt hành chính. Xúc phạm nhân phẩm học sinh là chuyện đạo đức thầy giáo rồi, không thể đưa điều đó ra để phạt HS được. Nếu dùng lời lẽ để cưỡng chế, xúc phạm học sinh buộc các em phải theo ý mình thì đó chính là thất bại của người dạy. Dùng bạo hành bằng ngôn ngữ là thất bại toàn tập của giáo viên!” – thầy Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo thầy, vấn đề đạo đức nghề nghiệp nếu có quan tâm thì nên quan tâm từ gốc, còn đợi sự việc xảy ra mới phạt thì không có tác dụng lớn nữa. Do đó, thay vì chọn mức phạt, nên có nhiều nội dung, kênh thông tin khác để bồi dưỡng nhắc chính đội ngũ giáo viên.

"Chẳng giáo viên nào muốn thất bại trong nghề đâu, nhưng vấn đề là cần tạo điều kiện để họ trau dồi, học hỏi, nghĩa là ngăn ngừa từ đầu thì sẽ hay hơn là để xảy ra chuyện rồi mới phạt" – thầy Dũng nói.

Điều mà thầy Lê Đức Dũng muốn chia sẻ là hãy xem như đây chỉ là một trong các biện pháp. Thời điểm hiện nay, rõ ràng có nhiều việc khiến dư luận băn khoăn về cách giáo dục. Khi ra đời một nghị định cũng là một trong những biện pháp. Có càng nhiều biện pháp thì tác dụng lan tỏa hơn, cách phòng ngừa có giá trị nhất định hơn vì vậy không thể phủ nhận nghị định này.

"Tuy nhiên ngoài nghị định này còn có nhiều việc cần làm hơn. Đây cũng chỉ là một phương tiện. Còn nhiều phương tiện khác và tính cần thiết cũng cao hơn" – thầy Dũng cho hay.

Xem xét lại mức tiền phạt. 

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, quy định các mức tiền phạt trong môi trường giáo dục là quá cao. Theo ông, mức độ phạt chỉ ở mức người ta chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Môi trường giáo dục phải có cách khác để xử phạt. TS Tùng Lâm vẫn ủng hộ mức phạt bình thường như hiện nay vẫn áp dụng ở các nhà trường. Tuy nhiên, có thể quy định rõ hơn là nếu thấy vi phạm quá mức thì phải đưa sang cơ quan pháp luật xử lý chứ không để các trường tự ý xử lý. Nên có các mức độ xử lý theo kiểu giáo dục, nếu không đạt được sự răn đe mới chuyển sang cơ quan pháp luật xử lý, như vậy sẽ đảm bảo tuần tự hơn thay vì áp luôn các mức phạt hành chính đưa ra, và nếu làm không khéo sẽ gây “loạn” trong nhà trường, ông Lâm lo ngại.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm