pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chia sẻ kiến thức phân loại chất thải rắn sinh hoạt và xử lý chất thải thực phẩm tại nguồn
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương phát biểu tại hội thảo.
Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề cấp bách toàn cầu và nhận được sự quan tâm sâu sắc của tất cả các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Tại Việt Nam, rác thải đang phát sinh hàng ngày, hàng giờ và gây ra nhiều hệ lụy nặng nề ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của chính chúng ta và các thế hệ mai sau nếu chúng ta không hành động, không có biện pháp xử lý mạnh mẽ nhất.
Phân loại rác thải đúng cách trở thành một khâu trong mô hình kinh tế tuần hoàn
Hiện nay, vẫn tồn tại một thực trạng là phần lớn rác sinh hoạt được chủ yếu xử lý bằng phương pháp chôn lấp hoặc đốt thủ công tiêu tốn mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng và là một tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, thói quen không phân loại rác của người dân đã dẫn tới lãng phí một nguồn tài nguyên lớn cho sản xuất, trong đó có sản xuất nông nghiệp. Nhìn chung, việc quản lý, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả và có nơi còn chưa được quan tâm đã trở thành vấn đề bức xúc ở nông thôn, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của khu vực này. Trong khi đó, phần lớn rác sinh hoạt nếu được phân loại đúng cách sẽ trở thành "nguồn tài nguyên có giá trị", trở thành một khâu trong mô hình kinh tế tuần hoàn.
Trước thực trạng trên, trong những năm qua, bảo vệ môi trường nói chung, đặc biệt vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt luôn là vấn đề Đảng và Nhà nước ta quan tâm.
Nhận thức rõ được vai trò và trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, Hội LHPN Việt Nam đã đưa bảo vệ môi trường là một trong những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm được thực hiện nhiều nhiệm kỳ thông qua các cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, phong trào "Chống rác thải nhựa", đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025" của Chính phủ...
Nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo của phụ nữ tại các địa phương được xây dựng, duy trì và nhân rộng đã và đang góp phần tích cực tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động bảo vệ môi trường của mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng. Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" được triển khai đồng bộ, toàn diện, đã đóng góp đáng kể vào kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, rất nhiều hoạt động đã được các cấp Hội tích cực triển khai như thu gom, phân loại, xử lý rác thải; giảm thiểu và tái chế rác thải nhựa; trồng cây xanh, trồng đường hoa; khẳng định vai trò, trách nhiệm của phụ nữ, của tổ chức Hội góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống. Thời gian qua, TW Hội cũng đã triển khai các mô hình "Phụ nữ sống xanh" tại cộng đồng, chợ và siêu thị ở một số tỉnh, thành, trong đó có hướng dẫn, thực hành phân loại và xử lý rác hữu cơ bằng phương pháp vi sinh bản địa (IMO) được đánh giá mang lại nhiều lợi ích trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời làm giảm lượng rác thải ra các bãi rác tập trung, làm sạch môi trường đất, nước, không khí. Thanh Hóa là một trong những địa phương đã có nhiều hoạt động thiết thực, sáng tạo trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần hiệu quả xây dựng nông thôn mới.
Chia sẻ kinh nghiệm phân loại rác tại nguồn hiệu quả
Với mong muốn trao đổi, chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm, đề xuất giải pháp hiệu quả thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt và xử lý chất thải thực phẩm, ngày 23/9/2022, Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo phân loại chất thải rắn sinh hoạt và xử lý chất thải thực phẩm tại nguồn. Đây là sự kiện hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2022 với chủ đề "Cùng hành động để thay đổi thế giới".
Tại hội thảo, Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương mong chia sẻ: "Tôi mong rằng, tại Hội thảo này, các quý vị đại biểu sẽ tập trung thảo luận và làm sáng tỏ những khó khăn đang đặt ra trong thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt và xử lý chất thải thực phẩm tại nguồn ở địa phương và chia sẻ kinh nghiệm thực tế, đề xuất các giải pháp, cơ chế thực hiện hiệu quả việc phân loại, xử lý rác hữu cơ hiện nay.
Các đại biểu tham dự hội thảo đã trình bày những tham luận với các nội dung: Đề xuất giải pháp để Hội Phụ nữ các cấp tham gia hiệu quả công tác bảo vệ môi trường và cơ chế thực hiện trong công tác tuyên truyền phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; "Chia sẻ mô hình thu gom, phân loại rác hiệu quả trên địa bàn và đề xuất, kiến nghị"; Chia sẻ câu chuyện kinh tế tuần hoàn từ việc phân loại và xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình…
Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia (năm 2019), mỗi ngày cả nước phát sinh là trên 64 nghìn tấn chất thải rắn sinh hoạt , trong đó khối lượng phát sinh tại khu vực đô thị là trên 35 nghìn tấn và khu vực nông thôn là trên 28 nghìn tấn. Con số chất thải rắn phát sinh mỗi ngày trong cả nước tính ra nặng bằng trọng lượng của 349 chiếc máy bay Boeing 747.