pnvnonline@phunuvietnam.vn
Điều gì khiến bạn chia tay nhưng vẫn luôn nghĩ về người yêu cũ?
Ảnh minh họa
Bạn cũng có thể đang vật lộn để buông bỏ quá khứ, có thể vì bạn đã lý tưởng hóa mối quan hệ này và những gì cả hai đã từng trải qua. Một lý do khác khiến người yêu cũ luôn lẩn quẩn trong tâm trí của bạn là vì bạn có mối liên hệ đặc biệt với họ và bạn tin rằng họ là nửa kia thực sự của cuộc đời mình và sự vương vần này chính là lý do mà cả hai nên quay lại.
Theo Sara Tang, huấn luyện viên tình cảm kiêm người sáng lập trang Sarasense (Hồng Kông, Trung Quốc) - nơi cung cấp nhiều nguồn tài nguyên trực tuyến và huấn luyện cải thiện kỹ năng về hôn nhân cho biết: Có rất nhiều lý do tại sao một số người vẫn giữ liên lạc với "người cũ", có thể do bắt buộc cũng có thể do cảm xúc. Trước đây mối quan hệ của họ bao gồm cha mẹ hoặc sống và làm việc trong cùng một môi trường, doanh nghiệp; còn sau này chủ yếu là do có mối tương quan với trước ki, hoặc cả hai vẫn duy trì tình bạn với nhau.
Ngoài ra, cô còn chia sẻ: "Đôi khi một trong hai người vẫn còn tình cảm với nhau, còn người kia lại xem người yêu cũ như một chỗ dựa tinh thần hay một lựa chọn dự phòng". Việc bạn có giữ liên lạc với người yêu cũ hay không có thể tùy thuộc vào mối quan hệ của bạn đã từng gắn kết như thế nào và lý do của việc chia tay là gì. Không có câu trả lời chính xác nào được đưa ra, nó phụ thuộc vào mục đích cả hai giữ liên lạc và điều mà bạn muốn khi tình trạng này kết thúc.
Cô cũng cho biết, kết nối với một người cũ mang lại cả ảnh hưởng tích cực và tiêu cực. Nếu mọi thứ kết thúc tốt đẹp, việc duy trì liên lạc sẽ làm cuộc sống của bạn thêm thoải mái mà không gây tổn thương hay khó chịu cho bất kỳ bên liên quan nào, bao gồm cả người yêu hiện tại thì bạn nên giữ liên lạc. Mặt khác, nếu giữ liên lạc với "người cũ" đồng nghĩa với việc bạn không thể tiến đến một mối quan hệ khác hay nó làm rạn nứt mối quan hệ với người hiện tại, thì điều này cần nên cân nhắc. Việc này thường xảy ra khi một người vẫn còn tình cảm với người yêu cũ và họ muốn quay lại.
Nếu bạn muốn tâm sự với người yêu cũ thì sao? Điều đó nghĩa là gì?
Sara Tang giải thích rằng khi hai người đã chia tay muốn tâm sự với nhau, điều đó có nghĩa là họ vẫn có một mối quan hệ bền chặt và thực sự quan tâm đến nhau, thậm chí còn hơn mối quan hệ tình yêu thông thường. "Người cũ" cho bạn nhiều sự thoải mái và quen thuộc, vì vậy bạn có thể cảm giác tự nhiên và an tâm khi trò chuyện với họ.
Cần có rất nhiều thời gian để xây dựng một loại mối quan hệ mới, và điều quan trọng là việc hai bạn tâm sự với nhau không làm ảnh hưởng đến mối quan hệ hiện tại của bạn. Tang chỉ ra rằng, mặc dù xem nhau là bạn tâm tình có thể chấp nhận được, nhưng ranh giới của cả hai cần được đặt ra nếu bạn không muốn mọi chuyện đi xa hơn. Những ranh giới được đặt ra này không phải là sự từ chối, mà là một phần cần thiết để đảm bảo bạn và "người cũ" luôn duy trì một mối quan hệ lành mạnh về cả tinh thần và thể chất.
Quay trở lại để tìm kiếm thứ gì đó an toàn và quen thuộc ở "người cũ" - người hiểu rõ bạn thật sự là một điều rất hấp dẫn. Vì vậy, không mấy khó hiểu khi nhiều người lại quyết định "qua đêm" cùng người yêu cũ của họ. Điều này rất phổ biến bởi vì nó khiến chúng ta cảm thấy thoải mái và quen thuộc. Quan hệ tình dục tạo ra một lực mạnh mẽ vì nó khiến bộ não của chúng ta giải phóng hormone và các chất dẫn truyền thần kinh khiến con người cảm thấy kết nối với người khác. Tuy nhiên, điều này có thể làm "hồi sinh" cảm xúc, gây ra tín hiệu hỗn loạn. Khi đã chia tay người yêu cũ, nhiều tác động về họ sẽ cứ xoáy vào đầu bạn, đặc biệt là sự kết nối từ quan hệ tình dục. Cho nên hãy cẩn thận xung quanh việc gán bất kỳ ý nghĩa hay cảm xúc nào cho tình dục, bởi vì nó dễ dàng lý tưởng hóa và lãng mạn hóa một "người cũ" sau khi cả hai đã có những "phút giây mặn nồng" bên nhau.
Tang cho biết, có thể sau khi thân xảy ra sự thân mật về thể xác, bạn muốn xây dựng lại mối quan hệ này. Điều này hoàn toàn có thể, nếu đó là điều mà cả hai bạn muốn và cả hai đều nghiêm túc về nó, đều rõ ràng về lý do họ muốn quay lại với nhau và điều đó không xuất phát từ nỗi buồn hay sự cô đơn của cuộc chia tay. Và lúc này, điều quan trọng ở cả hai là phải xây dựng một khởi đầu mới và tránh đi vào vết xe đổ như trong quá khứ. Cô nhấn mạnh rằng cần phải bắt đầu mọi thứ từ từ, trải qua các giai đoạn hẹn hò và tìm hiểu nhau một lần nữa.
Sáu dấu hiệu cho thấy cả hai có thể quay lại
• Nếu cả hai bạn đã trưởng thành, vết thương từ việc chia tay đã được chữa lành và cảm thấy điều đó giúp xây dựng một mối quan hệ tốt hơn
• Vấn đề gây ra việc chia tay đã được giải quyết
• Bên chịu trách nhiệm cho việc chia tay đã nhận ra lỗi lầm và lời xin lỗi của họ bắt nguồn từ sự chân thành.
• Bên gây ra sự tan vỡ cho mối quan hệ đã nỗ lực thực sự để thay đổi và bạn cũng nhận thấy điều đó
• Bạn sẵn sàng tha thứ và buông bỏ mọi oán giận
• Các yếu tố tình huống (như yêu xa) gây ra việc chia tay đã không còn nữa.