pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chiều 30 Tết rưng rưng nghe Trường Sa gọi
Quốc Trường cho biết, năm nay là năm đầu tiên em xa nhà, cũng là năm đầu tiên Trường đón Tết ở Trường Sa. Những ngày giáp Tết, nhiều đoàn ra đảo chúc Tết người dân và bộ đội, tổ chức các hoạt động văn nghệ, gói bánh chưng, nên cả đảo vui lắm. "Hồi mới ra đảo, em rất nhớ nhà, nhớ bố mẹ nhưng có đồng đội ở bên chia sẻ, động viên nên em quen dần. Đôi lúc nhớ nhà, em lại thấy mình thật vinh dự khi được ra Trường Sa góp phần bảo vệ Tổ quốc. Dẫu cuộc sống có thiếu thốn, vất vả hơn ở đất liền nhưng đã ra đảo, đã nhận nhiệm vụ, thì em luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, không ngại bất cứ khó khăn, gian khổ nào", Quốc Trường nói, đôi mắt ánh lên vẻ tự hào của người lính biển.
Giờ học của con có bóng hình của cha
Vừa đi kiểm tra một vòng trên đảo về, trung tá Nguyễn Văn Quang, Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn cố nói to trong tiếng sóng và gió biển: "Tôi nghe báo sắp có áp thấp nhiệt đới nên đi kiểm tra đảo xem có gì cần lưu ý không?". Với cương vị người chỉ huy, trung tá Nguyễn Văn Quang đã có nhiều năm ăn Tết ở đảo. Năm mới cận kề, không ít đồng đội ái ngại cho anh, bởi từ khi vợ anh sinh con gái thứ hai đến nay con được gần 1 tuổi, anh chưa một lần được thấy mặt con. "Vợ tôi là giáo viên ở Quảng Ninh, vợ chồng tôi có con gái lớn 8 tuổi và con nhỏ gần 1 tuổi. Vì nhiệm vụ của đơn vị, không có mạng kết nối điện thoại, nên chỉ nghe vợ tả về con qua điện thoại. Vậy là tôi cứ tưởng tượng ra khuôn mặt đáng yêu của con bé mà mừng, mà hạnh phúc thôi", trung tá Nguyễn Văn Quang chia sẻ. Tết này không về được nhưng anh không buồn. Bởi tổ chức phân công, trung tá Nguyễn Văn Quang luôn xác định trách nhiệm của mình. Anh cho biết thêm: "Con gái lớn thi thoảng khoe rằng: Hôm nay, nhà trường cũng nói về Trường Sa, về bộ đội canh giữ đảo, con đã khoe với cô giáo và các bạn là bố con đang ở đó. Các cô luôn động viên con học hành ngoan để xứng đáng là con gái của bộ đội Trường Sa. Bố ơi, dù có lúc con giận bố vì bố hứa mãi vẫn không về với con nhưng con rất vui và tự hào vì có bố đang làm nhiệm vụ canh giữ đảo. Nghe con kể mà tôi cũng vui lây, tự hào lây với con".
Với trung tá Nguyễn Văn Quang, anh không chỉ có vợ con làm điểm tựa tinh thần, mà nhiều năm qua, anh luôn được bố mẹ nay đã 80 tuổi động viên: "Con đừng lo gì cho bố mẹ. Bố mẹ ở nhà có anh em, bạn bè, làng xóm và Nhà nước quan tâm, giúp đỡ. Con cứ yên tâm thực hiện nhiệm vụ của mình, vững vàng giữ gìn biển trời của Tổ quốc". Anh Quang kể: "Bố mẹ tôi biết từ nhỏ tôi luôn ước ao được đến Trường Sa. Lúc lớn lên, tôi quyết tâm thi đỗ vào trường Sĩ quan lục quân. Lúc ấy tôi nghĩ, vậy là mình sắp chạm được vào ước mơ rồi, chỉ cần cố gắng học tốt, ra trường công tác và đợi cơ duyên được đến Trường Sa. Vậy là sau 5 năm học, tôi ra công tác và đạt được ước mơ của mình. Ngày chính thức bước chân lên tàu rời đất liền hướng về Trường Sa, trong tôi cứ chộn rộn niềm vui khó tả. Giữa biển trời xanh ngút mắt, vẫn có một huyện đảo lừng lững, cây cối xanh tốt, nhân dân, đồng đội đón chào mình như người thân đi xa gặp lại, dù tôi và họ mới chỉ lần đầu gặp nhau. Tôi bỗng thấy điều thiêng liêng ở Trường Sa trong từng cử chỉ, ánh mắt của mọi người rồi đến cảnh vật xung quanh. Bố mẹ tôi bảo: "Con đã đạt được ước mơ của mình rồi, giờ hãy hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Tổ quốc giao".
"Luôn là hậu phương cững chắc đợi anh về"
Để những người lính đảo xa hoàn thành tốt nhiệm vụ, yên tâm giữ vững biển trời của Tổ quốc thì hậu phương của người lính luôn là điểm tựa vững chắc. Vừa đi đón con sau giờ làm việc, chị Nguyễn Thị Thanh Hà (ở TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà), vợ của chiến sỹ Vũ Mạnh Hải, bộ đội Trường Sa, tự hào khi nhắc đến chồng: "Em lấy chồng năm 2014, 5 năm là vợ chồng thì 3 lần anh đi đảo làm nhiệm vụ. Mỗi lần ít nhất 1 năm xa nhà, lần này là lâu nhất, bởi hơn 1 năm anh chưa về. Có lúc em hỏi anh bao giờ được về, anh chỉ cười bảo: Biển còn chưa bình yên, cần có anh, nên anh chưa thể về. Nghe anh nói, em lại nghẹn ngào thấy yêu và thương anh hơn".
Chị Nguyễn Thị Thanh Hà là nhân viên ở sân bay Cam Ranh. Chị chia sẻ: "Lần đầu anh đi đảo, 2 vợ chồng xa nhau đằng đẵng cả năm trời, em nhiều lúc cũng tủi thân lắm. Những ngày lễ Tết, lúc mỏi mệt không có chồng bên cạnh nhưng vì yêu anh nên em đã dần quen với sự vắng anh. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà, bố mẹ 2 bên nội ngoại, chăm sóc con cái đều một mình em lo nhưng em vẫn thương anh nhiều hơn. Em cố gắng quán xuyến việc nhà thật tốt để anh yên tâm làm nhiệm vụ. Em mong anh tin rằng, em và con luôn là hậu phương vững chắc đợi anh về".
Đón tết quê nhà lại nhớ đồng đội
Năm nay được về đoàn tụ với gia đình đón Tết nhưng trung sỹ Nguyễn Xuân Tuyền (Phân đội 37, đảo Trường Sa Lớn, quê ở Khánh Hoà) lại ngậm ngùi nỗi niềm riêng sau lễ chia tay đơn vị khi đã hoàn thành nhiệm vụ. "Năm ngoái, em đón Tết ở Trường Sa. Đúng đêm giao thừa, em trúng ca gác nên đau đáu nỗi nhớ nhà. Dẫu không gọi điện thoại được cho bố mẹ nhưng em vẫn thầm gửi lời chúc năm mới tới bố mẹ ở nhà. Năm nay, được đoàn tụ với bố mẹ sau 1 năm đi xa nhưng em lại thấy buồn và bâng khuâng nhiều hơn. Bởi mình phải chia tay đồng đội, những người đã gắn bó như máu thịt một nhà, bao khó khăn, vất vả đã cùng nhau vượt qua. Giờ em lại muốn được ở lại, tiếp tục làm nhiệm vụ cùng anh em nơi đầy sóng gió này".
Hoàng Thu Hà
(Anh 1) Chị Nguyễn Thị Thanh Hà cùng chồng, chiến sỹ Vũ Mạnh Hải, bộ đội Trường Sa, và con
Ảnh 2 -
Thượng úy
chuyên nghiệp Lê Văn Trung và con gái trong giờ phút chia tay ra huyện đảo Trường Sa làm nhiệm vụ