Làm mẹ của đứa con tuổi “nổi loạn”, lại là bà mẹ đơn thân nên chị Đặng Hoài An (Đống Đa, Hà Nội) nhiều khi cảm thấy bất lực. Nhất là với đứa con ngỗ ngược, lười biếng, chị thực sự không biết dạy con cách nào. Bởi, thiếu vắng “cái uy” của bố, cậu con trai nhiều khi coi mẹ không ra gì.
Đỉnh điểm là lần cậu con trai ăn cắp tiền của nhà hàng xóm và nói dối, chị tra khảo mãi mà con vẫn nhất định không khai. Chị đã vung tay lên định tát túi bụi vào mặt đứa con bất trị, nhưng rồi chị lại buông tay, sụp xuống ôm mặt khóc. Chị bảo con: “Mẹ đã hết sức chịu đựng rồi. Con chạy đi! Nếu không mẹ sẽ đánh con, giết con và có lẽ giết luôn cả mẹ nữa mất. Mẹ không biết phải làm gì với con. Không ai giúp mẹ phải dạy con thế nào…”.
Đúng lúc ấy, cậu bé chạy lại ôm lấy mẹ, mếu máo: “Con sai rồi. Mẹ đừng khóc nữa!”. Kể từ đó, mỗi khi “nhà có biến”, chỉ cần mẹ cau mặt hoặc nắm chặt tay là cậu bé biết mẹ mình đã đến giới hạn rồi, nó tự khắc dừng lại mà không đẩy đến đỉnh điểm.
Câu chuyện mà người bố tỏ ra “yếu đuối” khi cô con gái 15 tuổi uống rượu say cũng là bài học với các bố mẹ đang lúng túng trong việc uốn nắn con mình. Một hôm, cô con gái học trường quốc tế xin phép bố mẹ đi liên hoan để tiễn mấy bạn về nước theo gia đình. Sau 10 giờ tối mới thấy đám trẻ cùng một “trai lạ” cõng con gái đã say mèm về nhà và đưa giúp vào giường.
Người bố ấy lo cháy ruột, cả đêm vừa giải rượu cho cô con gái tuổi nổi loạn vừa trằn trọc nghĩ cách nghiêm trị con mà không làm tổn thương lòng tự ái của con. Sáng sớm, người mẹ “chuyền bóng” cho chồng: “Đấy, anh dạy con anh thế nào thì dạy! Em chịu rồi!”.
Người bố xuống bếp làm bữa sáng, mãi mới thấy con gái tỉnh rượu xộc xệch ngồi vào bàn. Mặt con câng câng chẳng có tí hối lỗi nào, tưởng chừng như sẵn sàng giương vây lên tự vệ và bật lại mọi lời giáo huấn. Người bố nhìn con gái rất chân thành: “Bố xin lỗi con! Để con uống rượu là lỗi của bố! Bố đã không làm con tin tưởng để tâm sự, chia sẻ nỗi buồn của con, khiến con phải “mượn rượu giải sầu” thế này. Bố sẽ sửa sai và gần gũi con hơn”.
Cô bé quá bất ngờ, ngây người, phút chốc òa lên: “Không bố ơi, là lỗi của con. Con đã đua với bạn bè và uống quá nhiều. Con xin hứa với bố từ nay đến năm 18 sẽ không đụng đến 1 giọt rượu nào nữa ạ!”.
Bác sĩ Nguyễn Lan Hải (cố vấn chuyên môn của Hội quán các bà mẹ) cho biết, các con tuổi teen thú nhận rằng, nếu lúc nào cha mẹ cũng dùng sức mạnh và quyền của người lớn để “đàn áp” thì các em chưa chắc đã phục. Nếu cha mẹ đặt điều kiện cho con cái rồi mới thể hiện tình yêu thì đâu còn là “tình yêu vô điều kiện” nữa. Nhưng nếu cha mẹ cũng có lúc tỏ ra mình “yếu đuối”, “sợ hãi”, “có thể mắc sai lầm”, thậm chí “cần đến sự giúp đỡ” thì chính các em lại thấy thông cảm, gần gũi, có trách nhiệm, muốn cha mẹ tin tưởng vào mình.
Vì thế, các cha mẹ có thể lấy đó để “xuất chiêu” với đứa con khó bảo và “các thế lực thù địch” đang vây quanh con (nào là bạn bè, nào game, nào trào lưu, nào tâm lý nổi loạn tuổi dậy thì, nào áp lực học hành thi cử,…). Tất nhiên, cha mẹ không dùng như "cơm bữa" khiến con đâm nhờn.