"Chính cái Tết xa nhà này mà con biết yêu thương mẹ nhiều hơn"

Nguyễn Minh Đức
12/02/2021 - 06:15
"Chính cái Tết xa nhà này mà con biết yêu thương mẹ nhiều hơn"

Nguyễn Minh Đức - chàng trai 19 tuổi (bên phải) cùng các du học sinh người Việt tại Nhật Bản. (Ảnh: NVCC)

Năm nay con không kịp về để được ở bên mẹ và gia đình mình lúc thời khắc thiêng liêng nhất của năm - đón Giao thừa. Ở phương xa vào đúng ngày Tết, nỗi nhớ mẹ cứ cồn cào, da diết bủa vây con…

Là một du học sinh Nhật Bản, năm nay con 19 tuổi, nhưng con phải sống xa nhà và đón một cái Tết đầu tiên và đáng nhớ nhất trong cuộc đời. Tuổi 19 là cái tuổi mà con có thể ở nhà giúp đỡ được gia đình rất nhiều trong ngày Tết. Nhưng bây giờ, con chỉ có thể nhớ nhà, nhớ mẹ ở một nơi xa Tổ Quốc.

Con vẫn nhớ hồi con chưa đi du học, mỗi dịp Tết đến, con được đi chợ sắm Tết cùng mẹ, cùng mẹ sửa sang chậu cây Thủy Tiên, rồi cùng bố và em trai dọn nhà trong ngày 30 Tết…

Lời tự sự của đứa con phương xa nhớ mẹ  - Ảnh 1.

Nhật Bản những ngày này tuyết đang rơi nhiều, con lại thương mẹ nhiều hơn (Ảnh: NVCC)

 Con vẫn nhớ như in những giáp Tết, con cùng bố lên thăm mộ các cụ, để bày tỏ lòng thành kính với ông bà, tổ tiên. Đó là một nét đẹp với con trong những ngày cận kề Tết. Khi các bạn ở nhiều nước khác nghe con kể chuyện Tết ở quê mình, có bạn nghĩ đó là những công việc đơn giản. Nhưng đối với con, khi xa nhà vào những ngày giáp Tết, con lại cảm thấy điều đó thiêng liêng vô ngần, con càng nhớ bố mẹ, nhớ gia đình mình trong những ngày Tết đang về.

Không khí Tết trong ký ức của con mang theo đến giờ là vô số hình ảnh đẹp về thời khắc chuyển giao giữa hai năm. May mắn vì nhà mình ở làng hoa Quảng An nên mỗi dịp sắp Tết, các gia đình lại bê dần các chậu cây đặc trưng của ngày Tết ra để bán. Chợ Tết lúc nào cũng tấp nập, đông vui từ sáng tinh mơ tới tối mịt. Ngoài những chậu cây cảnh Tết, con lại nhớ đến nồi bánh chưng, canh mọc, xôi gấc, gà luộc của mẹ nấu cho cả nhà thưởng thức ngày Tết.

Cho đến lúc này, con nhớ nhất món gà luộc ngày Tết. Vì tối 30 Tết mẹ đã làm mâm cơm cúng Tất niên có món gà luộc. Trưa ngày mùng Một, cả nhà mình tới nhà bà nội vẫn có món gà luộc và bánh chưng. Rồi tối mùng Một, nhà mình tới nhà bà ngoại lại vẫn là những món ăn ngày Tết như thế, có lúc khiến con phát ngán. Vậy mà khi xa nhà, con lại ao ước được cùng cả gia đình mình nếm dần những món ăn ngày Tết bình dị ấy biết bao.

Khi con xa nhà và đặc biệt đang ở một đất nước không ăn Tết âm lịch, nỗi nhớ nhà, nhớ Tết Việt cứ nhân lên nhiều lần. Ở nơi con học, vẫn có các bạn bè, anh chị người Việt Nam sống cùng, ngày Tết con cũng đỡ cô đơn và tủi thân hơn. Nhưng vào thời khắc Giao thừa đến gần, ai là người Việt ở bên con lúc này, dù là con trai mạnh mẽ đến nhường nào vẫn khó giấu được giây phút yếu lòng khi nhớ mẹ vào lúc Giao thừa ở quê hương.

Lời tự sự của đứa con phương xa nhớ mẹ  - Ảnh 2.

Chàng trai Nguyễn Minh Đức (phải) trong một lần dự lễ tốt nghiệp của các anh chị là người Việt khoá trên tại Nhật Bản (Ảnh: NVCC)

Nhớ nhà có lẽ là cảm xúc của những người con xa nhà, nhưng với riêng con còn là vô vàn những thứ cảm xúc không tên khác. Những ngày này, ở Nhật Bản tuyết đang rơi nhiều, rất lạnh, con càng thương mẹ và lo mẹ sẽ phải đi chợ bon chen, trong khi mẹ vốn rất sợ phải ra đường vào những ngày đông người tấp nập dưới trời mưa Tết. Mới hôm qua, khi con hỏi mẹ ở nhà đã sắm Tết được nhiều chưa? Nhà mình đã gói bánh chưng chưa? Thì mẹ nhắn rằng: "Năm nay mẹ không có hứng ăn Tết". Câu nói của mẹ đã làm con thấy sống mũi cay cay. Con biết, mẹ không có hứng ăn Tết, cũng bởi năm nay do dịch covid -19 còn phức tạp, nên con chưa kịp trở về ăn Tết với mẹ. Nhưng con hứa với mẹ, con đã và đang cố gắng mạnh mẽ để chống lại những chông gai, thử thách của cuộc đời. Và cả những thử thách phải ăn Tết xa nhà, xa mẹ và những người con yêu thương.

Năm mới đang đếm từng khắc một, khiến con càng thấy nhớ gia đình da diết, nhưng cũng chính có cái Tết xa nhà này mà con biết yêu thương mẹ nhiều hơn. Tết phương xa đơn côi, càng giúp con thấy rõ được giá trị của gia đình. Con hiểu được rằng mẹ như một "mặt trời đầu tiên" mãi ấm áp trong suốt chặng đường đời con sẽ đi qua./.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm